| Hotline: 0983.970.780

Gặp gỡ kiều bào trở về đóng góp xây dựng quê hương

Thứ Tư 07/09/2022 , 18:26 (GMT+7)

TPHCM Đến nay, có khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư tại TP.HCM với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn.

Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM chia sẻ một số quy định pháp luật thực hiện thủ tục hồi hương cho kiều bào. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM chia sẻ một số quy định pháp luật thực hiện thủ tục hồi hương cho kiều bào. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 7/9, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng TP.HCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình”.

Hơn 100 kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào tham dự, trao đổi về những mối quan tâm của kiều bào trong quá trình hồi hương trở về đóng góp xây dựng phát triển TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung, cũng như những thắc mắc về thủ tục hồi hương, mua nhà, vận chuyển hàng hóa về nước, nhập quốc tịch...

Tại Hội nghị, đại diện kiều bào hồi hương đã có những chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm sau thời gian trở về Việt Nam đầu tư, làm ăn, sinh sống… Các kiều bào cảm ơn, đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương và khẳng định mong muốn tiếp tục nỗ lực đóng góp tâm sức của mình cùng nhân dân cả nước xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước phát triển. Đại bộ phận đồng bào có địa vị pháp lý, cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Trong đó, khoảng 40% đồng bào ta ở nước ngoài có xuất thân hoặc có liên hệ với TP.HCM, ước tính có hơn 2 triệu người.

Cũng theo ông Chất, nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự mạnh dạn vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Thành ủy, UBND TP.HCM; cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, kinh tế ngày càng phát triển, vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đã tác động tích cực thu hút đông đảo bà con kiều bào hướng về quê hương, cội nguồn, tích cực giúp đỡ thân nhân, gia đình trong nước;  đặc biệt là giới trí thức, doanh nhân kiều bào, đã về nước, về thành phố từ rất sớm, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, vận động và làm cầu nối các hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, phát triển TP.HCM.

Bà Mini Vũ, kiều bào Mỹ chia sẻ cảm xúc khi trở về Việt Nam sinh sống và đầu tư. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Mini Vũ, kiều bào Mỹ chia sẻ cảm xúc khi trở về Việt Nam sinh sống và đầu tư. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Lê Ngọc Lâm, kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hiện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gồm 2 khối là khối người Việt Nam đã hồi hương (đa số là người lớn tuổi, có kinh nghiệm quốc tế rộng rãi) và khối người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài.

“Tâm lý kiều bào khi hồi hương là chúng tôi đã may mắn rồi, sống và hiểu biết những tinh hoa của nước ngoài thì những năm tháng cuối đời mình phải làm gì cho quê hương đất nước, sống phải giúp ích cho quê hương để không tủi hổ những năm tháng ở nước ngoài. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ để TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có thể kết nối, xuất khẩu hàng hoá, lao động ra nước ngoài”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải có những “điểm tựa” xuất khẩu ở nước ngoài - đấy chính là những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, họ am hiểu văn hoá, nhu cầu sản phẩm của người dân địa phương của nước sở tại.

Để kết nối được những “điểm tựa” này, theo ông Lâm, chính quyền địa phương các cấp cần xem trọng hơn nữa vai trò của những kiều bào đã hồi hương và thân nhân kiều bào đang sinh sống tại Việt Nam, bởi họ chính là “cầu nối” vô cùng quan trọng có thể kết nối được Việt kiều đang ở nước ngoài. “Chính quyền địa phương phải lập danh sách kiều bào, thân nhân kiều bào có mặt trên địa bàn và mời các doanh nghiệp xuất khẩu cùng dự các hội nghị thường xuyên giữa ba bên: chính quyền – doanh nghiệp xuất khẩu - kiều bào hồi hương. Như vậy, sẽ có sự kết nối, tìm kiếm cơ hội để xuất nhập khẩu hàng hoá”, ông Lâm nói.

Thời gian qua, TP.HCM đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nhiều quốc gia trên thế giới (Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Áo, Singapore…) về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố.

Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu.

Từ năm 2018 đến hết tháng 8/2022 có hơn 400 trường hợp đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú – tức là xin được hồi hương, trong đó đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất