Nhỏ lẻ giảm, doanh nghiệp tăng
Theo ông, giá lợn hơi hiện nay đã phản ánh đúng cung cầu hay chưa?
Theo tôi, việc giá lợn hơi đang được bán tại miền Nam khoảng 50.000 - 51.000 đồng và miền Bắc 51.000 - 52.000 đồng/kg là hợp lý và đúng thực tế. Tuy nhiên, nếu thời gian tới giá lợn xoay quanh trục 45.000 - 50.000 đồng, tôi cho rằng phù hợp, bền vững hơn.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương |
Bởi theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2018, tổng đàn lợn nái giảm 11%, lợn thịt giảm 6% và sản lượng thịt lợn giảm 1,2%, tuy nhiên sang quý II/2018 sản lượng thịt lợn đã tăng lên 0,4% so với quý I và dự kiến tăng 1,5 - 2% vào quý III, quý IV nên thời gian tới nguồn cung sẽ tốt hơn.
Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, khủng hoảng giá lợn kéo dài gần 2 năm qua khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ giảm rất mạnh, song khu vực trang trại, DN vẫn tăng trưởng. Cụ thể, Dabaco Việt Nam tăng 21% đàn nái, C.P tăng 9%, CJ Vina tăng 27%...
"Thực tế, tổng nguồn cung thịt lợn nội địa không thiếu nhiều, chỉ cá biệt có một số vùng thiếu cục bộ khiến giá tăng lên 56.000 - 58.000 đồng/kg. Nguyên nhân, do chăn nuôi nông hộ sụt giảm mạnh nên các thợ giết mổ nhỏ lẻ không mua được lợn của các trang trại, DN do họ chỉ bán theo lô với số lượng lớn. Cộng với thiên tai, lũ lụt nên một vài nơi, chủ yếu là nông thôn thợ thịt nhỏ lẻ phải chấp nhận mua qua tay lái buôn hoặc mua lợn của những hộ dân còn sót lại cao hơn thị trường chung vài ba giá". Ông Nguyễn Xuân Dương |
Số liệu này chúng tôi khẳng định có cơ sở bởi qua tính toán, giám sát nhập khẩu lợn cụ kỵ, ông bà, bố mẹ cũng như sản lượng NK và sản xuất TĂCN có thể kiểm chứng được.
Giá lợn có thể duy trì thời gian dài?
Theo ông, giá lợn hơi tới đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
Theo tôi, thời gian tới giá lợn sẽ hạ nhiệt so với mức giá hiện tại, tuy nhiên trục giá 45.000 - 50.000 đồng có thể còn được duy trì đến sau Tết Âm lịch 2019. Đây là cơ hội tốt để người chăn nuôi lợn gỡ lại phần nào thua lỗ lớn kéo dài gần 2 năm qua cũng như có nguồn vốn để tái đầu tư.
Nhưng như tôi đã đề cập và nhấn mạnh, với giá thành 38.000 - 40.000 đồng/kg, giá lợn nếu duy trì được trục 45.000 - 50.000 đồng là tốt nhất, bởi mức giá đó người chăn nuôi có lợi nhuận và người tiêu dùng chấp nhận được giá thịt.
Tuy nhiên, nếu giá lợn hơi tăng lên trên 55.000 đồng và kéo dài lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và rủi ro bởi trước mắt làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, và có thể đến một thời điểm nào đó sẽ kích hoạt người dân tái đàn ồ ạt. Chưa kể, nếu giá lợn quá cao so với mặt bằng chung của thế giới sẽ tạo cơ hội cho thịt lợn nước ngoài thẩm thấu mạnh vào Việt Nam.
Vậy với nền kinh tế thị trường hiện nay, làm sao để duy trì được giá lợn hơi hợp lý, thưa ông?
Để ổn định giá lợn cũng như có khuyến cáo kịp thời cho người chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và gần đây nhất Bộ NN-PTNT có công văn số 5693 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP thống kế và có giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn.
Thời gian tới, ngành chăn nuôi và các địa phương đặc biệt chú ý tới việc tiêm phòng vacxin trên lợn |
Theo đó, Bộ yêu cầu các tỉnh, TP phải rà soát và nắm thật chắc số lượng đàn nái, đầu đàn và đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Thông tin chính xác, kịp thời, khách quan về nguồn cung giá lợn thịt và giá thịt lợn. Tạo mọi điều kiện lưu thông các sản phẩm chăn nuôi nội địa nhằm hạn chế việc thiếu cục bộ.
Một giải pháp tạm thời trước mắt nhằm giúp giá lợn không bị tăng quá nóng là giúp giết mổ nhỏ lẻ có điều kiện tiếp cận với nguồn cung lợn từ doanh nghiệp và trang trại.
Ngoài nhiệm vụ thông tin, định hướng kịp thời của cơ quan quản lý, để duy trì được giá lợn ổn định, theo tôi vai trò của DN lúc này quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm chín muồi để các DN nội địa lớn thể hiện vai trò, trách nhiệm với ngành chăn nuôi nói riêng và xã hội nói chung, qua đó cố gắng làm sao giữ giá lợn ổn định, không quá thấp cũng không quá cao.
Bởi nếu không bảo được nhau, cuối cùng khi xảy ra khủng hoảng không chỉ người dân mà DN cũng sẽ chịu ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn như trong quá khứ.
Theo ông hiện nay người chăn nuôi có nên tái đàn hay không?
Như tôi đã phân tích ở trên, nếu thực hiện tốt việc định hướng, thông tin cũng như sự chung tay của DN, tôi dự đoán giá lợn có thể duy trì mức 45.000 - 50.000 đồng trong thời gian dài nữa, nên người dân có thể tái đàn ở mức độ vừa phải.
Tuy nhiên, chỉ những hộ nào chăn nuôi chuyên nghiệp, có kỹ năng quản trị tốt, kiểm soát con giống tốt, gắn với phân khúc thị trường, đầu ra mới nên tái đàn, riêng chăn nuôi nhỏ lẻ kiểu “đắt nuôi rẻ bỏ” nên tìm kiếm công việc khác sẽ tốt hơn.
Với DN, trang trại lớn, đây là lúc tăng cường theo hướng giết mổ tập trung quy mô công nghiệp. Liên kết chăn nuôi nông hộ theo chuỗi khép kín gắn với thị trường đầu ra.
Hiện Bộ NN-PTNT đang trong quá trình hoàn thiện TCVN về thịt lợn mát là khung hành lang pháp lý rất thuận lợi cho DN đầu tư nhà máy giết mổ theo đúng tiêu chuẩn thế giới. Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi tới đây cũng có quy định rất rõ rang, không chỉ điều kiện môi trường mà còn cả điều kiện thị trường nên DN cần vào cuộc ngay từ thời điểm hiện tại là vừa.
Xin cảm ơn ông!
Sau thời gian dài khủng hoảng giá xuống thấp nên người chăn nuôi có chút lơ là với việc tiêm phòng vacxin trên đàn lợn nái, nên thời gian tới ngành chăn nuôi và các tỉnh, TP cần đặc biệt chú ý khâu phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc gia cầm. Phải tạo điều kiện tốt nhất để người chăn nuôi được dùng vacxin tốt, giá cả hợp lý và kịp thời, tránh để xảy ra hiện tượng khan hiếm vacxin cục bộ. |