| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh lộ 152 sụt lún nghiêm trọng do thuỷ điện Bản Hồ?

Thứ Ba 16/03/2021 , 09:10 (GMT+7)

Tỉnh lộ 152 đoạn qua hồ thuỷ điện Bản Hồ (Sa Pa) sụt lún nghiêm trọng, xe trọng tải lớn không thể lưu thông nguyên nhân do đâu?

Tỉnh lộ 152 sạt trượt nghiêm trọng sau khi thuỷ điện Bản Hồ dâng nước. Ảnh: T.N

Tỉnh lộ 152 sạt trượt nghiêm trọng sau khi thuỷ điện Bản Hồ dâng nước. Ảnh: T.N

Sụt lún sau khi thuỷ điện Bản Hồ dâng nước

Chỉ sau 1 tuần kể từ ngày thuỷ điện Bản Hồ dâng nước (9/2), các vết nút và sụt lún trên tỉnh trên tỉnh lộ 152 đoạn qua hồ thuỷ điện này bắt đầu xuất hiện. Theo thông tin UBND xã Bản Hồ, các vết nứt và sụt lún tiếp tục phát triển, mỗi ngày đi kiểm tra vết nứt lại lan rộng.

Ông Đào A Khởi - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ (Sa Pa) cho biết, kể từ khi thuỷ điện Bản Hồ dâng nước thì xuất hiện các vết nứt. Mỗi một ngày đi xem lại thấy khác hẳn rồi vết nứt lan ra cả quả đồi, nguy cơ sạt trượt mất cả đường.

Tiếp giáp khu vực này là đất canh tác của khoảng 5 hộ dân chuẩn bị để trồng ngô. Tuy nhiên khi xảy ra sạt trượt, họ không dám vào canh tác nữa, ảnh hưởng đời sống, sản xuất của người dân. Trong khi, thời điểm này không xảy ra mưa lũ, chỉ từ khi thuỷ điện Bản Hồ dâng nước lên thì mới xảy ra hiện tượng nứt đồi, sụt lún tỉnh lộ 152. Theo đánh giá chủ quan của tôi và người dân thì sạt trượt, một phần do thuỷ điện Bản Hồ dâng nước.

Thời điểm đó, cơ quan chức năng của huyện xuống kiểm tra, ghi nhận thực trạng và đặt cảnh báo cho các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này. Theo người dân đã xảy ra một số tai nạn do tỉnh lộ 152 sụt trượt, rất may không có thiệt hại về người.

Gần 1 tháng trôi qua, tỉnh lộ 152 bị sạt trượt nghiêm trọng tới mức xe tải trọng lớn không thể di chuyển qua. Một số tài xế xe tải tìm đường vòng đi qua suối để vượt qua điểm sụt trượt này.

Tại đây, bằng mắt thường dễ dàng quan sát các vết nứt và sụt lún lớn dần về phía taluy âm từ mặt đường đến điểm tiếp giáp với mặt nước hồ thủy điện Bản Hồ. Một số vị trí sát mép hồ đất đá đã sạt trượt xuống lòng hồ. Ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông từ thị xã Sa Pa đi các xã Mường Hoa, Bản Hồ, Mường Bo...

Xác định rõ nguyên nhân sụt lún

Trước việc tỉnh lộ 152 sạt trượt nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đời sống của người dân, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai đã triển khai máy móc, nhân lực để tổ chức khắc phục điểm sạt lở tại km 22+600, tỉnh lộ 152, thuộc địa phận xã Bản Hồ (Sa Pa) từ ngày 13/3. Đồng thời, việc phân luồng xe đã được triển khai đảm bảo cho xe máy, xe tải trọng nhỏ có thể di chuyển được qua đoạn đường này trong khi thi công.

“Tỉnh lộ 152 đoạn km22+600 được nắn cua sang ta luy dương dự kiến xong trong ngày 14/4. Thị xã Sa Pa và Sở Giao thông – Xây dựng tỉnh Lào Cai tập trung đảm bảo giao thông trên tuyến. Phần đất lấy để làm đường thị xã đã thống kê và áp giá đền bù và được bà con thống nhất để làm đường đảm bảo giao thông ngay. Còn ảnh hưởng của việc sạt lở tới đất canh tác thì bà con sẽ có ý kiến với xã để thống kê, xem xét, ông Phan Đăng Toàn – Bí thư thị xã Sa Pa cho biết.

Ông Đoàn Văn Huỳnh – Giám đốc Ban bảo trì đường bộ tỉnh Lào Cai cho biết, phương án triển khai sửa chữa, khắc phục điểm sạt sụt tại km 22+600, tỉnh lộ 152 là nắn chỉnh cục bộ tuyến về phía ta luy dương, tránh vị trí sụt lún, đảm bảo nền đường tránh 7,5m; mặt đường 5,5m; làm mặt đường bằng lớp đá dăm láng nhựa (tiêu chuẩn nhựa 4,5km/m2), bổ sung hệ thống thoát nước dọc và tăng cường hệ thống an toàn giao thông... và đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sửa chữa khắc phục điểm sạt sụt.

Trước mắt, chi phí khắc phục sụt trượt tỉnh lộ 152 hiện nay do tỉnh Lào Cai bỏ ra, tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng cần xác định rõ nguyên nhân gây sụt lún, trường hợp do thuỷ điện Bản Hồ dâng nước thì đơn vị làm thuỷ điện phải chịu trách nhiệm.

Liên quan vấn đề này, Sở Giao thông – Xây dựng tỉnh Lào Cai đã giao Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng của Sở xác định rõ nguyên nhân gây ra sụt lún tỉnh lộ 152. Khi đó, mới có căn cứ cụ thể để xem xét trách nhiệm liên quan của thuỷ điện nếu có, ông Huỳnh thông tin.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.