| Hotline: 0983.970.780

Giá lợn hơi tăng chóng mặt, Đáng lo hơn mừng!

Thứ Sáu 03/08/2018 , 08:19 (GMT+7)

Từ chỗ khủng hoảng trầm trọng, chỉ trong vòng hơn 3 tháng nay, giá lợn hơi tăng nhồng lên một mạch như “ngựa bất kham”, có nơi lên tới 56 - 57 nghìn đồng/kg.

Giá cao, người nuôi lợn vui vì gỡ gạc được phần nào thua lