| Hotline: 0983.970.780

FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tăng 9 tháng liên tiếp

Thứ Sáu 05/03/2021 , 08:20 (GMT+7)

Tính đến tháng 2/2021, giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ chín liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Người phụ nữ đeo khẩu trang bán rau tại chợ truyền thống khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát, ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/9/2020. Ảnh: Reuters.

Người phụ nữ đeo khẩu trang bán rau tại chợ truyền thống khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát, ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/9/2020. Ảnh: Reuters.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đo lường sự thay đổi hàng tháng đối với rổ ngũ cốc, hạt có dầu, sản phẩm sữa, thịt và đường, đạt trung bình 116,0 điểm vào tháng 2 so với mức 113,2 đã được điều chỉnh nhẹ vào tháng Giêng (chỉ số của tháng Giêng trước đây được đưa ra là 113,3).

FAO có trụ sở tại Rome cũng cho biết trong một tuyên bố hôm 4/3 rằng sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới vẫn tiếp tục đạt kỷ lục hàng năm vào năm 2020, đồng thời cho biết thêm rằng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy sản lượng sẽ tăng thêm trong năm nay.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng thêm 1,2% trong tháng 2. Trong số các loại ngũ cốc thô chính, giá cao lương tăng mạnh nhất, tăng 17,4% so với tháng trước và tăng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.

FAO cho biết giá ngô và gạo tăng trong khi giá xuất khẩu lúa mì vẫn ổn định.

Giá đường tăng 6,4% trong tháng 2 trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung trong niên vụ 2020/21 do sản lượng giảm ở các nước sản xuất chính và nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á.

Chỉ số giá dầu thực vật tăng 6,2% lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, với giá dầu cọ tăng trong tháng thứ 9 liên tiếp, do lo ngại về tồn kho thấp ở các quốc gia xuất khẩu lớn.

Giá sữa tăng 1,7%, trong khi chỉ số thịt tăng nhẹ 0,6%. FAO cho biết báo giá thịt lợn giảm do lượng mua từ Trung Quốc giảm trong bối cảnh cung vượt quá cầu và lượng lợn tồn kho tăng ở Đức do lệnh cấm xuất khẩu sang các thị trường châu Á.

FAO đã nâng dự báo sản lượng cho mùa ngũ cốc năm 2020 lên 2,761 tỷ tấn (so với ước tính được đưa ra vào tháng trước là  2,744 tỷ tấn), tương đương tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự điều chỉnh đó phản ánh sự gia tăng 7,5 triệu tấn trong ước tính sản lượng lúa mì thế giới, dựa trên cơ sở dữ liệu chính thức được công bố gần đây từ Úc, Liên minh châu Âu, Kazakhstan và Nga.

Dự báo sản lượng gạo toàn cầu cũng được nâng lên thêm 2,6 triệu tấn so với tháng trước do dự báo sản lượng khả quan hơn từ Ấn Độ.

FAO đã nâng dự báo dự trữ ngũ cốc toàn cầu kết thúc vào năm 2021 thêm 9 triệu tấn lên 811 triệu tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nhìn về phía trước, các dấu hiệu hiện tại cho thấy sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ tăng nhẹ vào năm 2021”, tổ chức của Liên hợp quốc cho biết. “Trong khi phần lớn vụ lúa mì ở Bắc bán cầu vừa được gieo trồng, các nước Nam bán cầu vẫn chưa trồng, dự báo sơ bộ của FAO về sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2021 cho thấy mức tăng hàng năm thứ ba liên tiếp, lên 780 triệu tấn, một kỷ lục mới.”

(Theo Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.