Cược tính mạng khi lưu thông trên đường sạt lở
Công ty Cổ phần thuỷ điện Đông Nam Á Nậm Lúc (trụ sở 182 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai) là chủ đầu tư thuỷ điện Nậm Lúc. Khi thuỷ điện dâng nước khiến đoạn sông Chảy qua địa phận thôn Kho Vàng trở thành một hồ trữ nước khổng lồ. Chưa thấy hiệu quả kinh tế từ thuỷ điện Nậm Lúc mang lại nhưng trước mắt gần 100 hộ dân của thôn đã phải gánh hậu quả từ công trình này.
Thuỷ điện Nậm Lúc dâng nước gây sạt trượt, tạo hàm ếch khoét sâu vào nền đường, lộ ra cả mặt bê tông phía bên dưới. Một số đoạn bắt đầu xuất hiện các vết nứt ngang, có thể đứt gẫy, tuột xuống sông bất kỳ lúc nào.
Khi qua những đoạn đường này, người dân đành phó mặc, đánh cược tính mạng cho hồ thuỷ điện.
Chúng tôi không có lựa chọn nào, hằng ngày đi qua đường này thấy nguy hiểm lo lắm nhưng cũng phải chịu. Trẻ con đi qua không may rơi cả xe, cả người xuống nước thì biết tìm ở đâu, hồ thuỷ điện mênh mông thế, ông Lù A Mùa – người dân trong thôn lo lắng.
Trong khi tình trạng đường sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, không thể lường trước rủi ro thì hằng ngày hàng trăm lượt phương tiện vẫn phải đi trên con đường độc đạo vào thôn Kho Vàng này. Họ đành chấp nhận rủi ro vì miếng cơm, manh áo.
Khoảng 2 trong 5 km trên tuyến giao thông nông thôn qua Kho Vàng bị ảnh hưởng. Trong đó, cơ quan chức năng đã có thống kê các điểm sạt lở nghiêm trọng và có 500m chính là đường tránh ngập của chủ đầu tư thủy điện Nậm Lúc làm trả cho người dân khi dâng nước hồ thuỷ điện.
Ông Đặng Văn Bình – Bí thư Chi bộ thôn Kho Vàng, đại diện người dân trong thôn đề nghị Công ty Cổ phần thuỷ điện Đông Nam Á Nậm Lúc – chủ đầu tư thuỷ điện Nậm Lúc sớm khắc phục sạt lở đường để đảm bảo an toàn cho bà con đi lại.
Không chỉ đường giao thông nông thôn bị hỏng, mà cây cối, hoa màu của người dân đã chìm sâu trong nước thuỷ điện Nậm Lúc nhưng chưa được đền bù. Ngoài ra, đường điện 0,4 kV từ trung tâm xã Cốc Lầu tới thôn Kho Vàng do Sở Công Thương tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư chưa kịp đóng điện, một cột đã bị đổ, dây điện ngâm nước sông, rất nguy hiểm đồng thời giằng kéo những cột còn lại.
Chậm khắc phục hậu quả
Trước sự an nguy tính mạng người dân, UBND xã Cốc Lầu đã chỉ đạo cắm các biển cảnh báo tạm thời và xếp các vật cản cảnh báo cho người dân tránh xa những điểm sạt lở.
Song trái lại, chủ đầu tư thuỷ điện Nậm Lúc hết sức thờ ơ, chậm sửa chữa khắc phục đường, thậm chí không thực hiện các biện pháp an toàn tối thiểu cho người dân như đã nêu trên. Khác hẳn với những gì trước đây, khi thuỷ điện đến thi công được người dân ủng hộ vì công trình mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương, nhưng khi chủ đầu tư xong việc thì người dân… cứ phải chờ đã.
Được biết, ngày 26/3, đoàn công tác liên ngành Sở Giao thông - Xây Dựng, Sở Công thương, Sở Kế hoạch – Đầu tư, UBND huyện Bắc Hà và UBND xã Cốc Lầu đã tiến hành kiểm tra thực tế tuyến đường giao thông qua thôn Kho Vàng của xã Cốc Lầu.
Theo đó, tuyến đường bê tông này có 24 vị trí sạt lở mực nước hồ thuỷ điện cách mặt đường từ 0,3-1m. Trong đó, có 7 vị trí nằm vào đường Công ty Cổ phần thuỷ điện Đông Nam Á Nậm Lúc phải hoàn trả, 17 vị trí không nằm trong hoàn trả lại đường giao thông. Một số vị trí thi công chưa đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt cũng được đoàn công tác chỉ ra qua lần kiểm tra này.
Đoàn công tác xác định Công ty Cổ phần thuỷ điện Đông Nam Á Nậm Lúc tích nước lòng hồ thuỷ điện Nậm Lúc dẫn đến tình trạng tụt móng, tạo hàm ếch gây sạt lở nhiều vị trí đường.
Đáng lưu ý tại buổi làm việc ngoài Công ty Cổ phần thuỷ điện Đông Nam Á Nậm Lúc thì đại diện Công ty Cổ phần tư vấn Sa Pa chịu trách nhiệm giám sát thi công thuỷ điện được mời nhưng không đến.
Trước đó 1 tháng, ngày 26/2, UBND huyện Bắc Hà đã chỉ đạo các phòng ban kiểm tra thống nhất phương án khắc phục sửa chữa sạt lở tuyến đường này. Tuy nhiên tới nay đơn vị phải chịu trách nhiệm gây ra sạt lở vẫn chưa có động thái huy động máy móc, thiết bị sửa chữa tuyến đường.
Ông Nguyễn Quốc Nghi – Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu xác nhận sự việc trên và cho biết thêm các sở ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã ra “tối hậu thư” yêu cầu công ty phải thực hiện ngay các biện pháp cắm biển cảnh báo, căng dây và khắc phục hậu quả 4 điểm sạt lở nghiêm trọng trước ngày 14/4.