Để giải quyết bài toán về vốn làm hạ tầng giao thông, Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp bỏ tiền ra làm một số tuyến đường rồi được phép thu phí các phương tiện giao thông trên những tuyến đường đó một số năm để hoàn vốn và có lãi theo quy định. Đó là những tuyến đường BOT.
Sau khi đã hoàn đủ vốn cộng thêm một số lãi, doanh nghiệp sẽ ngừng thu phí. Kể từ đó nhà nước được lợi là có con đường cho dân đi để phát triển kinh tế. BOT là một dạng xã hội hóa hạ tầng, là sản phẩm của một đất nước nghèo muốn phát triển kinh tế nhanh.
Doanh nghiệp làm BOT được thu phí là chuyện tất nhiên, vì vốn làm đường là của doanh nghiệp. Nhưng với những con đường, đoạn đường làm bằng ngân sách Nhà nước mà dân cũng phải đóng phí khi tham gia giao thông trên đó, thì nghe thật bất công.
Ấy vậy mà chuyện đó lại sắp biến thành hiện thực, khi mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông hạ một câu tuyên bố: 3 đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam là nhánh đông Mai Sơn - QL 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây (được làm bằng ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư cho cả 3 tuyến là 40.000 tỷ đồng) sẽ tổ chức thu phí với mức phí 1.500 đến 2.000 đồng mỗi km.
Rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (thuộc Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện cũng tuyên bố sẽ thu phí cao tốc cả đời. Dự kiến cuối năm nay, đề án sẽ được trình.
Theo đó tất cả các phương tiện tham gia giao thông trên các dự án cao tốc do ngân sách đầu tư trước đây và hiện nay gồm cả vốn ngân sách lẫn vốn vay ODA… đều phải đóng phí.
Vậy là đã rõ, tới đây, người dân hễ đặt bánh xe trên đường, bất kể là đường do Nhà nước bỏ tiền ra để làm, vay tiền nước ngoài để làm hay doanh nghiệp làm, đều phải móc hầu bao. Không móc hầu bao thì cứ việc để xe nằm chết ở nhà.
Ngân sách, nghĩa là tiền thuế của doanh nghiệp, người dân. Vay ODA, thì cũng lấy tiền thuế của dân để trả. Người dân đóng thuế, ngoài việc để nuôi bộ máy quản lý khổng lồ đến ngót 3 triệu công chức viên chức của Nhà nước và cũng chừng đó nữa quân số của lực lượng vũ trang, còn là để xây dựng, bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế, mang lại phồn vinh thịnh vượng cho chính người dân.
Muốn phát triển kinh tế thì phải làm đường sá. Đã dùng tiền thuế của dân để làm đường rồi lại bắt dân đóng phí khi đi trên những con đường đó, làm thế khác gì phí chồng lên thuế, hay nói khác đi là bắt người dân phải nộp phí cho chính những đồng tiền thuế của mình. Làm thế, liệu có tránh khỏi việc người dân cho là Nhà nước “tận thu”?