| Hotline: 0983.970.780

Trồng nhiều cây gỗ quý, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học

Thứ Ba 23/05/2023 , 08:59 (GMT+7)

Đồng Nai Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai khởi động chương trình trồng rừng nhân Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.

Các lãnh đạo Công ty Bosch cùng bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng cây đầu tiên khởi động mùa trồng rừng Đồng Nai. Ảnh: PV.

Các lãnh đạo Công ty Bosch cùng bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng cây đầu tiên khởi động mùa trồng rừng Đồng Nai. Ảnh: PV.

Ngày 22/5, nhân Ngày Quốc tế bảo vệ đa dạng sinh học, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai khởi động chương trình trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên Đồng Nai 2023.

Theo bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, chương trình trồng rừng Đồng Nai góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Chương trình cũng góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết, và sự trân trọng của công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp về tầm quan trọng của trồng rừng phục hồi hệ sinh thái.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng do tác động của con người.

Đặc biệt, các quần thể voi tại Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng tới 95% trong giai đoạn từ 1975 đến 2015. Hiện nay, trên toàn quốc chỉ còn khoảng 50 - 100 con, trong đó ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai còn đàn voi khoảng 16 - 21 con.

Năm 2010, đã có 7 con voi bị đầu độc chết tại tỉnh Đồng Nai, do phá hoại nương rẫy của người dân để tìm thức ăn. Nhiều loài thú lớn khác cũng đang trên bờ tuyệt chủng.

Suy thoái đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống con người, đến an ninh sinh thái quốc gia. Việc trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái nhằm làm giàu rừng, tạo môi trường sống an toàn, đủ đầy về nguồn thức ăn cho voi cùng các loài động vật hoang dã khác chưa bao giờ trở nên cấp thiết như vậy. 

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai thuộc Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu người dân tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đây cũng là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam,

Việc đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và đặc biệt là tạo ra nguồn tài nguyên dự trữ cho tương lai là điều cực kỳ quan trọng. Vì vậy, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai chương trình góp 1 cây là góp rừng Đồng Nai dành cho các doanh nghiệp cùng đồng hành.

Để làm giàu rừng nhưng vẫn giữ được sự toàn vẹn nguồn gen, hệ sinh thái đặc trưng của khu rừng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia tuyển chọn các loài cây giống là các loài gỗ lớn bản địa gồm bằng lăng, cẩm lai, chiêu liêu, gõ mật, huỷnh, trắc đen, lim… để trồng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai sẽ chăm sóc, giám sát các khu trong vòng 4 năm nhằm bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và đạt tỷ lệ sống 70 - 85%. Báo cáo giám sát khu rừng với số liệu và hình ảnh giám sát cụ thể sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị tài trợ khu rừng.

Bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia giới thiệu về hệ sinh thái rừng nhiệt đới cho cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp tham gia. Ảnh: PV.

Bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia giới thiệu về hệ sinh thái rừng nhiệt đới cho cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp tham gia. Ảnh: PV.

Bên cạnh hoạt động trồng rừng, còn có nhiều hoạt động khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới, tắm rừng, vận dụng mọi giác quan để kết nối với thiên nhiên. 

Trong năm 2022, chương trình trồng rừng Đồng Nai đã nhận được sự đồng hành của 9 doanh nghiệp, phủ xanh 17ha rừng với sự tham gia của hơn 1.700 lãnh đạo, nhân viên và gia đình. Chương trình trồng rừng Đồng Nai năm 2023 ban đầu đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của nhiều doanh nghiệp. Dự kiến sẽ có hàng ngàn nhân viên và gia đình tham gia trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên Đồng Nai trong mùa trồng rừng 2023 này.

"Chúng ta đang ở trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái” từ năm 2021 đến 2030, do Liên hợp quốc phát động. Tham gia trồng rừng, khôi phục rừng đầu nguồn chính là một trong những giải pháp giúp chúng ta bảo vệ tương lai của chính mình. Đồng thời, tham gia trồng rừng cùng Gaia, các doanh nghiệp cũng đang hưởng ứng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022", bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết.

Trong thời gian tới, để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, Gaia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng, phục hồi rừng Đồng Nai và các đầu nguồn trên khắp Việt Nam như Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau,... 

Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. Năm nay, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên Hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.