| Hotline: 0983.970.780

Những 'thủ lĩnh' của người S’tiêng

Già làng Điểu Nắng và những bước chân không mỏi

Thứ Ba 18/07/2023 , 06:10 (GMT+7)

Không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh vùng biên giới, ông còn là một nghệ nhân nhạc cụ truyền thống, là một 'chuyên gia tư vấn' của dân làng.

Đó là già làng Điểu Nắng, năm nay 93 tuổi, ở sóc Ông Nắng ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

Chuyện sóc ông Nắng

Để gặp già làng Điểu Nắng, chúng tôi tìm đến đồn Biên phòng Lộc Thiện (tiền thân là đồn Biên phòng Tà Nốt), xã Lộc Thiện, nhờ các anh bộ đội dẫn đi, phần vì đây là vùng biên giới, hạn chế “đi lại lung tung”, phần vì các anh bộ đội và già làng là “người nhà”, các anh bộ đội ở đồn Lộc Thiện coi ông là “lão chiến sĩ biên phòng”, và gọi ông là bố Nắng.

Già làng Điểu Nắng. Ảnh: Hồng Thủy.

Già làng Điểu Nắng. Ảnh: Hồng Thủy.

Buổi sáng, thời tiết vùng biên giới Lộc Ninh còn mát, nắng vàng như mật rải đều trên những con đường trải nhựa với vạch kẻ đường còn trắng tinh. Ngồi phía sau xe máy tôi nghe tiếng Thiếu tá Trịnh Văn Vũ, chính trị viên đồn biên phòng Lộc Thiện thoảng trong gió nhẹ: “Ở đây bà con người đồng bào thiểu số địa phương thông thuộc đường ngang lối tắt vùng biên giới như lòng bàn tay, nên hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác tuần tra biên giới. Ngược lại, đồng bào có việc gì cần chúng tôi lại đến hỗ trợ. Riêng già làng Điểu Nắng rất được bà con kính trọng, không chỉ với người dân bản mà còn có uy tín với những người dân nước bạn Campuchia sát biên giới. Với anh em trong đơn vị, già coi như con cháu, sẵn sàng hỗ trợ mọi việc liên quan đến công tác dân vận. Già cũng là cầu nối cho mối quan hệ quân dân giữa đơn vị và dân làng”.

Năm nay đã 93 tuổi, dù làn da không còn săn chắc, nhưng bàn tay thô ráp và cái nắm tay chặt của già cho thấy sức khỏe của ông còn rất tốt. Ánh mắt nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu của già khiến tôi thấy gần gũi, thân thiện ngay từ giây phút đầu tiên gặp già làng. “Già còn theo chúng tôi đi tuần đường biên cả buổi, nhiều anh em mới chưa đi quen, theo già hụt hơi đấy”, anh Vũ cười nói.

Thiếu tá Trịnh Văn Vũ (thứ 2 từ trái qua), Chính trị viên đồn biên phòng Lộc Thiện: 'Bố Nắng là một già làng mẫu mực, có công lớn trong việc bảo vệ sự bình yên vùng biên giới'. Ảnh: Hồng Thủy.

Thiếu tá Trịnh Văn Vũ (thứ 2 từ trái qua), Chính trị viên đồn biên phòng Lộc Thiện: "Bố Nắng là một già làng mẫu mực, có công lớn trong việc bảo vệ sự bình yên vùng biên giới". Ảnh: Hồng Thủy.

“Nghe nói hồi thanh niên, già nuôi giấu bộ đội, cùng bộ đội chiến đấu trong chiến tranh biên giới, rồi đánh Fulro, nhiều thành tích lắm?”, tôi hỏi. Già đáp: “Không có làm gì nhiều đâu. Hồi đó già muốn đi bộ đội, cầm súng đánh giặc. Nhưng cán bộ bảo ở nhà, vì nhiều việc ta làm được, người khác không làm được. Sau đó thì cán bộ bảo mình đào hầm bí mật cho cán bộ ở, rồi đưa bộ đội đi đường rừng, đường tắt để tránh địch phát hiện, đưa bộ đội đi đường tắt để đánh địch bất ngờ. Đây đúng là những việc ta làm giỏi không ai bằng”.

