| Hotline: 0983.970.780

EU và Mỹ bất đồng vì quyết định cấm thuốc trừ sâu

Thứ Hai 18/04/2022 , 10:16 (GMT+7)

EU đã quyết định cấm “thuốc trừ sâu sulfoxaflor ở ngoài trời”, sau khi lo ngại về tác động của nó đối với loài ong, nhưng động thái này lại khiến Mỹ không hài lòng.

Ủy viên Châu Âu về Sức khỏe và An toàn Thực phẩm, Stella  Kyriakides nói: 'Việc bảo vệ các loài thụ phấn trước các loại thuốc trừ sâu độc hại là điều tối quan trọng, vì tương lai của hành tinh và trẻ em'. Ảnh: Greenpeace

Ủy viên Châu Âu về Sức khỏe và An toàn Thực phẩm, Stella  Kyriakides nói: “Việc bảo vệ các loài thụ phấn trước các loại thuốc trừ sâu độc hại là điều tối quan trọng, vì tương lai của hành tinh và trẻ em”. Ảnh: Greenpeace

Thuốc trừ sâu sulfoxaflor là sản phẩm của công ty hóa chất nông nghiệp khổng lồ Corteva, ban đầu được phát triển để thay thế cho một loại thuốc trừ sâu gây tranh cãi neonicotinoids, có liên quan đến sự suy giảm của loài ong.

Thuốc trừ sâu sulfoxaflor đã được Ủy ban Châu Âu (EU) phê duyệt trong khối vào năm 2015. Tuy nhiên, chỉ sau bảy năm có mặt trên thị trường, loại hóa chất này giờ đây sẽ bị hạn chế sử dụng trong nhà sau khi có báo cáo khoa học về tác động của nó đối với ong được Cục An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) cho là gây hại cho loài thụ phấn.  

Bình luận về động thái này, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề Y tế và An toàn Thực phẩm Stella Kyriakides nói rằng việc bảo vệ các loài thụ phấn bằng cách chống lại thuốc trừ sâu có hại là “điều tối quan trọng, vì tương lai của hành tinh và con em chúng ta”.

Bà Stella nói: “Các cam kết của chúng tôi tuân thủ theo Chiến lược Từ trang trại đến Bàn ăn (Farm to Fork) và Chiến lược Đa dạng sinh học, nên các loại thuốc trừ sâu hóa học có hại sẽ bị cấm hoặc bị hạn chế sử dụng. Theo đó quyết định này là bằng chứng cho thấy giới chức EU đang ‘thực hiện tốt’ cam kết này”.

“Các kết luận khoa học từ EFSA cho thấy việc sử dụng sulfoxaflor ngoài trời có thể gây hại cho quần thể ong và cần phải hành động ngay từ bây giờ để hạn chế việc sử dụng nó”, bà Stella nói đồng thời giải thích “chỉ nên cho phép sử dụng loại thuốc trừ sâu này một cách hạn chế trong môi trường khép kín”.

Theo kế hoạch, quyết định mới sẽ được ban điều hành EU sớm thông qua trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ngay lập tức đã khiến Mỹ phản ứng bằng việc gửi một bức thư khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với lập luận rằng thuốc trừ sâu sulfoxaflor vẫn đang sử dụng rộng rãi ở nước này và nếu bị EU cấm thì họ sẽ không thể xuất khẩu hàng hóa, nông sản.

Khi được hỏi về tác động của lệnh cấm thuốc trừ sâu sulfoxaflor của EU đối với thương mại Mỹ và các nước thứ ba khác, một quan chức của EFSA cho biết, đề xuất tạm thời không sửa đổi mức dư lượng tối đa hiện hành (MRL).

Việc truy vết thuốc trừ sâu còn tồn dư trong các sản phẩm đã qua xử lý thường được gọi là dư lượng. Theo đó, mức dư lượng tối đa (MRL) là mức dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất được chấp nhận hợp pháp trong hoặc trên thực phẩm hoặc thức ăn khi thuốc trừ sâu được sử dụng đúng cách. “Do đó, quyết định mới sẽ không ảnh hưởng ngay đến thương mại hàng hóa nông sản”, đại diện EFSA nói.

