| Hotline: 0983.970.780

FAO: Nuôi trồng là động lực chính tăng trưởng ngành thủy sản

Thứ Năm 30/06/2022 , 10:14 (GMT+7)

Báo cáo mới nhất của FAO nhận định, tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ở châu Á tiếp tục đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực thế giới.

Khoảng 58,5 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực này và khoảng 21% trong số này là phụ nữ. Ngoài ra sinh kế của khoảng 600 triệu người dân trên thế giới đang phụ thuộc vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Khoảng 58,5 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực này và khoảng 21% trong số này là phụ nữ. Ngoài ra sinh kế của khoảng 600 triệu người dân trên thế giới đang phụ thuộc vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Báo cáo Thực trạng Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản thế giới năm 2022 của Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO), công bố ngày 29/6/2022 cho biết: Tăng trưởng đáng kể trong lĩnh vực nuôi trồng đã thúc đẩy sản lượng thủy sản toàn cầu, nâng tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt 214 triệu tấn vào năm 2020, trong đó bao gồm 178 triệu tấn thủy sản và 36 triệu tấn tảo.

Theo đó, sản lượng thủy sản thế giới năm 2020 cao hơn 30% so với mức trung bình của những năm 2000 và hơn 60% so với mức trung bình của những năm 1990. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt mức kỷ lục 87,5 triệu tấn, đã góp phần thúc đẩy những kết quả này.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi lĩnh vực nuôi trồng tiếp tục mở rộng, đặc biệt là tại khu vực châu Á cần có nhiều thay đổi mang tính mục tiêu hơn để ngành thủy sản bền vững. “Một cuộc ‘chuyển đổi xanh’ trong cách chúng ta sản xuất, quản lý, kinh doanh và tiêu thụ thức ăn thủy sản chính là yếu tố quan trọng, nếu chúng ta muốn đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc”, theo FAO.

Theo Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc: ''Tăng trưởng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng trong nỗ lực nhằm chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu, nhưng cần có sự chuyển đổi hơn nữa trong lĩnh vực này để giải quyết các thách thức. Chúng ta cần phải chuyển đổi hệ thống sản xuất để đảm bảo nguồn thực phẩm được thu hoạch bền vững, sinh kế của người dân được bảo vệ và môi trường cũng như đa dạng sinh học được bảo vệ''.

Thực phẩm thủy sản đang đóng góp nhiều hơn bao giờ hết vào an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới. Tiêu thụ thực phẩm thủy sản trên toàn cầu (không tính tảo) đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,0% kể từ năm 1961, gần gấp đôi mức tăng dân số thế giới hàng năm - đạt 20,2 kg trên đầu người, cao hơn gấp đôi mức tiêu thụ trong những năm 1960.

Đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất hiện nay là châu Á, với 2,68 triệu chiếc, chiếm khoảng 2/3 đội tàu toàn cầu. Ảnh: Maritimestudyforum

Đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất hiện nay là châu Á, với 2,68 triệu chiếc, chiếm khoảng 2/3 đội tàu toàn cầu. Ảnh: Maritimestudyforum

Thống kê đã có hơn 157 triệu tấn - tương đương 89% sản lượng động vật thủy sản, được sử dụng cho tiêu dùng trực tiếp của con người vào năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thực phẩm thủy sản đóng góp khoảng 17% lượng protein động vật được tiêu thụ trong năm 2019, đạt 23% ở các nước có thu nhập trung bình thấp và hơn 50% ở các khu vực châu Á và châu Phi.

Các quốc gia châu Á là nguồn cung cấp 70% sản lượng thủy sản và nuôi trồng thủy sản thế giới vào năm 2020, tiếp theo là khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương. Trong đó, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới, tiếp đến là Indonesia, Peru, Nga, Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam.

Theo báo cáo, nuôi trồng thủy sản đã phát triển nhanh hơn đánh bắt trong hai năm qua và dự kiến ​​sẽ mở rộng hơn nữa trong thập kỷ tới. Năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 87,5 triệu tấn, cao hơn 6% so với năm 2018. Mặt khác, sản lượng khai thác thủy sản đạt 90,3 triệu tấn, giảm 4% so với mức trung bình của ba năm trước.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với cá và các mặt hàng thủy sản khác đang làm thay đổi nhanh chóng ngành nuôi trồng thủy sản. Mức tiêu thụ dự kiến ​​sẽ tăng 15% để cung cấp bình quân khẩu phần đạt 21,4 kg trên đầu người vào năm 2030, chủ yếu là do thu nhập tăng và đô thị hóa, những thay đổi trong thực hành và phân phối sau thu hoạch, cũng như xu hướng ăn kiêng tập trung vào sức khỏe và dinh dưỡng tốt hơn.

Tổng sản lượng thủy sản thế giới dự kiến ​​đạt 202 triệu tấn vào năm 2030, chủ yếu do nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng, sẽ ​​lần đầu tiên đạt 100 triệu tấn vào năm 2027 và 106 triệu tấn vào năm 2030.

Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản góp phần tạo việc làm, thương mại và phát triển kinh tế. Tổng giá trị năm 2020 ước đạt 406 tỷ USD, trong đó 265 tỷ USD đến từ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Theo số liệu mới nhất, ước tính có khoảng 58,5 triệu người đang làm việc trong lĩnh vực này và khoảng 21% trong số này là phụ nữ. Ngoài ra sinh kế của khoảng 600 triệu người dân trên thế giới đang phụ thuộc vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

(The Fish Site; FAO.org)

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.