| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng sinh kế dưới tán rừng ngập mặn

Phong phú, chuyên nghiệp các sản phẩm du lịch sinh thái rừng ngập mặn

Thứ Sáu 24/03/2023 , 14:41 (GMT+7)

Phát triển phong phú, chuyên nghiệp các sản phẩm du lịch sinh thái rừng ngập mặn là mục tiêu quan trọng với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau trong tương lai.

Empty

Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: Trọng Linh.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí

Vườn Quốc gia U Minh Hạ tại tỉnh Cà Mau được thành lập theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chuyển Khu Bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Quyết định 1024/QĐ-TTg ngày 07/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh tăng diện tích Vườn Quốc gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau với tổng diện tích hơn 8.500ha.

Ông Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch Sinh thái và Giáo dục Môi trường Vườn Quốc Gia U Minh Hạ cho biết: Vườn Quốc gia U Minh Hạ nằm trong hệ thống 34 Vườn Quốc gia của toàn quốc và đã được tổ chức UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.

Hiện, trong Vườn Quốc gia U Minh Hạ quản lý còn hơn 1.760ha là rừng nguyên sinh. Đây là diện tích rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ tự nhiên, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài bò sát, lưỡng cư, lưỡng thê và nhiều loài côn trùng khác.

Ngoài ra, trên lâm phần có hơn 136km kênh mương với tổng diện tích mặt nước hơn 1.000.000m2 (chưa kể diện tích của các thảm cỏ ngập nước theo mùa) đây thực sự là thiên đường cho các loài cá nước ngọt sinh sống và phát triển.

Với tiềm năng và thế mạnh như có thể nói Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt vào mùa khai thác cá, du khách dễ dàng bắt gặp một số loài cá có giá trị khoa học và kinh tế như: Cá lóc, sặc rằn, sặc bướm, trê vàng, rô đồng hay thát lát…

Ngoài ra, hệ động vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có mức độ tập trung cá thể rất lớn. Bên cạnh đó, du khách có thể tận mắt nhìn thấy những đàn khỉ trèo cây hái trái, nhiều loài chim bay đi bay về từng đàn nhộn nhịp trông rất đẹp mắt.

Mặt khác, U Minh Hạ còn có các làng nghề truyền thống, các đặc sản có nguồn gốc từ hệ sinh thái rừng tràm, do đó nếu kết hợp các làng nghề truyền thống, các đặc sản của rừng tràm sẽ góp phần cho du lịch sinh thái phát triển.

Empty

Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ chia sẻ với NNVN. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chia sẻ: Trong những năm gần đây, xu hướng du lịch sinh thái của du khách trong và ngoài nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt sau 2 năm đại dịch Covid bùng phát, thì lượng khách du lịch hàng năm tăng lên rõ rệt. Từ đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau rất quan tâm phát triển du lịch sinh thái trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

“Đơn vị cũng đã xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong thời gian tới. Đến nay, đề án cơ bản đã hoàn thành, đồng thời trình Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt để kêu gọi đầu tư các hạng mục. Ngoài ra, công tác phát triển và bảo vệ rừng cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng”, ông Hoằng chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo vườn Quốc gia U Minh Hạ, trong những năm qua hoạt động du lịch ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn nhiều khó khăn, hạn chế: Hoạt động du lịch còn mang tính đơn điệu, quy mô nhỏ, hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái chưa đảm bảo, đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch sinh thái còn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên khả năng thu hút khách du lịch chưa cao...

Những khó khăn, hạn chế trong thực tế đã làm cho hoạt động du lịch tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế của mình.

"Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo của Đề án cho thuận tiện cho quá trình phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ xin chủ trương điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017; Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và phương án quản lý rừng bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1235/QĐ-UBND ngày 01/7/2021 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt Phương án Quản lý rừng bền vững đối với rừng đặc dụng Vườn Quốc gia U Minh Hạ, giai đoạn 2021 - 2030." Ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Empty

Sau đại dịch Covid-19 du lịch sinh thái thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Trọng Linh.

