| Hotline: 0983.970.780

‘FAO nói giá lương thực tăng do Trung Quốc’ là thiếu trách nhiệm

Thứ Hai 07/06/2021 , 11:05 (GMT+7)

Bắc Kinh cho rằng, báo cáo chỉ số giá lương thực toàn cầu tháng 5 của FAO vừa công bố đã bị phương Tây thổi phồng và gây hiểu lầm cho công chúng.

Diễn biến chỉ số giá lương thực toàn cầu hàng tháng trong hơn thập kỷ qua. Nguồn: FAO/Bloomberg

Diễn biến chỉ số giá lương thực toàn cầu hàng tháng trong hơn thập kỷ qua. Nguồn: FAO/Bloomberg

Theo đó, việc Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) công bố chỉ số giá lương thực thế giới tháng 5/2021 đã tăng thêm 4,8% so với tháng 4, có nguyên nhân từ việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các loại ngũ cốc là một sự “phóng đại” gây hiểu lầm và vô trách nhiệm.

Bắc Kinh cho rằng, chuỗi tăng giá lương thực toàn cầu dài nhất trong vòng mười năm qua không nên bỏ qua yếu tố lạm phát, cũng như các yếu tố đầu cơ đằng sau khi giá lương thực tăng nhanh đã làm gia tăng những lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực mà một số nước đang phát triển phải đối mặt.

Hôm 4/6, FAO công bố báo cáo chỉ số giá lương thực hàng tháng cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 5, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài tác động của lạm phát leo thang, giá lương thực thế giới tăng nhanh cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực ở một số nước đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các mặt hàng lương thực thiết yếu.

“Nhân bối cảnh này, một số phương tiện truyền thông phương Tây đã vội vã cho rằng, giá lương thực tăng là do ‘cơn khát ngũ cốc và đậu tương tăng vọt của Trung Quốc’ cùng với  hạn hán nghiêm trọng ở Brazil và nhu cầu dầu thực vật gia tăng trên toàn cầu”, tờ Thời báo Hoàn cầu- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết.

Bài xã luận cho biết: “Mặc dù đúng là Trung Quốc là nhà nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới, nhưng việc phóng đại quá mức nhu cầu của Trung Quốc tác động lên giá lương thực toàn cầu là vô trách nhiệm và sai lầm bởi điều này không đủ để duy trì một đợt tăng giá lương thực toàn cầu kéo dài như vậy”.

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 13,18 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 4, nâng tổng khối lượng nhập khẩu ngũ cốc đạt 50,79 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên trong số này, Trung Quốc đã nhập khẩu một lượng lớn đậu tương và ngô từ Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ phải mua tổng cộng các mặt hàng nông sản từ Mỹ trị giá 32 tỷ USD trong vòng hai năm theo đúng cam kết. Tuy nhiên, do đậu tương và ngô không thể cùng một lúc có tác động đến giá lương thực thế giới giống như các loại cây lương thực thiết yếu khác, nên việc mua nông sản của Trung Quốc từ Mỹ khó có thể đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt trong thời gian dài.

Hơn nữa, với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc đặc biệt thận trọng trong việc bảo vệ an ninh lương thực trong nước. Khi nói đến các nguồn cung cấp lương thực chính như gạo và lúa mì, Bắc Kinh luôn coi trọng việc duy trì khả năng tự cung tự cấp trong nước.

Nhiều quốc gia từ Kenya đến Mexico đang ghi nhận chi phí lương thực cao hơn. Ảnh: Xinhua

Nhiều quốc gia từ Kenya đến Mexico đang ghi nhận chi phí lương thực cao hơn. Ảnh: Xinhua

Chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO, Abdolreza Abbassian đánh giá: "Chúng ta còn rất ít dư địa gia tăng sản lượng lương thực trước bất kỳ cú sốc sản xuất hay nhu cầu tăng cao bất ngờ nào. Do vậy, bất kỳ điều gì trong số đó cũng có thể đẩy giá lên cao, khiến mọi người lo lắng", theo Bloomberg.

Trên thực tế, nhu cầu và nguồn cung ngũ cốc thế giới hầu như vẫn khá ổn định, với sản lượng toàn cầu được ghi nhận mức tăng khiêm tốn trong năm thứ ba liên tiếp. Thậm chí ngay cả FAO gần đây cũng đưa ra dự báo, sản lượng ngũ cốc thế giới có thể sẽ lập kỷ lục mới và đạt 2,82 tỷ tấn trong năm nay, tăng 1,9% so với năm 2020.

Trong bối cảnh này, giá lương thực toàn cầu tăng mạnh có thể liên quan nhiều hơn đến sự hỗn loạn của thị trường tài chính. Đặc biệt là việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới khiến cho giá hàng hóa thanh toán bằng đồng USD càng tăng lên và giá thực phẩm cũng không là ngoại lệ.

Mặt khác trên thị trường kỳ hạn, các nhà đầu cơ tiếp tục thổi phồng giá lương thực bằng cách cường điệu lý thuyết khủng hoảng lương thực. Do vậy, điều cần thiết lúc này là các chính phủ phải phối hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu trong thời kỳ hậu đại dịch, nếu không tình hình sẽ phức tạp thêm.

(Global Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.