Liên tục đảo chiều
Theo anh Nguyễn Văn Bình (42 tuổi) ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), người đã có 15 năm lấy nghề nuôi heo làm nguồn thu nhập chính cho gia đình, chưa bao giờ anh thấy chỉ trong thời gian rất ngắn mà giá heo lên xuống đến chóng mặt như vừa qua.
Anh Bình cho biết: 10 ngày cuối tháng 10 vừa qua tôi xuất bán 20 con heo trọng lượng đạt 80 kg/con với giá 33.000 đ/kg hơi thì chỉ mấy ngày sau, vào ngày 26/10, giá heo bỗng tăng vút lên đến 44.000 đ/kg. Đến ngày 29/10, giá heo tiếp tục leo thang, heo nuôi trong nông hộ có giá 50.000 đ/kg, còn heo siêu thịt nuôi trong trang trại theo hướng an toàn sinh học có giá từ 53.000 - 55.000 đ/kg.
Đến ngày 31/10, giá heo lại bỗng hạ thấp, heo nuôi trong nông hộ chỉ còn 42.000 đ/kg, còn heo siêu nạc 45.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Quý ở xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), người vừa bán hơn 40 con heo lứa vào cuối tháng 10 vừa qua, đúng thời điểm giá heo nhỉnh lên, chia sẻ: “Gia đình tôi xuất mới bán hơn 40 con heo thịt vào cuối tháng 10 với giá 49.000 đ/kg, hiện trong chuồng nhà tôi còn khoảng 30 con sẽ xuất chuồng trong khoảng giữa tháng 11 tới. Giá heo đã hiện đã nhỉnh lên, là động lực để tôi thả giống nuôi tiếp 300 con để đón đầu thị trường dịp cuối năm”.
Theo phân tích của anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Phú Thuận (xã Ân Đức), nếu giá heo ổn định kéo dài với mức trên 50.000 đ/kg hơi, người chăn nuôi sẽ mạnh dạn tái đàn. Bởi, giống heo Pidu mà người chăn nuôi ở Hoài Ân thường nuôi trong hộ hiện đã giảm 1 nửa giá, từ 1,4 triệu đồng/con hạ xuống chỉ còn 700.000 đ/con, khi xuất bán với giá 50.000 đ/kg người chăn nuôi sẽ có lãi.
“Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ giá cũ là thách thức lớn với người chăn nuôi hiện nay. Tôi nuôi heo 15 năm nay, chưa bao giờ thấy thức ăn chăn nuôi hạ giá. Giá cứ tăng theo từng thời điểm rồi dừng lại đó, sau đó tăng thêm và giữ giá ấy. Sau đó tiếp tục tăng thêm, cứ thế tăng miết miết đến nay. Ví như từ đầu năm đến nay, 1 bao thức ăn chăn nuôi loại 25 kg đã tăng gần 100.000 đ/bao. Khi người chăn nuôi phản ứng thì đại lý chỉ hỗ trợ 5 - 7 ngàn đồng/bao chứ đơn giá vẫn giữ nguyên”, anh Bình bộc bạch.
Trước tình hình giá heo “lên đồng" đến chóng mặt như hiện nay, cộng với giá thức ăn chăn nuôi vẫn yên vị ở mức cao ngất và dịch bệnh vẫn đang rình rập, dù người chăn nuôi đang rất háo hức đẩy mạnh tái đàn để đón đầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 nhưng vẫn rất dè dặt.
Chị Trần Thị Lệ ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), thường xuyên có trong 2 dãy chuồng 700 con heo thịt nhưng nay hiện trong chuồng của bà Lệ chỉ có khoảng 100 con.
“Mình chăn nuôi heo chuyên nghiệp thì phải chấp nhận cái giá từng thời điểm, có lúc thắng thì phải có lúc thua, nhưng đồng vốn vẫn được bảo toàn. Tôi sợ nhất là dịch bệnh, chỉ có dịch bệnh mới lấy hết vốn của mình. Thấy dịch tả lợn Châu Phi còn hoành hành tại nhiều địa phương, tôi sợ tái đàn mạnh lỡ dính dịch là hết vốn, nên thận trọng để xem diễn biến của dịch bệnh rồi mới tính đến chuyện tái đàn mạnh”, bà Lệ bộc bạch.
Khuyến khích tái đàn, an toàn sinh học
Biến động giá heo ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng không ngoại lệ, từ ngày 27 - 29/10, giá heo hơi ở đây đứng mức 48.000 - 50.000 đ/kg, hiện cũng đã giảm còn hơn 40.000 đ/kg.
Trong bối cảnh giá heo liên tục biến động và dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn rình rập, ông Huỳnh Tiến Thảo, chủ trang trại nuôi heo ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân (Thị xã An Nhơn) đã chuyển đổi từ cách nuôi heo thông thường sang nuôi an toàn sinh học để bảo toàn đàn heo. Trong 2 trang trại có diện tích 600 m2, ông Thảo nuôi 30 con heo nái sinh sản để chủ động nguồn giống và thường xuyên duy trì tổng đàn heo thịt khoảng 300 con.
“Nuôi heo theo hướng an toàn sinh học mình có thể hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch bệnh trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn rình rập. Đặc biệt, với phương thức nuôi này, mình có thể linh hoạt kéo dài thời gian nuôi nếu gặp lúc thị trường không thuận lợi, giảm áp lực phải bán tháo khi giá heo giảm mạnh để tránh thua lỗ”, ông Thảo nói.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, qua 9 tháng đầu năm 2021, tổng đàn heo ở Bình Định đạt 639.250 con, giảm 2% so cùng kỳ năm trước. Riêng đàn heo ở huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là "vựa heo lớn nhất miền Trung" chỉ còn hơn 195.000 con, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện Bình Định đang tập trung động viên các trang trại, gia trại chăn nuôi heo lớn trên địa bàn duy trì tốc độ tái đàn để có sản phẩm cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Chúng tôi hướng dẫn cơ sở chăn nuôi tiết kiệm chi phí đầu vào 1 cách triệt để. Ví như trước đây trong chuồng nuôi có 4 quạt hút gió hoạt động liên tục, thì trong giai đoạn này chỉ sử dụng 1 máy quạt để hút mùi nhằm tiết kiệm điện.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho heo để giảm chi phí đầu vào. Nếu trước đây cám cho heo ăn mua nguyên bao thì nay mua mua nguyên liệu ngô, sắn về tự phối trộn rồi pha thêm khoáng, chất canxi vào cho heo ăn, chất lượng cũng không thua kém mấy.
Hiện đầu ra của heo nuôi ở Bình Định vẫn tốt, nhất là thị trường Đà Nẵng vẫn ăn mạnh giống heo lai giữa heo siêu nạc và heo móng cái. Mỗi ngày 2 lò mổ ở TP Quy Nhơn mổ đều đặn 400 con heo thịt để cung ứng cho các chợ đầu mối, các lò mổ ở các địa phương cũng mổ mỗi ngày 500 con heo nữa”, ông Đào Văn Hùng cho hay.