| Hotline: 0983.970.780

Lứa gà sạch bệnh, thịt ngon sẵn sàng cho thị trường Tết

Thứ Hai 07/10/2024 , 08:10 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Chăn nuôi theo phương pháp không kháng sinh, đàn gà đặc sản không chỉ khỏe mạnh, sạch bệnh mà còn cho thịt thơm ngon, mềm ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến chăm sóc đàn gà. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến chăm sóc đàn gà. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đàn gà không kháng sinh

Đi cùng xu hướng tiêu dùng hiện đại trên toàn thế giới, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã đầu tư cho sức khỏe của bản thân và gia đình bằng việc sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc tự nhiên, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nắm bắt được xu hướng đó, người dân, các HTX, các đơn vị sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, chứng minh nguồn gốc sản phẩm… nhằm cung ứng những sản phẩm đảm bảo chất lượng, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn trong mua sắm thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Điển hình, có thể nhắc tới HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Hiện cả 22 thành viên của HTX đều đang chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng hữu cơ.

Đặc biệt, các thành viên HTX đang sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn giúp đàn gà khỏe mạnh, không cần phải dùng đến kháng sinh trong việc phòng trị bệnh. Cùng với đó, nhằm giữ chuồng trại chăn nuôi không có mùi hôi, bảo đảm thoáng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…, người chăn nuôi đã sử dụng đệm lót bằng mùn cưa bổ sung chế phẩm sinh học.

Đàn gà được chăn nuôi với phương pháp không sử dụng kháng sinh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đàn gà được chăn nuôi với phương pháp không sử dụng kháng sinh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX, so với phương pháp chăn nuôi cũ, phương pháp mới đòi hỏi người chăn nuôi sẽ phải bỏ thêm công sức cho việc trộn chế phẩm sinh học với thức ăn chăn nuôi hàng ngày, sau đó ủ đến ngày hôm sau mới có thể đủ điều kiện để cho đàn gà ăn.

“Sau hơn 4 tháng triển khai, áp dụng mô hình chăn nuôi không kháng sinh, qua theo dõi cho thấy đàn gà không chỉ sinh trưởng tốt mà còn khỏe mạnh hơn, tỷ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình đạt hơn 2kg/con”, ông Hữu thông tin.

Bên cạnh đó, theo người chăn nuôi, với phương pháp chăn nuôi không kháng sinh, đàn gà sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cũng như nhiều lợi ích hơn cho bà con. Cụ thể, lợi ích thứ nhất và cũng là lớn nhất, phương pháp chăn nuôi không kháng sinh sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng.

Việc sử dụng đệm lót bằng mùn cưa bổ sung chế phẩm sinh học để giữ chuồng trại không có mùi hôi, bảo đảm thoáng sạch, giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi đã giúp đảm bảo sức khỏe cho những người trực tiếp chăm sóc đàn gà. Việc không sử dụng kháng sinh phòng trị bệnh cho đàn gà đã bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, những người trực tiếp ăn các sản phẩm thịt gà đó.

“Là người đầu tiên dám bỏ tiền túi ra để thử nghiệm phương pháp chăn nuôi mới, tôi đã sử dụng chế phẩm sinh học trộn với mùn cưa làm đệm lót sinh học thử nghiệm cho đàn gà đẻ. Sau 2 tháng, lớp đệm lót vẫn tơi xốp, khi trực tiếp ở trong chuồng, tôi hầu như không ngửi thấy mùi phân gà khó chịu như trước đây”, ông Bùi Quang Hữu cho hay.

Đàn gà sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình đạt hơn 2kg/con. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đàn gà sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trọng lượng trung bình đạt hơn 2kg/con. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lợi ích thứ hai của phương pháp chăn nuôi không kháng sinh, theo người chăn nuôi, là việc tiết kiệm được chi phí mua thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho đàn gà: “Nếu như chăn nuôi theo phương pháp truyền thống trước đây, với mỗi 1.000 con gà sẽ tốn khoảng 10 triệu đồng đầu tư mua thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang chăn nuôi theo phương pháp mới, người dân sẽ chỉ mất khoảng 5 triệu đồng cho công tác phòng trị bệnh, tính ra sẽ tiết kiệm được từ 4 - 5 triệu đồng cho mỗi 1.000 con gà”.

