| Hotline: 0983.970.780

Festival chè Thái Nguyên: Hội chưa hay, sạn cũng có

Thứ Năm 03/12/2015 , 15:14 (GMT+7)

Bốn năm, ba kỳ tổ chức Festival chè, đã đến lúc tỉnh Thái Nguyên cần nghiêm túc nhìn nhận lại những được mất, định lượng một cách công bằng, khách quan để liên hoan chè mùa sau thực sự là ngày hội với sự hào hứng tự giác mà cây chè và người làm chè thấy tự hào vì được tôn vinh.

Tốn kém và nhàm chán?

Ở Liên hoan chè Quốc tế lần thứ I - Thái Nguyên, Việt Nam 2011, người ta nói nhiều về nguồn kinh phí “khủng” để tổ chức.

Đơn cử như việc treo các pa nô dọc các tuyến đường từ Quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến liên huyện, liên xã tốn kém hàng chục tỷ đồng. Cũng không ít dị nghị về việc doanh nghiệp trúng thầu thi công việc treo những tấm pa nô đó đã nợ thuế vãng lai.

Chương trình nghệ thuật “Nước, Lửa và Ánh Sáng” tại trung tâm thành phố năm đó với kinh phí nhiều tỷ đồng nhưng mang đến cho người xem sự hụt hẫng như bị đánh lừa bởi kỳ vọng về một đêm nghệ thuật đỉnh cao…

Sâu chuỗi cả 3 kỳ Festival, có một điểm chung tạo nên sự nhàm chán.

Trước hết, đó là nội dung hao hao, na ná như nhau.

Đêm khai mạc ở cả 3 kỳ đều được tổ chức tại một địa điểm với quy mô hoành tráng.

Hội thảo khoa học qua 3 lần tổ chức được giao cho 3 đơn vị chủ trì khác nhau song cuối cùng người ta đều thống nhất và thông qua chương trình hành động là phải quy hoạch, phải nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè bằng quy trình thực hành sản xuất an toàn, phải liên kết, thay đổi mô hình sản xuất, tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm chè…

Các cuộc thi búp chè vàng, bàn tay vàng, trình diễn nghệ thuật pha chè, mời chè vẫn được duy trì, khác chăng là những đội đã được dự thi trước đó thì không thi lần sau nữa. Trái khoáy là cuộc thi hưởng ứng Festival, thi  “Người đep xứ trà” lại thu hút nhiều người xem nhất.

Một số hoạt động phụ trợ, hưởng ứng vẫn là bổn cũ soạn lại gồm hội chợ thương mại, thi sinh vật cảnh, thể thao, triển lãm ảnh nghệ thuật…

Trong hàng loạt hoạt động như vậy, phần lớn người nông dân trực tiếp làm chè lại mất hút hoặc đứng bên lề những sự kiện chính. Do không gian tổ chức những sự kiện hạn chế,  phải dành ghế cho quan khách nên người nông dân không có vé, không có giấy mời để được tham gia.

Tại Festival lần thứ 2 năm 2013, ngay sau đêm bế mạc là một trận cuồng phong tơi tả đón gió mùa đông bắc. Hội đã tan, những gian hàng chè cũng siêu vẹo, tan tành.

Thật ngán ngẩm cho những người nông dân từ các bản làng. Lúc mới đến dự Festival háo hức bao nhiêu thì buổi ra về lại xơ xác, chán ngán bấy nhiêu. Không có ai chia sẻ với họ lúc ấy.

Kinh hoàng hội chợ

Là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Chè Thái Nguyên, Việt Nam lần thứ 3 năm 2015, Hội chợ Du lịch - Thương mại Thái Nguyên năm 2015 với chủ đề “Tinh hoa Trà Việt - Kết nối nhân gian” được đặt ngay tại khu vực Trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Mục đích của Ban Tổ chức là nhằm trưng bày, giới thiệu tôn vinh các sản phẩm tiêu biểu từ chè và các bản sắc văn hóa của địa phương trong cả nước tới du khách. Suốt từ sớm đến đêm khuya, loa công suất lớn được chở trên xe ô tô diễu khắp các đường phố để quảng cáo cho hội chợ.

Tuy nhiên, khách tham quan hội chợ đã vô cùng thất vọng với số lượng quá ít ỏi gian hàng giới thiệu sản phẩm chè, cũng như sự nghèo nàn về sản phẩm bày bán.

Người ta chỉ thấy sự đìu hiu của một hội chợ đại hạ giá.

Hội chợ vắng vẻ, lượng khách tham quan mua hàng thưa thớt nên nhiều chủ hàng không buồn trưng bày hàng hóa, hầu hết tranh thủ ngủ dù đang giữa chiều.

Bà Bích, 64 tuổi, ở phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên) ngán ngẩm, hội chợ này quả thật là chán quá, toàn hàng đại hạ giá chất lượng kém.

Chị Thu Hường cùng nhóm bạn là sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng đi hội chợ để “xem cho biết”. Theo chị, hàng hóa so với bán tại chợ sinh viên thì đắt hơn nhiều trong khi mẫu mã cũng không có gì đặc sắc.


Hội chợ Trà Việt nhưng chủ yếu là bán giày dép, quần áo kém chất lượng

Chiếm số lượng lớn trong các gian hàng là sản phẩm quần, áo, giày, dép. Hầu hết chỉ đề “Hàng Việt Nam” hoặc “Hàng Sài Gòn” mà không hề có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Thậm chí, chăn len Trung Quốc cũng được giới thiệu là chăn Thái Lan được bán với giá cao hơn thị trường.