Nghe đến đây, anh Vũ nói thêm: “Một nhiệm vụ rất quan trọng khác mà chỉ có già làng làm được, đó là công tác dân vận. Vì đồng bào thiểu số dễ tin lời kẻ xấu xúi giục, nên cần tiếng nói của già làng. Những năm chiến tranh biên giới, già cũng là người tiên phong cùng bộ đội đào hào, lập công sự, cùng bộ đội đánh Pol Pot. Vùng này hồi đó những thành phần phản động ở bên kia xâm nhập hoài. Nên những người dân thuộc lòng từng lối mòn như già làng hỗ trợ chúng tôi rất nhiều”.

Già làng Điểu Nắng (áo đen) cùng các chiến sĩ đồn Biên phòng Lộc Thiện trong một chuyến đi tuần tra đường biên giới.

Già làng Điểu Nắng (áo đen) cùng các chiến sĩ đồn Biên phòng Lộc Thiện trong một chuyến đi tuần tra đường biên giới.

“Nghe mọi người gọi sóc Ông Nắng, có phải mang tên già làng không?”, tôi hỏi tiếp. Trong khi già làng Điểu Nắng vẫn chỉ cười, kiệm lời, thì anh Vũ giải thích, đúng rồi. Đây là ấp Vườn Bưởi, nhưng bà con đồng bào gọi là sóc Ông Nắng.

Trong chiến tranh, ấp này là một trong những điểm nóng bị bom đạn cày xới hoang tàn, xơ xác. Sau chiến tranh, bà con dân làng lại bị bọn phản động Fulro xâm nhập, tuyên truyền chống phá cách mạng, chống phá sự đoàn kết dân tộc và nhân dân hai bên biên giới, xúi giục người dân vượt biên trái phép, làm việc xấu cho chúng, tình hình an ninh rất phức tạp.

Lúc đó, chính quyền rất vất vả, nếu không có những người như già làng Điểu Nắng thì chắc chắn khó khăn nhiều gấp bội. Khi đó, già đứng ra cùng chính quyền một mặt khuyên nhủ, giải thích cho bà con hiểu, mặt khác hỗ trợ họ ổn định cuộc sống, chia sẻ với họ từ hạt gạo đến tấm áo, hỗ trợ sản xuất…, nhờ vậy, tình hình ổn định dần.

Ấp Vườn Bưởi được thay da đổi thịt và được như hôm nay là có công lớn của già làng. Vì thế, mọi người mới lấy tên già làng làm tên mới cho sóc.

Đồn biên phòng đi đâu, già theo đến đó

Anh Vũ cho biết, theo ghi chép của đồn, thì những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, đồn biên phòng là một trong những mục tiêu bị địch đánh phá nhiều nhất của bọn giặc Pôn Pốt. Vì thế, phải thường xuyên chuyển chỗ ở. Và mỗi lần đồn di chuyển, già làng Điểu Nắng lại cùng gia đình và bà con đi theo để hỗ trợ.

Theo lời kể của anh Vũ, những năm thập niên 80 thế kỷ trước, đời sống còn nhiều khó khăn, không chỉ dân mà quân cũng thiếu thốn đủ bề, khi đó, gia đình già làng có 3ha đất trồng lúa, trồng màu, ông cho bộ đội mượn 2ha để canh tác, tăng gia sản xuất, ông chỉ giữ lại 1ha trồng mì, lúa cho gia đình đủ ăn.

Già làng Điểu Nắng ngắm một trong số những chiếc chiêng cổ ông may mắn mua lại được từ người dân trong sóc khi họ nhất định muốn bán. Ảnh: Hồng Thủy.

Già làng Điểu Nắng ngắm một trong số những chiếc chiêng cổ ông may mắn mua lại được từ người dân trong sóc khi họ nhất định muốn bán. Ảnh: Hồng Thủy.

Sau chiến tranh biên giới, việc bảo vệ bình yên cho vùng biên giới cũng vô cùng gian nan khi các tổ chức phản động từ bên kia biên giới vẫn ngày đêm rình rập, tìm cơ hội xâm nhập trái phép để chống phá. Việc tuần tra, bảo vệ vùng biên giới không kém phần nguy hiểm. Lúc này, đôi mắt, đôi tai và đôi chân lội rừng không biết mệt của già làng Điểu Nắng tiếp tục góp sức cho bộ đội. Hàng ngày, ông cùng các thanh niên, trai tráng trong làng lên rẫy, kiêm thêm nhiệm vụ tuần tra. Mỗi khi phát hiện dấu hiệu xâm nhập đường biên trái phép, thấy người khả nghi, già lại cho người tức tốc về báo cho đồn biên phòng.