Đa dạng nhiều loại hình du lịch

Có thể nói, hiện du lịch tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ rất đa dạng và phong phú với nhiều loại hình du lịch khác khác nhau phải kể đến như: Du lịch nghiên cứu các hệ động, thực vật, hệ sinh thái rừng tràm tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Tham quan trung tâm trưng bày các mẫu vật; Tham quan vườn sưu tập động, thực vật và dược liệu. Đây được xem là loại hình du lịch thích hợp cho du khách tham quan là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Du lịch văn hóa, tham quan các làng nghề như: Nghề gác kèo ong, nghề làm khô, nghề ép chuối khô. Tham quan các mô hình tái hiện những câu chuyện Bác Ba Phi. Thưởng thức mật ong, cá khô. Mua các sản phẩm từ làng nghề.

Du lịch giải trí, du khách có thể cắm trại dã ngoại, các dịch vụ câu cá giải trí hay các trò chơi dân gian: thi tát ao bằng gàu, thi bắt cá, ẩm thực dân gian hội trại, tổ chức các giải marathon xuyên rừng (chạy bộ, đi bộ, chạy xe đạp …).

Đối với loại hình du lịch sinh thái, du khách ngắm cảnh nhìn tổng thể hơn 8.500ha diện tích rừng tràm, du ngoạn bằng chèo xuồng dọc theo các con kênh, nằm võng hóng gió mát, thưởng thức làn điệu dân ca, đờn ca tài tử, trồng cây lưu niệm tại phân khu trồng cây lưu niệm, dùng bữa ăn gia đình trong nhà hàng sân vườn, mua những món quà tặng lưu niệm thủ công, đặc sản và các dịch vụ nghỉ dưỡng.

Đối với du khách có sở thích du lịch khám phá có thể đi bộ xuyên rừng vào mê cung rừng tràm ngắm rừng già để khám phá hệ động, thực vật, những tổ ong tự nhiên, hay đi tham quan thú trong vườn sưu tập động, thực vật và dược liệu và ngắm thú trong rừng vào ban đêm.

Đặc biệt, một trong những điểm nổi bật thu hút khách du lịch đến với tỉnh Cà Mau là du lịch ẩm thực với nhiều món ăn nhân gian nổi tiếng cả nước có thể nói ẩm thực dân gian là đặc trưng của tỉnh Cà Mau.

Các sản vật của vùng U Minh Hạ như mật ong rừng, chuối ép khô, cá khô, mắm lóc. Từng bước xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này. Đây là những đặc sản của rừng U Minh, du khách có thể mua về làm quà.

Về hình thức quản lý, loại hình đầu tư phát triển du lịch sinh thái: Tổ chức, cá nhân được thuê môi trường rừng để đầu tư du lịch sinh thái hoặc liên doanh, liên kết với Ban quản lý khu bảo tồn trên cơ sở đề án phát triển du lịch sinh thái đã được thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Empty

Nhiều du khách là học sinh, sinh viên đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ tham quan khám phá. Ảnh: Trọng Linh.

Bảo tồn và phát triển hệ sinh thái

Theo ông Nguyễn Tấn Truyền, Trưởng phòng Du lịch Sinh thái và Giáo dục Môi trường, Vườn Quốc Gia U Minh Hạ, cho biết: Với mục tiêu phát triển du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ bền vững gắn chặc với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tràm đa dạng phong phú của vùng đất U Minh Hạ. Đồng thời, có thể giúp giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Qua đó, có thể đánh giá được hiện trạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, tâm linh để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp trong Vườn quốc gia. Định hướng cho việc lập các dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, lịch sử và tâm linh trong Vườn quốc gia cùng các giải pháp thu hút đầu tư, quảng bá và phát triển các hoạt động du lịch.

Đảm bảo việc khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái được quản lý theo phương thức chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm để phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

“Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo các hoạt động sinh kế thông qua việc khai thác cơ hội từ hoạt động du lịch sinh thái cho cư dân địa phương. Tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia các loại hình du lịch, thông qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.