Tình trạng chặt chém du khách đến tham quan Hội chợ cũng khiến người dân hết sức bất bình.

Nhiều người dân phản ánh khi đưa con vào uống nước tại hội chợ đã bị chém tới 60 ngàn đồng/1 quả dừa; 30 ngàn đồng/đĩa hạt hướng dương; 50 ngàn đồng/ly sữa chua…

Chị Huyền Trang ở tổ 16, phường Trưng Vương cay đắng, mình thấy chiếc áo len trông khá lạ mắt, hỏi giá thì người bán hàng nói mẫu mới ra, giá 140 nghìn đồng. Mua xong, đi cách đó 3 gian thấy đúng áo đó treo giá 100 nghìn đồng/chiếc. Quay lại hàng mua lúc trước thì thấy người bán nói 130 nghìn, chị mua hàng mặc cả 80 nghìn cũng bán. Vì đã “thuận mua vừa bán” rồi nên chủ hàng nhất định không chịu trả lại tiền mà mình cũng không biết phản ánh với cơ quan nào.

Giá vé gửi xe ôtô, xe máy, xe đạp cũng rất cao, một xe máy gửi vào buổi tối phải mất từ 20.000 - 30.000 đ/xe tuỳ theo vị trí, còn ôtô thường phải mất 50.000 - 70.000 đ/xe. Giá 1 vé vào cửa hội chợ được in và quảng cáo là 30.000đ, tuy nhiên, những đêm hội chợ có thuê ca sĩ về biểu diễn thì giá vé này được đẩy lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần (tuỳ theo sự "nổi tiếng" của ca sĩ đó). Và như vậy, người dân và du khách đến tham quan hội chợ đã bị ban tổ chức "bắt" phải xem ca nhạc.

Để chè Thái thăng hoa

Những khẩu ngữ, Slogan của 3 kỳ Festival chè mượt mà bao nhiêu thì những cây chè đẹp tham dự Festival đã và đang chết rũ tại không gian văn hóa chè Tân Cương - Thái Nguyên.

Đã có hàng chục, hàng trăm tỷ đổ ra tổ chức Festival để có được những sự kiện hoành tráng, xác lập những kỷ lục lạ như bình trà lớn nhất, nhiều người cùng uống trà nhất…

Nhưng điều mà nhiều người làm chè xứ Thái bây giờ tâm huyết là phải thực sự hướng lễ hội về cơ sở và nên tổ chức từ 5 đến 10 ngày để du khách gần xa về thưởng ngoạn.

Mục đích của lễ hội chè là góp phần quảng bá, chắp cánh thương hiệu Chè Thái, Chè Việt hội nhập toàn cầu. Vì vậy, Thái Nguyên cần đầu tư hiệu quả cho vùng chè đặc sản để có các sản phẩm xuất khẩu chè sạch chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế cao cấp.

Đối với các vùng chè đặc sản Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Tức Tranh… nên chuyển các chân ruộng trồng lúa sang trồng chè để có những nương chè “mẫu lớn” liền thổ, thuận lợi cho sản xuất lớn.

Nếu Thái Nguyên trở thành “vựa chè” cung cấp đồ uống chống ung thư cho cả thế giới thì phúc lộc quá lớn cho người Thái Nguyên! Cần thành lập các HTX kiểu mới ở các vùng chè đặc sản; hiệu quả hơn là chính quyền vận động người dân cho doanh nghiệp thuê đất lâu dài để sản xuất chế biến chè đặc sản; và người dân cho thuê đất trở thành người lao động trong doanh nghiệp sản xuất chế biến chè. Nếu mỗi vùng chè đặc sản được nhà nước hỗ trợ 50 - 100 tỷ đồng (10 năm không tính lãi) để đấu thầu công khai, minh bạch chọn lựa 1 doanh nghiệp có uy tín, có năng lực, tâm huyết đầu tư sản xuất chế biến chè, gắn bó “máu thịt” lâu dài với nông dân; Xây dựng các làng chè đặc sản gắn với du lịch khám phá; Nếu có thể hợp tác với đối tác Nhật Bản để sản xuất các sản phẩm cao cấp từ chè xanh như bột chè, cao chè thực phẩm, mỹ phẩm… tin rằng chỉ 5 đến 7 năm nữa, sản phẩm đặc sản Chè Thái sẽ có mặt trong các siêu thị uy tín nhất hành tinh. Và chính doanh nghiệp sẽ là hạt nhân hấp dẫn các hộ nông dân lân cận sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn sạch mà doanh nghiệp đăng ký. Chỉ đến khi đó, cây chè mới thực sự là cây chủ lực làm giầu cho người dân Thái Nguyên. Và lễ hội chè  mới thực sự có ý nghĩa, thực sự là của dân.

Một trong các giải pháp kích cầu lễ hội là, chính quyền nên hỗ trợ kinh phí để các hộ sản xuất, kinh doanh chè uy tín nhất, đóng thuế nhiều nhất được mời, đài thọ khách hàng, đối tác tới Thái Nguyên chung vui hội chè; vận động nhân dân trong tỉnh, nhất là thành phố Thái Nguyên, mỗi nhà mời khách trong Nam, ngoài Bắc, khách quốc tế về thăm, đoàn tụ, họp mặt nhân dịp hội chè; các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ thương mại… giảm giá mùa lễ hội.

Làm được như vậy, Hội Chè Thái Nguyên nhất định sẽ thăng hoa. Bạn bè, đối tác đến thăm ra về sẽ lưu luyến, bâng khuâng nhớ mãi hương chè xứ Thái.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.