
Ủy viên EU về Viện trợ Nhân đạo và Quản lý Khủng hoảng Hadja Lahbib. Ảnh: Renew Europe.
Ủy viên EU về Viện trợ Nhân đạo và Quản lý Khủng hoảng Hadja Lahbib tuyên bố hôm 26/3, rằng cảnh báo của bà nhằm cải thiện sự sẵn sàng ứng phó với khủng khoảng cho mọi người trên toàn khối. Mặc dù không đề cập cụ thể đến Nga, bà nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang đe dọa an ninh châu Âu.
"Trong 3 năm qua ở Ukraine, chúng ta đã chứng kiến đầy bom, đạn, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, chiến hào và tàu ngầm. Vâng, an ninh châu Âu của chúng ta đang bị đe dọa trực tiếp bởi điều này", bà Lahbib nói.
Một số quốc gia EU đã liên tục coi Moscow là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực. Pháp, Ba Lan, các quốc gia Baltic và Phần Lan cũng bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công mạng, các chiến dịch tung thông tin sai lệch và can thiệp chính trị của Nga. Họ cũng mô tả cuộc xung đột Ukraine là một ví dụ về hành vi gây hấn, tạo ra mối đe dọa quân sự đối với khối.
Moscow đã liên tục phủ nhận bất kỳ ý định tấn công các nước NATO hoặc EU. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi những lo ngại như vậy là "vô nghĩa", và cho rằng chúng nhằm khiến người dân châu Âu sợ hãi, từ đó phải tăng ngân sách quân sự.
"Chúng tôi muốn mọi người sẵn sàng, không hoảng sợ", bà Lahbib nói. "Chuẩn bị không phải là gieo rắc nỗi sợ hãi, đó là lẽ thường trong thời điểm bất ổn".
Theo chiến lược này, EU đang khuyến cáo các hộ gia đình dự trữ các nhu yếu phẩm, bao gồm thực phẩm được bảo quản, nước đóng chai, đèn pin, pin, đồ sơ cứu và các giấy tờ quan trọng. Công dân cũng được khuyến khích sử dụng đài phát thanh sóng ngắn trong trường hợp mất điện hay liên lạc.
EU cũng đang có kế hoạch tạo ra một kho dự trữ chiến lược các nguồn lực quan trọng, bao gồm máy bay chữa cháy, vận chuyển y tế, bệnh viện di động và kho dự trữ thiết bị bảo hộ cho các sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.
"Các mối đe dọa mà châu Âu phải đối mặt ngày nay phức tạp hơn bao giờ hết, và tất cả chúng đều có mối liên hệ với nhau", bà Lahbib nói. "Từ hoạt động quân sự ở biên giới của chúng ta đến thảm họa khí hậu ngày càng diễn ra thường xuyên, EU phải sẵn sàng đối mặt với những điều bất ngờ", bà nói thêm.
Phần Lan và Thụy Điển dường như là những nước đi đầu trong việc chuẩn bị phòng thủ dân sự. Ví dụ, Thụy Điển gần đây đã cập nhật sổ tay "Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra" với các kịch bản hiện đại, bao gồm cả cách ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân.
Kế hoạch mới của Ủy ban bao gồm việc thành lập một trung tâm khủng hoảng cấp EU để điều phối các nỗ lực cứu trợ xuyên biên giới và đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ thiết yếu, từ chăm sóc sức khỏe đến năng lượng và viễn thông.