| Hotline: 0983.970.780

Gần 20 năm quản lý, bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái rừng

Thứ Sáu 04/08/2023 , 09:24 (GMT+7)

Đồng Nai Để bảo vệ, quản lý và phục hồi hệ sinh thái rừng, trên diện tích 100.000ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai lập 18 trạm kiểm lâm rải đều khắp khu vực.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: KBT.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: KBT.

Vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

Đồng Nai đóng cửa rừng năm 1997 và thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai năm 2004, quản lý tổng diện tích tự nhiên trên 100.000ha. Trong đó, hơn 68.000ha đất lâm nghiệp và hơn 32.000ha mặt nước hồ Trị An.

Kể từ đó đến nay, nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm tại đây được phục hồi. Nơi đây có nguồn tài nguyên sinh học rất đa dạng, phong phú với hơn 1.400 loài thực vật khác nhau; thảm thực vật rừng da dạng. Ngoài ra, khu bảo tồn có 1.700 loài động vật, côn trùng hoang dã, trong đó, có nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm và đặc hữu như loài voi châu Á, bò tót… Đây cũng là nơi còn lại mảnh rừng mưa nhiệt đới cuối cùng của miền Nam.

Mỗi lần đến với khu bảo tồn này, chúng tôi lại được thỏa thích đắm mình hòa cùng với thiên nhiên, cây cối xanh mát, tìm hiểu về từng loại động, thực vật khác nhau dưới sự hỗ trợ của các anh kiểm lâm.

Nơi đây là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới và là một trong 13 vùng ưu tiên của khu vực Đông Nam Á. Không những thế, khu bảo tồn còn thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn và là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam. Khu bảo tồn cũng nằm ở vùng chim đặc hữu Nam Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 20 con voi châu Á, chúng thường kiếm ăn tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Ảnh: KBT.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 20 con voi châu Á, chúng thường kiếm ăn tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Ảnh: KBT.

Hiện khu bảo tồn đang quản lý, bảo vệ các vùng đất ngập nước là hồ Trị An (trên 32.000ha), hồ Bà Hào (400ha), cùng nhiều sinh cảnh đất ngập nước nhỏ là các trảng xen kẻ trong rừng tự nhiên cùng hệ thống sông suối nhỏ có nước theo mùa.

Dẫn chúng tôi đi thăm cây kơ-nia cổ thụ hơn 300 tuổi, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai cho biết, bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, khu bảo tồn còn có vị trí địa lý gần các đô thị, trung tâm phát triển công nghiệp lớn. Do vậy, hệ sinh thái rừng của khu bảo tồn càng có giá trị, vai trò quan trọng trong điều hòa không khí, giảm thiểu các tác động từ khí thải công nghiệp, khí thải đô thị, cải thiện môi trường sống của người dân; duy trì, điều tiết nguồn nước cho nhà máy thủy điện Trị An và là nguồn nước cung cấp cho các khu công nghiệp và nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu hộ dân của 3 tỉnh TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Ngoài các nguồn tài nguyên đặc trưng cho kiểu rừng Đông Nam bộ, các giá trị phòng hộ của hệ sinh thái, khu bảo tồn còn có các giá trị về văn hóa - lịch sử, trong đó, nổi bật là các căn cứ cách mạng. Tại đây, có nhiều di tích lịch sử trong các thời kỳ kháng chiến với địa danh nổi tiếng là Chiến khu Đ. Hiện khu bảo tồn được giao quản lý 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia: Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ và Khu Địa đạo Suối Linh.

Với các giá trị nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, năm 2011, khu bảo tồn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai có vai trò là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và vùng đất ngập nước hồ Trị An, ông Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, khu bảo tồn đã thành lập 18 trạm kiểm lâm, nằm rải đều trên toàn bộ diện tích do đơn vị quản lý. “Lực lượng kiểm lâm  khu bảo tồn đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và hồ Trị An, đồng thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc và hồ Trị An, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động người dân địa phương chấp hành tốt các quy định về công tác bảo vệ, phát triển rừng nên giá trị và chất lượng rừng ngày càng được nâng cao; hệ sinh thái vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An được khôi phục”, ông Hảo nói.

Khu bảo tồn đã xây dựng hồ sơ đề cử vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An thành Khu Ramsar mới của Việt Nam và hồ sơ đề cử danh hiệu Vườn di sản ASEAN. Đây là tín hiệu tốt cho thấy, việc tổ chức quản lý, bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên của  khu bảo tồn có hiệu quả tích cực.

Bên cạnh việc bảo tồn, khu bảo tồn cũng đã trồng khôi phục được trên 1.800ha rừng cây gỗ lớn bản địa và khoanh nuôi, nuôi dưỡng phục hồi gần 2.980ha rừng tự nhiên. Rừng trồng hỗn giao các loài cây gỗ thuộc nhóm thực vật bản địa, quý hiếm như sao, dầu, gõ đỏ, muồng, bằng lăng…, được trồng với mục đích bảo tồn các nguồn gien quý hiếm. 

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện việc trồng rừng xã hội hóa với diện tích trên 40ha”, ông Hảo thông tin.

Tạo điều kiện đề người dân chăm sóc, bảo vệ rừng... nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tạo điều kiện đề người dân chăm sóc, bảo vệ rừng... nâng cao thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm 

Để khôi phục và phát triển nguồn tài nguyên thủy sản, nâng cao đời sống, tạo sinh kế cho người dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản trên hồ Trị An, hàng năm khu bảo tồn đã tái thả bổ sung khoảng 2 triệu con cá giống các loại vào hồ Trị An.

Theo ông Hảo, trong vùng lõi của khu bảo tồn hiện còn 6 cụm dân cư sinh sống thuốc ấp 2, 3, 4, 5, 6 (xã Mã Đà) và ấp 3 (xã Hiếu Liêm), với gần 2.000 hộ đang sử dụng đất do khu bảo tồn quản lý.

“Hiện chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương di dời hơn 200 hộ dân khu vực Đồng 4, ấp 5, xã Mã Đà ra khỏi rừng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương - đơn vị chủ đầu tư để thực hiện dự án Ổn định dân cư các ấp thuộc xã Mã Đà và di dời dân cư khu vực ấp 3, xã Hiếu Liêm nằm trong rừng đặc dụng ra khỏi rừng. Trong khi chờ thực hiện các dự án, khu bảo tồn tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện việc trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, tham gia thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng; tạo điều kiện để người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản trên hồ Trị An, nâng cao đời sống”, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho hay.

Tận dụng và phát huy lợi thế nguồn tài nguyên cảnh quan của khu vực vùng đệm để phát triển sinh kế, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cho người dân, đặc biệt là các hộ dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ở vùng đệm, gắn với bảo vệ và phát triển rừng, khu bảo tồn đã xây dựng dự án đầu tư vùng đệm, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2026 và khu bảo tồn hiện đang triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, WWF-Việt Nam, Heineken Việt Nam tham gia trồng cây tại khu bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, WWF-Việt Nam, Heineken Việt Nam tham gia trồng cây tại khu bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bên cạnh đó, khu bảo tồn xin được các dự án tài trợ từ các tổ chức nước ngoài như tổ chức UNDP, WWF... để cải thiện, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, để tạo việc làm có thu nhập ổn định lâu dài, khu bảo tồn đã tuyển dụng các con em là người đồng bào dân tộc có trình độ chuyên môn phù hợp vào làm việc tại đơn vị.

Ngoài ra, khu bảo tồn phối hợp với chính quyền địa phương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng bào dân tộc thiểu số như xây dựng và phục hồi lại nhà Dài của người đồng bào dân tộc Chơ Ro, tổ chức các lễ hội cúng thần lúa, thần rừng.

Đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu tại khu bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu tại khu bảo tồn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Với vẻ đẹp và những giá trị mà nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến khám phá và trải nghiệm tại nơi đây. Hàng năm, khu bảo tồn đón khoảng 14.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí với các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ Trị An; du lịch văn hóa gắn liền với di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường...

Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, mong sớm có quy định cụ thể về bán tín chỉ các bon, để các đơn vị chủ rừng có thể bán được các tín chỉ các bon, tăng thêm nguồn thu, nâng cao thu nhập cho lực lượng bảo vệ rừng và đầu tư cho việc quản lý bảo vệ, phát triển rừng được tốt hơn.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Vì một Tây Ninh xanh đáng đến, đáng sống

Trồng và bảo vệ rừng là một trong giải pháp giúp Tây Ninh bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu tiến tới xây dựng 'Tây Ninh xanh'.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.