| Hotline: 0983.970.780

Gần 15 nghìn tấn thanh long được xuất sang Trung Quốc tuần qua

Thứ Sáu 16/08/2019 , 07:01 (GMT+7)

Ông Trần Anh Tú, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, tình trạng các xe container thanh long ùn ứ những ngày qua tại đây đã được giải quyết.

Giá trị xuất khẩu tăng gấp đôi

Cụ thể, từ ngày 11 đến 15/8, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc 14,8 nghìn tấn thanh long của các tỉnh miền Trung chở ra, đạt tổng giá trị 9,4 triệu USD.

15-14-03_cu_khu_lo_ci_1
Hơn 600 xe chở thanh long thời điểm bị ùn ứ tại Lào Cai. Ảnh: Đinh Tùng.

Nếu tính từ đầu năm, tổng lượng thanh long Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai đạt 491 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu khoảng 320 triệu USD. So với cùng kỳ 2018, cả sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng gấp đôi.

Nguyên nhân của tình trạng ùn ứ hơn 600 xe thanh long vừa qua do phía Trung Quốc siết chặt các thủ tục thông quan. Mục đích là xác định nguồn gốc xuất xứ của nông sản. Tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết, tháo gỡ khó khăn giúp thông quan hàng hóa.

Không chỉ riêng mặt hàng thanh long, hai năm trở lại đây, lượng nông sản của nhiều tỉnh xuất sang Trung Quốc qua địa bàn Lào Cai tăng mạnh. Điển hình như vải thiều, hạt tiêu, dưa hấu, sầu riêng…

Tương ứng với đó, tại Lào Cai, nhiều Bộ, ban ngành đã đồng hành với các doanh nghiệp, cùng nhau đàm phán, xúc tiến thương mại với Trung Quốc. Gần đây nhất, ngày 31/5, hơn 200 doanh nghiệp hai nước có dịp gặp gỡ, trao đổi liên kết làm ăn.

Tại đây, tỉnh Lào Cai cam kết chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng thực hiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ngay tại cửa khẩu, khai báo hải quan điện tử, đăng ký trước hồ sơ kiểm dịch, tiết giảm và công khai các loại phí, lệ phí.

15-14-03_cu_khu_lo_ci_2
Việc xuất khẩu nông sản nói chung sang Trung Quốc ngày càng khó khăn do những quy định về truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Đinh Tùng.

Trong khi đó, đại diện chính quyền tỉnh Vân Nam và Ty thương vụ Vân Nam (Trung Quốc) cam kết: Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc nhập khẩu các mặt nông sản vào Trung Quốc qua các cửa khẩu ở tỉnh Lào Cai. Hằng năm, luân phiên tổ chức Hội chợ thương mại biên giới Hà Khẩu – Lào Cai.
 

Thị trường Trung Quốc hết… dễ dãi

Trước thông tin nông sản ùn ừ tuần qua tại Lào Cai, nhiều nhà vườn thanh long tại Bình Thuận tỏ ra lo lắng. Tuy vậy, việc mua bán thanh long tại địa phương này vẫn diễn ra bình thường, ổn định giá cả. Nguyên nhân bởi, bên cạnh việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc, tiêu thụ nội địa tại các tỉnh miền Trung cũng được đẩy mạnh.

Số liệu thống kê từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu 163 tỷ USD hàng nông sản. Quốc gia này đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Một số thương lái thừa nhận, thị trường Trung Quốc cũng dần trở nên khó tính với những quy định ngặt nghèo trong việc nhập khẩu hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng. Cơ quan quản lý các cấp đã và đang nỗ lực giúp nông sản Việt tiếp cận sâu hơn thị trường truyền thống này mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập.

15-14-03_thnh_long
Mặt hàng thanh long Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc. Ảnh: Đinh Tùng.

Và thanh long là một ví dụ điển hình. Những năm qua, đây luôn là mặt hàng nông sản được ưu tiên khi xuất qua cửa khẩu Lào Cai. Mặt hàng này được xếp vào nhóm thông quan qua luồng xanh, xuất khẩu chính ngạch nhanh gọn. Nhưng phía Trung Quốc ngày một yêu cầu chặt chẽ hơn vấn đề truy xuất nguồn gốc dẫn tới sự thông quan chậm trễ.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Trung Quốc đã áp dụng nhiều quy định liên quan tới truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác nông sản Việt khi nhập khẩu. Từ 1/10 tới đây, Trung Quốc cũng áp dụng chứng thư xuất khẩu với các mặt hàng nông sản từ nước ta. Và việc áp dụng này sẽ mở rộng trên nhiều nông sản khi xuất qua Trung Quốc.

Riêng mặt hàng thanh long, chính các nhà vườn tại nước ta cũng đang chịu sức ép cạnh tranh sản lượng từ phía thị trường Trung Quốc. Bên cạnh nhập khẩu, quốc gia này cũng đang hỗ trợ người dân, đẩy mạnh sản xuất thanh long tại nhiều tỉnh không xa Việt Nam. Đây thực sự là thách thức không nhỏ với người trồng thanh long nói riêng, nông sản Việt nói chung.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm