| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 11/04/2023 , 08:58 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:58 - 11/04/2023

Đừng sợ hãi sự giám sát của người dân

Cái biển 'cấm quay phim, chụp ảnh' chắc chắn không phải kim chỉ nam hay cẩm nang vàng cho đạo đức công vụ. Cán bộ đừng sợ hãi sự giám sát của người dân.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã yêu cầu giám đốc các sở ngành có đặt cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” trước cổng cơ quan, thì phải gỡ bỏ ngay lập tức. Lý do ông Phạm Văn Thiều nêu ra là cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” chỉ đặt ở những mục tiêu trọng yếu, còn sở ngành mà cũng làm vậy thì “dân đến, thấy khó chịu”.

Ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu rất xác đáng. Hơn nữa, tình trạng lạm dụng đặt cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” không chỉ có ở địa phương này, mà đã hình thành trào lưu tại nhiều nơi khác. Thật oái oăm, khi những đơn vị chỉ thực hiện công tác chuyên môn cũng đặt cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” nơi trụ sở làm việc. Những cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” được đặt tùy hứng có giá trị gì, không ai giải thích được, nhưng lại tạo ra khoảng cách giữa người dân và cán bộ.

Chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế đặt cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh”. Thế nhưng, khi cái điện thoại thông minh đã phổ cập rộng rãi, thì dường như một số tổ chức lại hình thành tâm lý tự vệ trước những rắc rối ngoài tiên liệu. Những địa điểm cần sự đảm bảo tuyệt đối về an ninh trật tự như quân đội, công an hoặc ngoại giao, thì ngoài trạm gác có nhân viên công lực còn có thêm cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh”. Điều ấy, ai cũng tuân thủ một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, những sở ngành đâu cần thiết phải đặt cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh”.

Ở những sở ngành đặt cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh”, có vài lời phân bua rằng, cán bộ cũng cần bảo vệ hình ảnh cá nhân. Đúng, nhưng không cần cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh", vì Luật Dân sự đã có quy định “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.

Sở ngành là nơi giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống dân sinh, và người dân cũng có quyền giám sát cán bộ thực thi nhiệm vụ ra sao. Nếu cán bộ đi đứng thẳng thớm, cư xử lễ độ, tác nghiệp rõ ràng theo tiêu chuẩn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, thì không e ngại bất cứ ống kính camera nào. Thậm chí, sự đàng hoàng cống hiến của cán bộ khi được người dân quay phim, chụp ảnh còn có thể làm tấm gương cho xã hội và truyền cảm hứng tốt đẹp cho cộng đồng.

Cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” khi đặt không phù hợp vị trí, thì rất phản cảm. Bởi lẽ, cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” vô tình phơi bày mối quan hệ ít thân thiện giữa cán bộ và người dân. Cán bộ càng gần dân thì càng hiểu dân, càng phụng sự tích cực cho đất nước.

Cái biển “cấm quay phim, chụp ảnh” chắc chắn không phải kim chỉ nam hay cẩm nang vàng cho đạo đức công vụ. Cán bộ đừng sợ hãi sự giám sát của người dân. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã cảnh tỉnh: “Có cán bộ còn ức hiếp nhân dân, thờ ơ bàng quan với nhân dân, vòi vĩnh nhân dân, trù dập nhân dân. Họ giống như ông vua con ở những nơi đó”.