
Bà Kallas nổi tiếng là người theo lập trường cứng rắn đối với Nga và là một trong những người ủng hộ những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Moscow. Ảnh: Getty Images.
EU sẽ áp lệnh hạn chế nhập khẩu nhôm từ Nga, đưa vào danh sách đen 73 tàu thuộc hạm đội “bóng đêm” được Nga sử dụng để lách luật hạn chế xuất khẩu dầu. Đây là những con tàu thường che giấu thông tin chủ sở hữu và tắt bộ phát đáp tính hiệu định danh tự động AIS, khiến các chuyên gia giám sát bị mất dấu. Giới chuyên gia cho rằng, chúng có thể giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt hoặc bán dầu trên mức giá trần, khiến nỗ lực xác định giá các thùng dầu trở nên khó khăn hơn.
Lệnh trừng phạt cũng cấm bán cho Nga tay cầm chơi game, vốn được sử dụng để điều khiển thiết bị bay không người lái (drone) trên chiến trường và cấm 8 kênh truyền hình Nga phát sóng trong khối.
Cụ thể, lệnh cấm nhập khẩu nhôm sẽ được áp dụng dần dần, cho phép nhập khẩu tối đa 275.000 tấn trong một năm trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào ngày 26/2/2026. Quy định mới mở ra một ngoại lệ khi cho phép nhập khẩu tối đa 50.000 tấn nhôm đã ký hợp đồng trước ngày 25/2 và áp dụng đến hết tháng 12/2026.
“Đợt trừng phạt mới này không chỉ nhắm vào hạm đội “bóng đêm” của Nga, mà còn áp dụng với những người hỗ trợ các tàu chở dầu không an toàn, bộ điều khiển game sử dụng cho drone, các ngân hàng lách lệnh trừng phạt và các cơ quan truyền thông tung thông tin dối trá”, bà Kaja Kallas, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu, cho biết.
Gói này không chỉ mở rộng phạm vi áp trừng phạt đối với các chủ sở hữu, thuyền trưởng và những người hỗ trợ hạm đội “bóng đêm” mà còn bổ sung 48 cá nhân và 35 thực thể vào danh sách, bao gồm lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Liên minh Châu Âu cũng tăng cường nỗ lực để ngăn chặn Nga sử dụng tiền điện tử nhằm lách các biện pháp trừng phạt. Trong gói trừng phạt lần này, EU đã liệt kê Garantex, một sàn giao dịch tiền điện tử của Nga, được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng Nga đã bị EU trừng phạt.
Động thái diễn ra khi EU nỗ lực duy trì áp lực với Nga, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm giải pháp chấm dứt xung đột bằng cách đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Ukraine sẽ nhận được khoản viện trợ mới trị giá 3,5 tỷ euro (3,68 tỷ USD) từ EU vào tháng 3. Ukraine cũng sẽ được hưởng lợi từ các kế hoạch của EU nhằm mở rộng năng lực sản xuất vũ khí và quốc phòng của châu Âu.