Vị quan chức này nói thêm rằng, đề xuất mới cũng để ngỏ khả năng cho các quốc gia thành viên gia hạn để đưa ra thị trường và sử dụng kho thuốc bảo vệ thực vật có chứa sulfoxaflor hiện có để sử dụng ngoài trời sau khi các quốc gia thành viên thống nhất. Chỉ khi nào hết thời gian gia hạn thì việc xem xét các MRL hiện hành mới được tính toán.

Động thái hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu sufoxaflor đã được nhiều nhóm bảo vệ môi trường hoan nghênh. “Kể từ khi được phê chuẩn, rõ ràng là hóa chất này đã gây ra rủi ro to lớn cho các loài thụ phấn ở EU”, Martin Daction, quan chức chính sách về môi trường và sức khỏe tại mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu PAN Europe khẳng định và cho biết thêm rằng lẽ ra chúng ta phải áp dụng nguyên tắc phòng ngừa và không bao giờ phê duyệt nó.

Ông Martin chỉ ra rằng loại thuốc trừ sâu này đã được xếp vào danh mục mới mang tên sulfoximines, vốn sử dụng phương thức hoạt động tương tự như thuốc trừ sâu neonicotinoid. Vị này cũng hy vọng rằng, quyết định mới sẽ tạo tiền lệ cho các loại thuốc trừ sâu khác trong cùng danh mục như flupyradifurone- đã được EFSA cảnh báo là có thể gây hại cho quần thể ong ngoài tự nhiên.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều hài lòng với quyết định này.

Ước tính có hơn 20.000 loài ong tự nhiên góp phần vào quá trình thụ phấn, là yêu tố quan trọng đối với nguồn cung cấp thực phẩm của nhân loại. Theo FAO, sản lượng lương thực toàn cầu trị giá từ 235 tỷ USD đến 577 tỷ USD hàng năm dựa vào sự đóng góp trực tiếp của các loài thụ phấn. Ảnh: Getty

Ước tính có hơn 20.000 loài ong tự nhiên góp phần vào quá trình thụ phấn, là yêu tố quan trọng đối với nguồn cung cấp thực phẩm của nhân loại. Theo FAO, sản lượng lương thực toàn cầu trị giá từ 235 tỷ USD đến 577 tỷ USD hàng năm dựa vào sự đóng góp trực tiếp của các loài thụ phấn. Ảnh: Getty

Một đại diện từ nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp Corteva cho hay, công ty “vô cùng thất vọng” sau khi Ủy ban Châu Âu đưa ra “quyết định chính trị” về việc cấm sử dụng sulfoxaflor trên diện rộng.

Vị này chỉ ra rằng, thuốc trừ sâu sulfoxaflor được “thiết kế đặc biệt” để đáp ứng yêu cầu của các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý chính trị châu Âu nhằm phát triển các sản phẩm bảo vệ thực vật có tính chọn lọc cao và có thời gian tồn tại rất ngắn không gây hại các loài thụ phấn.

Chính vì vậy, quyết định cấm thuốc trừ sâu sulfoxaflor mà EU đưa ra sẽ là “cú đấm” vào chính sách lương thực tham vọng của EU, "bất kể việc nó đã được chứng minh là an toàn hay chưa và không xem xét đến các biện pháp giảm thiểu rủi ro và hậu quả đối với nông dân châu Âu cũng như an ninh lương thực”.

Đại diện Corteva kết luận: “Quyết định mới nhất của EU cho thấy rằng ngay cả các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của luật pháp EU cũng có thể bị hủy bỏ vì những lý do chính trị đáng ngờ”, và nhấn mạnh rằng quyết định này sẽ “loại bỏ một cách không cần thiết một công cụ quan trọng để sản xuất thực phẩm”.

(Euractiv)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.