| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu từ nuôi cá chẽm ven sông

Thứ Năm 04/05/2023 , 13:11 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân xã Quảng Minh, Quảng Lộc thị xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình vươn lên khá giả nhờ vào nghề nuôi cá chẽm trong lồng ven sông Gianh.

Xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình) thuộc vùng cồn bãi ven sông Gianh. Địa phương này không có lợi thế về đất đai để phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, người dân địa phương chủ yếu sống dựa vào nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản khu vực sông Gianh chảy qua.

Những năm gần đây, Quảng Minh đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với lợi thế nuôi cá lồng ven sông Gianh. Từ nghề mới này, hàng chục hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Nuôi cá lồng tại xã Quảng Minh. Ảnh: Tâm Phùng.

Nuôi cá lồng tại xã Quảng Minh. Ảnh: Tâm Phùng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Yến (thôn Trường Thái), được xem là hộ khởi đầu của phong trào nuôi cá lồng ở đây. Cách đây hơn 10 năm, gia đình đã bắt tay vào việc sử dụng lồng tre nứa để nuôi cá chẽm, một loại cá đặc sản và có giá trị kinh tế cao.

Bà Yến cho biết, từ nhỏ, bà đã lớn lên cùng sông nước. Nhiều khi cũng muốn thoát ly đi làm giàu ở những thành phố lớn, nhưng đi thì không nỡ. Vì vậy, bà đã quyết tâm làm giàu trên chính dòng sông quê mình.

Trước khi bắt tay vào nuôi cá lồng, bà Yến đã mất rất nhiều thời gian để đến những địa phương có địa hình sông nước, tìm hiểu cách làm lồng cá, nguồn giống và nơi tiêu thụ sản phẩm.

“Những năm đầu, chưa có kinh nghiệm nên cá chết do dịch bệnh. Rồi khi cá không bị dịch thì lại gặp thiên tai bão lũ cá bị cuốn trôi. Vậy là lỗ nặng luôn”, bà Yến kể lại.

Nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực và tích lũy kinh nghiệm, dần dần bà Yến làm chủ được kỹ thuật nuôi và mở rộng quy mô.

Từ mô hình nuôi thử nghiệm, đến nay, gia đình bà Yến đã thả nuôi gần 100.000 con, chủ yếu là cá chẽm. “Trung bình mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi từ nuôi cá lồng được trên 150 triệu đồng”, bà Yến bộc bạch.

Từ những lồng cá nuôi ban đầu của gia đình bà Yến, phòng trào nuôi cá chẽm lồng đã được phát triển ở xã Quảng Minh.

Ông Hoàng Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết, toàn xã hiện có trên có 330 lồng cá với tổng thể tích gần 30.000m3. Người dân nuôi tập trung tại các thôn Minh Hòa, Tân Định, Cồn Nâm, Trường Thái.

Ông Thắng cũng cho rằng, nước trên  sông Gianh đoạn qua địa phận xã là nguồn nước sạch, dòng chảy ổn định. “Nước lưu thông thường xuyên nên cá ít bị bệnh, khỏe mạnh, thức ăn tự nhiên phong phú. Rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản trong lồng”, ông Thắng nói thêm.

Ngoài giống cá chẽm, bà con còn thả thêm giống cá hồng. Vì các loài cá này dễ chăm và đầu ra khá ổn định. Sau khi thu hoạch, cá thương phẩm được nhập sỉ cho thương lái với giá bán khoảng 70.000 đồng/kg.

“Một số hộ nuôi tích cực mang đi bán lẻ ở khu vực các chợ trong vùng nên có giá thu lợi nhuận tốt hơn”, ông Thắng nói thêm.

Bà con thôn Cồn Sẻ nuôi cá 2 năm để bán giá cao hơn. Ảnh: T. Phùng.

Bà con thôn Cồn Sẻ nuôi cá 2 năm để bán giá cao hơn. Ảnh: T. Phùng.

Ngoài xã Quảng Minh, nghề nuôi cá lồng còn phát triển tại xã Quảng Lộc.  Bà con ở thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc) cũng nhờ nuôi cá lồng trên nhánh sông Giang mà vươn lên.

Đoạn sông Gianh chảy qua trước thôn Cồn Sẻ gần 400 lồng cá. Nhiều hộ cũng nuôi lồng cá qua hai năm để cá có trọng lượng trên 5kg/con.

 Gia đình ông Mai Tuyến có 6 lồng nuôi. Ông kéo lưới lên và lấy giỏ nhựa vợt một con cá vược lớn lên cho chúng tôi xem. “Con này được hơn 5 kg, chưa phải là lớn”, ông Tuyến nói.

Qua trò chuyện, ông Tuyến cho hay, trung bình mỗi lồng cho năng suất khoảng 7-8 tạ cá/năm. Giá bán cũng đạt 100 ngàn đồng/kg, vị chi mỗi lồng cho tổng thu khoảng 75-80 triệu đồng.

 “Trừ đi chi phí, mỗi lồng cá cho lãi từ 20-25 triệu đồng/năm”, ông Tuyến nói chắc như vậy.

Để giúp bà con phát triển nghề nuôi cá lồng, Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng phương pháp nuôi cá lồng tiên tiến nên mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn, đơn vị xây dựng kế hoạch thành lập hợp tác xã cá lồng tại các xã.

"Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa xây dựng thương hiệu cá lồng, để các sản phẩm nuôi trồng trên sông ở địa phương được nhiều người biết đến, ổn định đầu ra và nhân rộng mô hình”, ông Khánh cho hay.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.