Cảnh báo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) vừa loan đi sau khi ngành chăn nuôi- thú y Nhật Bản ghi nhận thêm các ổ dịch mới đã lây lan sang nhiều trang trại và ảnh hưởng đến trên 20% tổng đàn gia cầm của 47 tỉnh thành trong nước.
Theo Reuters, hiện giới chức Nhật Bản đang tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng khoanh vùng dịch và mạnh tay tiêu hủy các đàn gia cầm nghi nhiễm cúm.
Trước đó, trong đợt tiêu hủy cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản xác nhận đã có khoảng 11.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy sau khi phát hiện một trang trại gà đẻ trứng ở thành phố Higashiomi, tỉnh Shiga, phía tây nam Nhật Bản. Các đợt dịch cúm trong năm nay đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm của Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề, ước tính đã có trên ba triệu con gia cầm bị tiêu hủy.
Sang tuần này, giới chức lại tiếp tục phát hiện thêm một đợt bùng phát khác ở tỉnh Kagawa đang có nguy cơ lây lan mạnh hơn.
Theo các chuyên gia FAO, đợt bùng phát dịch cúm gia cầm ở Nhật Bản và quốc gia láng giềng Hàn Quốc là một trong hai chủng cúm có độc lực cao (HPAI) và đe dọa sẽ tiếp tục tấn công ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới. Được biết hiện các chủng cúm đang lưu hành ở châu Á và châu Âu đều bắt nguồn từ các loài chim hoang dã.
Chuyên gia thú y cao cấp của FAO, bà Madhur Dhingra cho biết, loại virus được tìm thấy ở Nhật Bản rất tương đồng với các chủng virus cúm ở Hàn Quốc gần đây và chúng có liên quan đến các loại virus ở châu Âu từ đầu năm 2020.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta đang đối diện với hai làn sóng dịch cúm gia cầm độc lực cao chủng H5N8 khác nhau ở Đông Á và châu Âu”, bà Dhingra cho hay.
Trước đó chính phủ Nhật Bản đã đình chỉ nhập khẩu gia cầm từ bảy quốc gia, trong đó có cả Đức. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, nước này có đàn gà đẻ trứng khoảng 185 triệu con và đàn gà thịt là 138 triệu con.