Lợi ích thứ ba, ông Hữu cho biết, với việc không sử dụng thuốc kháng sinh, thời gian đàn gà được xuất bán sẽ sớm hơn từ 5 - 7 ngày, qua đó tiết kiệm được chi phí của thức ăn chăn nuôi cho đàn gà trong 5 - 7 ngày đó.

Theo ông Bùi Quang Hữu, áp dụng phương pháp chăn nuôi không kháng sinh, chất lượng thịt gà dù ít mỡ hơn nhưng vẫn mềm và thơm ngon hơn. Do đó sản phẩm thịt gà đồi Tân Tiến đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao.

“Thông thường miếng thịt lườn gà sẽ hay bị khô và bã. Tuy nhiên gà được chăn nuôi theo phương pháp không kháng sinh sẽ có phần thịt lườn rất mềm, không bị bã. Độ mềm có vị ngọt chứ không phải loại thịt gà bị mềm nhũn”, Giám đốc HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến phấn khởi chia sẻ.

Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sẵn sàng cung ứng cho thị trường cuối năm

Giai đoạn cuối năm và những dịp lễ hội sắp tới, nhu cầu về thực phẩm được dự báo sẽ tăng cao. Do đó, các cơ sở sản xuất càng cần chú trọng nhiều hơn vào khâu kiểm soát và chứng minh chất lượng sản phẩm.

Các lứa gà đẹp của người dân sẽ được đội ngũ thương lái đến thu mua và đưa đi tiêu thụ tại những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh…

Dự kiến, trong khoảng thời gian cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, nhu cầu về các sản phẩm từ thịt gà được dự báo sẽ vẫn ở mức cao. Theo đó, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tất cả các chuồng trại của bà con đều đã tái đàn và áp dụng phương pháp chăn nuôi không kháng sinh để sản phẩm được đảm bảo chất lượng cao nhất.

Theo ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2024, ngành chăn nuôi Thái Nguyên phấn đấu sản lượng đạt 222.000 tấn. Cho đến thời điểm hiện tại đã đạt khoảng hơn 70% kế hoạch đề ra.

“Cho dù thời gian qua, ngành chăn nuôi Thái Nguyên đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng do người dân đã có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất, kết hợp với việc đa số chuồng trại đều nằm ở vị trí cao nên tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương đã được đảm bảo an toàn khá tốt. Do đó, Thái Nguyên sẽ không bị xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực thực phẩm, các sản phẩm chăn nuôi vào thời điểm cuối năm”, ông Đỗ Đình Trung khẳng định.

Ngoài ra, ngay sau đợt mưa bão, lũ lụt kỉ lục vừa qua trên địa bàn, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã khẩn trương cung cấp con giống cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm giống chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ bà con thực hiện tái đàn vật nuôi ở những khu vực đủ điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Thái Nguyên sẽ không bị xảy ra tình trạng thiếu hụt các sản phẩm chăn nuôi vào thời điểm cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thái Nguyên sẽ không bị xảy ra tình trạng thiếu hụt các sản phẩm chăn nuôi vào thời điểm cuối năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Giai đoạn cuối năm nhu cầu về thực phẩm tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Người tiêu dùng sẽ có những yêu cầu khắt khe về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đáp ứng được nhu cầu ấy, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ, đồng thời đang hình thành khoảng 20 chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ khép kín, qua đó nâng cao chất lượng những sản phẩm chăn nuôi cung ứng cho thị trường”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên thông tin.

Theo ông Bùi Quang Hữu, mỗi năm, HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến cung cấp cho thị trường từ 170 - 200 tấn gà thịt. Sản phẩm gà đồi Tân Tiến của HTX đã được UBND huyện Phú Bình chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...