“Bộ đội cho người S’tiêng nhiều lắm rồi. Chỉ cho đồng bào cách trồng lúa, trồng điều, chăm sóc tiêu để ra nhiều trái hơn. Bộ đội còn giúp đồng bào biết đọc, biết viết. Cho nên, những gì ta làm cho bộ đội không nhiều gì đâu”, già làng nói.

Ngoài giỏi việc chung, việc xóm làng, già làng Điểu Nắng còn là người làm kinh tế giỏi. Hiện nay, 5 người con của ông đều có cơ ngơi riêng. Nhờ được già làng Điểu Nắng chia sẻ cách làm ăn, và học theo tính cần cù, chịu khó của ông, mà ở sóc Ông Nắng bây giờ nhà nào cũng nuôi vài con trâu, bò, heo, gà; lúa, khoai năng suất khá.

“Bây giờ bà con trong sóc hết nghèo rồi, không còn ai thiếu ăn nữa. Ngày lễ, Tết, nhà nào cũng có thịt, rượu ăn. Ngày xưa đường đất, nhiều lúc vừa đi vừa phát cỏ, cây xong mới có lối. Bây giờ đường trải nhựa hết rồi, ngõ xóm cũng có đường bê tông, nhà nào cũng có điện sáng, ti vi, tủ lạnh…thích lắm”, già làng nói.

Già làng Điểu Nắng (ngoài cùng bên trái) trong một buổi tập dượt đánh chiêng ở câu lạc bộ cồng chiêng sóc Ông Nắng.

Già làng Điểu Nắng (ngoài cùng bên trái) trong một buổi tập dượt đánh chiêng ở câu lạc bộ cồng chiêng sóc Ông Nắng.

Một trong những việc lớn khác mà già Điểu Nắng rất vui khi làm, đó là cố gắng gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc S’tiêng và những di sản quý mà tổ tiên để lại. Trong đó, đáng kể nhất là ông đã cố gắng bảo vệ những bộ chiêng quý của người S’tiêng không bị bán ra ngoài.

“Người S’tiêng có hàng chục loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, kèn, trống, đàn sáo… trong đó quý nhất là những bộ cồng chiêng cổ, mỗi bộ tùy kích cỡ, ngày xưa phải đổi cả mấy con trâu mới được, bây giờ là vô giá. Khi nghe tin có ai muốn bán, ta tìm đến ngăn họ đừng bán, còn nếu họ nhất định bán thì ta phải mua lại bằng được. Dù phải bán vài con trâu để có tiền mua ta cũng bán. Đây là linh hồn của dân tộc mình, là âm thanh của núi rừng, là cầu nối với các vị thần linh, với tổ tiên, ông bà, phải giữ lại để truyền dạy cho con cháu chứ”, già làng kể.

Từ nhiều năm nay, già làng Điểu Nắng đã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng sóc Ông Nắng với đủ các thành phần lứa tuổi, từ người lớn đến trẻ em, để truyền dạy các loại nhạc cụ truyền thống, từ đánh cồng chiêng, luyện tập diễn xướng, kể chuyện sử thi, dệt áo, đan gùi lên rẫy. “Bất kể giờ nào, ai muốn học, muốn hỏi cứ đến gặp, già chỉ cho”, già làng nói.

“Ở sóc Ông Nắng từ trước đến nay gần như không có tệ nạn xã hội, người dân chấp hành rất tốt các quy chế biên giới. Đó là nhờ uy tín của già làng Điểu Nắng đối với đồng bào. Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở sóc Ông Nắng phối hợp với đồn biên phòng Lộc Thiện trong công tác tuần tra, bảo vệ đường biên, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn rất hiệu quả. Có thể nói, già Điểu Nắng là người mẫu mực, điển hình trong phong trào thi đua yêu nước và bảo vệ chủ quyền biên giới của huyện Lộc Ninh”, Thiếu tá Trịnh Văn Vũ, chính trị viên đồn biên phòng Lộc Thiện, nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.