| Hotline: 0983.970.780

Gà Đông Tảo "made in" Đông Hòa

Thứ Hai 20/02/2012 , 09:53 (GMT+7)

Giống gà đặc biệt quý hiếm này đã được nuôi thành công tại Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai.

Một trang trại gà Đông Tảo vừa được xây của anh Tuấn tại Trảng Bom

Gà Đông Tảo (còn gọi là Đông Cảo), một loại gà địa phương đặc biệt quý hiếm nuôi ở xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên. Tương truyền, trước đây người dân dùng loại gà này để tiến vua. Thế nhưng ngày nay, người phương Nam có thể tìm mua gà Đông Tảo ở Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai.

Tuấn gà Đông Tảo

Tuấn "gà" ở đây là Vũ Ngọc Tuấn (SN 1973 ngụ tại số 98 khu 2 ấp Hoà Bình, xã Đông Hoà, Trảng Bom, Đồng Nai), người có công đưa gà Đông Tảo... Nam tiến. Hẹn nhau nhiều lần nhưng phải chờ đến khi Tuấn  xây xong 2 trại gà trị giá 2 tỷ đồng chúng tôi mới gặp được. Hai trang trại của Tuấn nuôi duy nhất giống gà Đông Tảo, với tổng đàn lên tới 2.000 con.

Nói về cái duyên của mình với gà Đông Tảo, được Tuấn gói gọn trong hai chữ "tình cờ". Và có lẽ anh là người đầu tiên nuôi giống gà tiến vua này ở phương Nam với quy mô lớn đến thế. Cách đây đúng 10 năm (năm 2002), Tuấn đang làm nghề buôn bán nông sản, trên một chuyến bay ra Hà Nội, tình cờ đọc trong một cuốn tạp chí giới thiệu loài gà tiến vua với thịt thơm ngọt, mềm, da dày, giòn…, Tuấn đã bị cuốn hút bởi hình dáng khá “quái dị” của con gà với đôi chân lớn, thô kệch, xù xì.

Sau chuyến đi, trở về Đồng Nai, Tuấn liền liên lạc với chủ nhân đang bảo tồn gien của giống gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo, để mua 10 con (5 mái 5 trống) với mục đích nuôi chơi với giá 200 ngàn. Thật ngạc nhiên, khi chủ nhân gửi 10 con gà vào, mặc dù mỗi con nặng tới 300g nhưng nhìn nhỏ xíu, ước chừng khoảng 100g và rất khoẻ mạnh sau gần một tuần di chuyển bằng ô tô trên quãng đường dài.

Khi Tuấn nuôi đàn gà, bất cứ ai vào nhà thấy cũng đều trầm trồ khen giống gà lạ, nhìn oai vệ tuy nhiên không ai muốn nuôi vì nhìn thấy ghê ghê do chân to xù xì. Tuấn cho biết: Giống gà này rất háu ăn. Bất cứ thứ gì, cơm thừa canh cặn đổ ra là gà thi nhau ăn. Điều đáng nói, gà Đông Tảo thân rất chắc và tròn nên khó ai đoán đúng được trọng lượng thật của nó. Những con có trọng lượng từ 4-4,5kg nhưng nhìn chỉ đoán chừng 2kg.

Theo Tuấn, gà Đông Tảo ngon nhất đó là bộ chân. Hồi anh mới mua về nuôi, chừng một năm thì gà bắt đầu sinh sản. Tuy nhiên giống gà này do “to xác” nên nuôi con rất vụng và lười…đẻ trứng. Nếu như gà ta đẻ mỗi ngày một trứng thì gà Đông Tảo lại đẻ cách nhật: 2 ngày/trứng hoặc đẻ 3 trứng/2 ngày. Do đó, để đẻ được 15 quả trứng, nhiều khi phải mất cả tháng. Đã vậy, nếu ấp 15 trứng thì chỉ nở được 4-5 con hoặc 6 con là cùng vì loại gà này ấp vụng và hay đạp vỡ trứng. Còn chuyện gà con mới nở bị gà mẹ đạp chết là chuyện thường.

Tuấn kể chuyện thật như đùa: "Khi đã nuôi gà Đông Tảo được vài năm, một lần tôi chọn một cặp đẹp nhất đem tặng người bạn thân. Khi tôi về, vợ người bạn bỗng mang…quẳng ra thùng rác vì nhìn thấy con gà "trông ghê quá". Chân gì mà xù xì như là bị bệnh". Ngay bản thân Tuấn, lần đầu tiên cũng không dám chọn con gà chân to để ăn vì nhìn đã thấy ớn. Ai dè sau này mới biết được gà chân càng to, càng xù xì thì ăn càng ngon vì hầu hết là xương sụn, giòn.

Đắt như tôm tươi

Khoảng hơn một năm trở lại đây, hàng ngày trại gà của Tuấn luôn đón tiếp nhiều khách từ khắp các tỉnh tới để mua gà về thưởng thức. Ngoài ra, có rất nhiều chủ trang trại heo, bò… hoặc nông dân cũng tìm đến để mua từ một cặp đến hàng chục cặp gà giống về nuôi. Chính vì thế, khi dẫn chúng tôi tham quan trại gà, Tuấn cho biết: Chỉ tính từ Tết trở lại đây tôi đã bán cả ngàn cặp gà giống. Trong đó, có những cặp gà giống “khủng” lên tới 10 triệu - những cặp này hầu hết là con trống và mái to, bệ vệ. Ngoài ra, những cặp khá khá cũng 5-6 triệu…

Từ một người không biết gì về gà nhưng trải qua 10 năm gắn bó với gà Đông Tảo, Tuấn đã hiểu tường tận về ưu - nhược của loại gà đặc biệt này nên sẵn sàng đầu tư tới 2 tỷ để mở rộng quy mô. Chỉ vào từng đàn gà được nhốt riêng biệt, Tuấn bảo: Những đàn gà đó đã bán hết cả rồi và đang chờ chủ tới nhận.

Lý giải vì sao tới nay gà Đông Tảo mới được nhiều người biết đến nhất là ở khu vực miền Nam? Tuấn cho biết: "Có thể là do trước đó không có ai quảng bá loại gà này. Mình nuôi ai hỏi mua thì bán, bán họ ăn ngon thì rỉ tai nhau nên có thể bây giờ mới có nhiều người biết". Điều bất ngờ nhất ở Tuấn là anh không hề muốn… giấu bí quyết việc nuôi giống gà quý dù hiện nay anh đang là người duy nhất ở phía Nam nuôi quy mô lớn.

Gà Đông Tảo nằm trong danh sách giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Gà Đông Tảo da đỏ, đầu và chân to, thô và xù xì có vảy mọc không theo hàng. Gà trống lúc trưởng thành đạt trọng lượng từ 4 - 5 kg/con, gà mái 3 - 4 kg/con. Thịt gà Đông Tảo ngọt và giòn. Dân gian tả về giống gà này như sau: gà có đầu hình gộc tre, thân giống con cóc, cánh giống như hai con trai biển úp vào thân, đuôi như nơm úp cá, mào mâm xôi, chân sần sùi như chân voi…

Tuấn tâm sự: "Nuôi gà Đông Tảo rất dễ. Giống gà này ăn tạp lại có sức đề kháng cao (10 năm nay, gà của Tuấn chưa hề bị dịch bệnh). Ở miền Bắc khí hậu 4 mùa khắc nghiệt như vậy mà vẫn nuôi được thì ở miền Nam nuôi gà Đông Tảo là rất phù hợp. Tôi chỉ mong sao mọi người nuôi thật nhiều để loại gà này ngày một nhân rộng, khi có nhiều giá sẽ rẻ và ai cũng được ăn gà ngon. Hiện nay, do nuôi ở miền Nam còn ít nên giá gà khá cao”.

Tại trại của Tuấn chúng tôi quan sát chừng hơn 2 giờ đồng hồ đã có rất nhiều khách ở các tỉnh miền Tây, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương… vào hỏi kỹ thuật nuôi và hỏi mua gà về thịt ăn. Điều lạ là Tuấn bán gà không bớt một xu. Gà mái thịt (không còn khả năng đẻ trứng) giá 250 ngàn/kg, gà trống 300 ngàn/kg. Gà giống 350 ngàn/con (loại 500g) hoặc gà thuần chủng từ 3-3,5 triệu/cặp (tuỳ loại, lớn bé, hình dạng…).

Tuấn cho biết: Giống gà Đông Tảo khác gà ta, gà Tam Hoàng hay các loại gà khác ở chỗ chúng ít cắn mổ nhau. Loại gà này nuôi càng lâu da càng dày, càng giòn, thịt càng ngon. Vì thế, gà càng già các nhà hàng càng khoái vì có thể chế biến được hàng chục món khác nhau. Hiện nay, có hơn chục nhà hàng (hầu hết ở Sài Gòn, Bình Dương) đặt mua gà Đông Tảo của Tuấn với số lượng không giới hạn. Ngoài ra, nhiều thương lái cũng tìm vào tận trại để đặt mua về kinh doanh nhưng không có hàng ngay mà phải chờ nhiều khi đến cả tuần…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm