| Hotline: 0983.970.780

Giá cá chẽm tụt dốc, thương lái bỏ cọc chẳng màng thu mua

Thứ Sáu 29/12/2023 , 08:56 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Cá chẽm là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, được nông dân Sóc Trăng phát triển mạnh. Thế nhưng hiện giá cá chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất.

7.000 mét vuông ao nuôi cá chẽm của ông Trịnh Tấn Phát ở khóm Trà Niên, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chuẩn bị thu hoạch. Dù vụ nuôi năm nay được đánh giá thuận lợi, năng suất cá đạt cao, thế nhưng mức giá thu mua lại rất thấp.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, giá cá chẽm ở mức cao từ 75.000 – 85.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), có thời điểm chạm mức 90.000 đồng/kg.

Nhiều nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) lo lắng khi cá chẽm đến ngày thu hoạch nhưng cầm chắc từ huề vốn đến thua lỗ. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều nông dân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) lo lắng khi cá chẽm đến ngày thu hoạch nhưng cầm chắc từ huề vốn đến thua lỗ. Ảnh: Kim Anh.

Thế nhưng hiện giá 1kg cá chẽm chỉ còn khoảng 60.000 – 65.000 đồng, giảm 15.000 – 25.000 đồng/kg so với mọi năm. Trong khi đó, theo tính toán của các hộ nuôi, tất cả chi phí đầu tư cho một vụ nuôi (tùy theo quy mô, điều kiện nuôi) cũng tăng theo lợi nhuận, trung bình từ 65.000 – 75.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, có thể nói lợi nhuận của hộ nuôi cá chẽm bằng không.

Đáng nói, nhiều thương lái dù đã đặt cọc thu mua cá từ trước cho bà con nhưng khi giá sụt giảm đã bỏ hẳn tiền cọc, không thu mua. Việc tìm thấy một thương lái để thu mua cá cũng rất hiếm hoi.

“Thương lái hứa rồi mà giờ thấy giá thấp, không có lời nên họ không đến thu mua, gọi hoài cũng không nghe máy”, ông Phát lo lắng chia sẻ.

Tương tự, tại ao nuôi của ông Lương Văn Biên cùng ngụ phường Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu), sau nhiều vụ nuôi tôm gặp thất bại, gia đình ông đã chuyển hẳn 3.500m2 sang thả nuôi cá chẽm.

Cá đến ngày thu hoạch nhưng gia đình ông buộc phải treo ao chờ giá, đồng nghĩa phải kéo dài thời gian nuôi, đội chi phí thức ăn tiếp tục tăng cao. “Càng neo lại càng rầu”, đó là tâm trạng của nông dân này cũng như nhiều hộ nuôi cá chẽm lân cận.

Ông Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại Ngư Nghiệp ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề - người được mệnh danh là “vua cá chẽm” ở vùng đất Sóc Trăng cho biết, trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, con cá chẽm cũng đang chịu chung tình cảnh. Xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng yếu đi, trong khi đó, sản lượng cá chẽm năm 2023 lại có phần gia tăng so với mọi năm, khiến giá sụt giảm.

Cá chẽm là một trong những đối tượng thủy sản nước lợ phát triển mạnh ở tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây. Ảnh: Kim Anh.

Cá chẽm là một trong những đối tượng thủy sản nước lợ phát triển mạnh ở tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây. Ảnh: Kim Anh.

Ông Dũng cũng khẳng định, tuy giá cá sụt giảm mạnh nhưng nhu cầu thị trường đối với mặt hàng cá chẽm vẫn cao. Việc thu mua và xuất bán cá ở cả thị trường trong và ngoài nước đều thuận lợi.

“Tình hình tiêu thụ thời gian tới phụ thuộc vào tiêu dùng thế giới cũng như trong nước, ít nhất hết quý I, II của năm 2024 mới có thể hình dung được. Hiện công ty chúng tôi vẫn đều đặn thu mua cá chẽm cho hộ nuôi”, ông Dũng cho hay.

Công ty TNHH một thành viên Đại Ngư Nghiệp là doanh nghiệp tiên phong đưa con cá chẽm xuất khẩu đến thị trường EU, Mỹ, Canada, Campuchia, Thái Lan... với sản lượng hàng năm khoảng 1,5 – 2 nghìn tấn theo hình thức xuất khẩu nguyên con và file.

Phong trào nuôi các loại cá nước lợ bắt đầu phát triển mạnh ở tỉnh Sóc Trăng từ cuối năm 2011. Đây được xem là giải pháp đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi ở thời điểm nghề nuôi tôm liên tục gặp khó khăn do giá thành tăng cao và tình hình dịch bệnh. Đối tượng nuôi cá nước lợ rất đa dạng, phong phú và khả năng phát triển diện tích rất cao do những điều kiện thích hợp sẵn có từ những vùng nuôi tôm.  Tuy nhiên cũng từ đó, diện tích nuôi cá chẽm ngày càng được mở rộng, thiếu bền vững, diện tích thả nuôi và sản lượng cá thu hoạch so với nhu cầu thị trường lại chưa cân đối.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, để ổn định cung – cầu mặt hàng cá chẽm một cách hợp lý, vấn đề quan trọng là hình thành các chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra thông qua việc kết nối người nuôi tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, bà con nông dân cần tham gia liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, giảm thiểu thiệt hại khi giá cả biến động. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, bà con nông dân cần tham gia liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, giảm thiểu thiệt hại khi giá cả biến động. Ảnh: Kim Anh.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tiến hành nghiên cứu về các đặc điểm sinh học để tạo ra nguồn giống chất lượng đối với các đối tượng cá nước lợ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn, chứng nhận tiến hành chứng nhận một số đối tượng theo quy chuẩn quốc tế để đáp ứng các đơn đặt hàng từ đơn vị nước ngoài, đảm bảo sản lượng xuất khẩu ổn định.

Đồng thời, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các nhà máy chế biến thúc đẩy chế biến sâu đối với các mặt hàng làm từ các loại cá nước lợ để góp phần giải quyết tình trạng khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm.

Việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tối đa dư địa sẵn có từ lợi thế thổ nhưỡng và sự đa dạng về vùng sinh thái của tỉnh Sóc Trăng. Thế nhưng, cần phải có các giải pháp mang tính lâu dài, nông dân phải sản xuất theo hướng có liên kết để nghề nuôi cá chẽm nói riêng và cá nước lợ nói chung không còn là nghề “may rủi”.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.