| Hotline: 0983.970.780

Công trình thủy điện 3.000 tỷ gây sạt lở, vùi lấp đất sản xuất

Thứ Năm 31/12/2020 , 15:58 (GMT+7)

Cơ quan liên ngành xác nhận, thủy điện Đăk Re thi công kênh thông hồ với chiều sâu đào lớn, cùng với mưa bão đã làm sạt lở nhiều diện tích đất của người dân.

 

Ngày 31/12, cơ quan liên ngành của huyện Kon Plông (Kon Tum) cùng với Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân (chủ đầu tư dự án thủy điện Đắk Re) vừa kiểm tra thực tế và xác định nguyên nhân gây sạt lở diện tích đất sản xuất của người dân xã Hiếu.

Đối với kênh thông hồ thủy điện Đăk Re có chiều dài là 1.294m, hiện nay chủ đầu tư đang thi công đoạn kênh kín có chiều dài khoảng 500m, đoạn chưa thi công còn lại khoảng 794m.

Qua kiểm tra thực tế, khu vực phía hạ lưu điểm cuối kênh kín (nằm ngoài phạm vi thi công), đất trên sườn núi tự nhiên bị sạt lở khoảng 40.000m3 làm vùi lấp ruộng của dân khoảng 6,24ha. Phần đất phía trên mái taluy của kênh thông hồ có nguy cơ bị sạt lở cao.

Nguyên nhân một phần do việc thi công kênh thông hồ với chiều sâu đào lớn, tạo thành mái ta luy cao, gặp mưa bão đã làm sạt lở một phần đất phía trên ta luy dương (ngoài phần đã được bồi thường giải phóng mặt bằng).

Đối với khu vực suối Đăk Sroot, do ảnh hưởng mưa bão kéo dài khiến đất trên taluy dương bị sạt lở làm hẹp lòng suối dẫn đến thay đổi dòng chảy. Điều nay đã gây sạt lở khu vực sau trường mầm non thôn 1, xã Hiếu. Hiện chủ đầu tư đã khơi thông dòng chảy khu vực này và đang xây dựng kè bê tông chống sạt lở khu vực trường mầm non.

Thi công hệ thống kênh dẫn của thủy điện làm sạt lở đất của người dân.

Thi công hệ thống kênh dẫn của thủy điện làm sạt lở đất của người dân.

Cơ quan chức năng kết luận, đối với phần đất sản xuất của dân bị ảnh hưởng, chủ đầu tư thống nhất hỗ trợ cho dân theo đơn giá nhà nước quy định. Cơ quan chức năng cũng đề nghị chủ đầu tư khôi phục các cọc ranh giới giải phóng mặt bằng hạng mục kênh thông hồ để bàn giao cho UBND xã Hiếu quản lý; phối hợp UBND xã đo đạc phần diện tích đất phía trên mái taluy kênh thông hồ bị sạt lở và hỗ trợ cho dân theo đơn giá của của nhà nước.

Ngoài ra, đoàn cũng đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân hỗ trợ về việc làm cho các hộ dân bị mất 100% đất sản xuất…

Được biết, đây là lần thứ 2 cơ quan chức năng đi kiểm tra thực tế về việc thủy điện Đăk Re gây thiệt hại đất sản xuất của người dân. Trước đó, vào cuối tháng 11/2020,  khi đi kiểm tra, cơ quan chức năng cũng xác định, một phần do quá trình thi công san ủi các hạng mục kênh thông hồ, tuyến đường công vụ và khu vực đập lòng hồ 3 thuộc thủy điện Đắk Re gặp mưa, bão gây bồi lấp, ngập úng, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất và vùi lấp ruộng, ao cá của người dân trên địa bàn các thôn.

Liên quan đến việc thủy điện Đăk Re gây thiệt hại cho người dân, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, theo văn bản của Bộ Công thương đối với công trình thủy điện đang thi công thì phải rà soát lại. Hiện kênh thông hồ của Thuỷ điện Đăk Re đang trong giai đoạn thi công. Nếu không ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân cư tại vùng dự án thì cho tiếp tục được. Nếu trong trường hợp ảnh hưởng lớn đến dân cư, môi trường trong vùng dự án, thì sẽ phải nghiên cứu, xem xét, có thể loại bỏ phần kênh thông hồ.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, chủ đầu tư thủy điện Đăk Re đã từng tự ý ra thông báo tích nước khi chưa được phép vào tháng 6/2019.  Ngay sau đó, Sở Công thương tỉnh Kon Tum ký văn bản đề nghị tạm dừng kế hoạch tích nước hồ chứa thủy điện Đắk Re. Lý do, việc tích nước hồ chứa thủy điện Đắk Re chưa hoàn thành hồ sơ và trình UBND tỉnh Kon Tum xem xét việc tích nước hồ chứa thủy điện Đắk Re.

Thủy điện Đăk Re sẽ được thanh tra trong năm 2021.

Thủy điện Đăk Re sẽ được thanh tra trong năm 2021.

Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin, thủy điện Đăk Re (nằm trên địa bàn thôn 1, thôn 2 và thôn Kon Plinh) trong quá trình xây dựng đã gây thiệt hại trên 10 ha đất sản xuất của 73 hộ dân trên địa bàn xã Hiếu. Trong đó, diện tích đất bị thiệt hại phần lớn do sạt lở, đất đá vùi lấp hoàn toàn, không thể sản xuất.

Được biết, thủy điện Đắk Re có công suất 60MW, xây dựng tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, công trình đầu mối xây dựng ở huyện Ba Tơ, Quãng Ngãi. Tại Kon Tum, dự án triển khai xây dựng tại xã Hiếu, huyện Kon Plông từ năm 2016 với các hạng mục như các hồ chứa, đập chính, kênh thông hồ, đường công vụ.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký văn bản thống nhất danh mục các công trình thủy điện vừa và nhỏ cần tiến hành thanh, kiểm tra trong năm 2021 về việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư trong việc xây dựng, quản lý, vận hành công trình theo đề nghị của Sở Công thương. Theo đó, có 16 dự án thủy điện được thống nhất thanh tra trong năm 2021 theo đề nghị của Sở Công thương, trong đó có Thủy điện Đăk Re.

Nội dung đề cương thanh tra gồm các vấn đề như: Tình hình triển khai thực hiện đầu tư dự án; công tác quản lý chất lượng; kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tận thu khoáng sản; thực hiện phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án; công tác phòng chồng chống lụt bão; công tác an toàn; phòng chống cháy nổ…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.