| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái: Nhiều trẻ nhỏ, người già phải nhập viện do mắc cúm

Thứ Ba 11/02/2025 , 16:45 (GMT+7)

Bác sỹ Hà Thị Thanh Liêm, Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái cho hay, từ tháng 1 đến nay, đã tiếp nhận gần 100 trường hợp trẻ bị mắc bệnh cúm A, B đến điều trị.

Số ca mắc cúm tại tỉnh Yên Bái gia tăng trong dịp đầu năm mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Số ca mắc cúm tại tỉnh Yên Bái gia tăng trong dịp đầu năm mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Số ca mắc cúm tăng cao

Bác sỹ Nguyễn Trọng Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết, tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch, bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau như đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, tính từ ngày 1/1/2025 đến ngày 6/2/2025, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 766 ca mắc cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (629 ca). Số ca mắc chủ yếu tập trung ở huyện Mù Cang Chải (247 ca), Trấn Yên (240 ca), Trạm Tấu (82 ca), Văn Chấn (42 ca), thành phố Yên Bái (96 ca), còn lại rải rác ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình. Trong đó, ghi nhận 2 ổ dịch nhỏ tại huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm long đường hô hấp, không ghi nhận ca bệnh nặng và không có tử vong.

Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Đối tượng là người già, trẻ em thường dễ mắc bệnh do sức đề kháng kém. Ảnh: Thanh Tiến.

Đối tượng là người già, trẻ em thường dễ mắc bệnh do sức đề kháng kém. Ảnh: Thanh Tiến.

Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc… Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh, tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp nhất là ở những nơi tập trung đông người, các trường học. Hơn nữa, sau khi mắc bệnh, miễn dịch để lại không bền và không bảo vệ được đối với chủng cúm mới nên mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh cúm ở cả người lớn và trẻ em nhưng bệnh diễn biến nặng thường gặp ở nhóm người có nguy cơ cao như: người già yếu, người mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Bác sỹ Hà Thị Thanh Liêm, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái cho hay, từ tháng 1 đến nay, khoa đã tiếp nhận gần 100 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh cúm A, B đến điều trị. Trong đó, đa phần các bệnh nhân có dấu hiệu biến chứng sang phổi. Tuy nhiên, các y bác sỹ kịp thời can thiệp, điều trị, không có ca bệnh nặng phải điều trị tích cực, chuyển tuyến…

Nhiều người chủ động tiêm vacxin phòng cúm

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm, với các ca mắc có xu hướng gia tăng, để phòng bệnh, nhiều người dân ở Yên Bái đã tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tiêm vacxin phòng cúm. Trong thời gian gần đây, số lượng người đăng ký tiêm chủng tại các cơ sở y tế tăng cao, trong số đó nhiều người đến để tiêm vacxin cúm. 

Bác sỹ Sái Thị Thúy - Phụ trách Phòng tiêm chủng POTEC 52 Yên Bái thuộc Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An (thành phố Yên Bái) cho biết, sau thông tin nhiều ca bệnh biến chứng nặng và tình hình dịch cúm tại nhiều nơi trên cả nước, số lượng người dân đến tiêm chủng tại Phòng khám tăng lên rõ rệt. Trước đây nếu một ngày trung bình chỉ 15 - 20 người đến tiêm thì hiện nay lượng khách đến tiêm chủng trung bình từ 150 - 160 người, trong đó chủ yếu là tiêm vacxin phòng cúm.

Nhiều người dân đã chủ động tới các cơ sở y tế để tiêm vacxin phòng cúm. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều người dân đã chủ động tới các cơ sở y tế để tiêm vacxin phòng cúm. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Bùi Thị Khánh ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã đưa cả gia đình đến tiêm chủng vacxin cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Yên Bái. Đây là biện pháp phòng cúm được gia đình chị duy trì thực hiện trong 3 năm qua.

Chị Khánh chia sẻ: “từ sau dịch Covid 19 đến nay, năm nào tôi cũng đi tiêm vacxin cúm để cả gia đình được bảo vệ khỏi các chủng virus cúm khác nhau. Sau khi tiêm, thỉnh thoảng vẫn mắc cúm nhưng bệnh sẽ nhẹ và nhanh khỏi hơn trước”. 

Tiêm vacxin phòng cúm đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể, giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm.

Theo bà Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái, cách tốt nhất để phòng bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vacxin cúm hàng năm. Vacxin tạo ra một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus hiệu quả đến 97%.

Bên cạnh đó, người dân cần giữ ấm cho cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước và sau khi ăn, vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách. Thực hiện tập thể dục và sống lành mạnh, tránh đến những nơi có người bị mắc bệnh cúm mùa, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh về hô hấp; đeo khẩu trang ở những nơi công cộng như cửa hàng, siêu thị, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và những nơi đông người.

Bên cạnh tiêm chủng thì người dân cần vệ sinh cá nhân và giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh tiêm chủng thì người dân cần vệ sinh cá nhân và giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân cần làm gì khi nhiễm cúm

Khi có các dấu hiệu nghi mắc cúm, khuyến cáo người bệnh cần nghỉ ngơi để giúp cơ thể phục hồi; nên nghỉ làm, nghỉ học cho đến khi giảm các triệu chứng. Ngoài việc giúp cơ thể phục hồi, việc ở nhà còn ngăn ngừa lây lan bênh cúm sang những người khác trong cộng đồng hoặc nơi làm việc.

Một triệu chứng của bệnh cúm là sốt cao, có thể dẫn đến mất nước. Người mắc cũng có thể bị nôn hoặc tiêu chảy, khiến cho cơ thể mất nước nhiều hơn. Ngoài nước lọc, có thể uống trà thảo dược hoặc trà với mật ong giúp làm dịu các triệu chứng và cung cấp nước cho cơ thể.

Đặc biệt, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Ngoài ra, đối với những nơi xuất hiện ổ dịch cần được khoanh vùng điều trị triệt để, tránh lây lan sang các khu vực lân cận. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành phun khử khuẩn, tẩy trùng, khám sàng lọc cho các hộ gia đình trong khu vực, thực hiện các biện pháp y tế đảm bảo an toàn cho người dân.

Xem thêm
Thanh Hóa tinh gọn đầu mối nhiều đảng đoàn và ban cán sự đảng cấp tỉnh

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã công bố các quyết định về việc kết thúc hoạt động của 8 đảng đoàn, 3 ban cán sự đảng cấp tỉnh.

Có thể tiết kiệm hơn 600 triệu m3 sau 2 đợt lấy nước đổ ải

Ngày 10/2, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tổ chức kiểm tra công tác lấy nước đợt 2 phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 tại tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Trà Sơn, tay em cầm nhật thực

Câu chuyện kinh tế trang trại, làm giàu nhờ trang trại từ vùng Trà Sơn, Can Lộc, minh chứng hùng hồn, không có gì tuyệt vời bằng làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Bình luận mới nhất