Để tạo lập được vườn cây, nông dân phải tiêu tốn không ít công sức, tiền của. Thế nhưng trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều vườn cây của nông dân bị kẻ xấu lén lút lẻn vào chặt phá. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn đến tài sản mà còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân địa phương.
Dù không có mâu thuẫn, xích mích với ai nhưng mới đây, vườn điều 1,9ha của gia đình ông Chu Huy Luận ở thôn 6, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã bị kẻ xấu lẻn vào phá hoại không thường tiếc, gây thiệt hại lớn cho gia đình.
Qua kiểm đếm, rẫy điều của gia đình ông Luận có tổng số 127 cây bị chặt phá tan hoang, chỉ còn trơ gốc không thể khôi phục lại được. Diện tích điều này được gia đình ông Luận trồng năm 2017, trong đó có nhiều cây đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên rẫy điều của gia đình ông Luận bị các đối tượng lẻn vào phá hoại.
Trước đó, vào năm 2020, lợi dụng thời điểm không có người trông coi, kẻ gian cũng đã lẻn vào chặt phá hơn 200 cây điều. Mỗi lần bị phá hoại, ông đều báo cáo vụ việc lên Công an xã, chính quyền địa phương và Công an huyện Cư M’gar nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm…
Nhìn vườn điều đang phát triển tốt bỗng nhiên bị chặt phá, ông Luận buồn bã kể: “Thăm vườn vào ngày 27 Tết Quý Mão thì gia đình phát hiện rẫy điều đã bị kẻ gian chặt phá ngổn ngang. Nhìn vườn điều bị chặt sát gốc, vợ chồng tôi xót hết ruột gan, không có tâm trạng nào để đón Tết hay làm việc gì nữa. Rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc…”.
Thực tế cho thấy, tình trạng chặt phá cây trồng của người dân trên địa bàn huyện Cư M’gar không chỉ mới xảy ra mà đã diễn ra ở nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân, cũng như ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.
Theo thông kê của Công an huyện Cư M’gar, chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 3 vụ phá hoại cây trồng tại các địa phương. Tuy nhiên, đây chỉ là những vụ việc được người dân trình báo, trên thực tế, số vụ phá hoại cây trồng có thể cao hơn rất nhiều, bởi sau khi vụ việc xảy ra người dân không dám báo cơ quan chức năng vì lo sợ bị kẻ gian sẽ tiếp tục trả thù, lẻn vào rẫy tiếp tục phá hoại.
Các loại cây trồng bị các đối tượng phá hoại chủ yếu là các vườn cây công nghiệp lâu năm đã trưởng thành, có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, điều... Nhiều vụ xảy ra với tính chất, mức độ nghiêm trọng, thủ phạm đều có chủ ý không cho chủ vườn khôi phục lại được diện tích đã bị chặt phá, chính vì vậy, thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Điều đang nói, không chỉ ngang nhiên phá hoại các loại cây trồng đang cho thu hoạch, trên địa bàn huyện Cư M’gar đã từng xảy ra tình trạng các đối tượng còn liều lĩnh giết hại cả gia súc của người dân. Nhìn chung các vụ việc liên quan đến hủy hoại cây trồng thường xảy ra một thời gian chủ vườn mới phát hiện và trình báo với cơ quan chức năng nên gây khó khăn trong quá trình điều tra, phát hiện, xử lý…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, địa phương đã cử cán bộ đến hiện trường, kiểm đếm số cây trồng, tài sản bị phá hoại. Các vụ phá hoại dù xuất phát từ động cơ nào cũng sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nông dân. Hiện, xã đã báo cáo tình hình lên Công an huyện để điều tra, làm rõ hành vi phá hoại tài sản nói trên nhưng đến nay chưa phát hiện được thủ phạm….
Nạn phá hoại cây trồng đã gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân. Những vụ phá hoại dù xuất phát từ động cơ nào, dù công khai hay lén lút đều là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, thiệt hại về kinh tế và đời sống của người dân, nhất là gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn. Trước thực trạng này, rất cần sự quan tâm, khẩn trương vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương để xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại cây trồng nhằm răn đe, giúp người dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất.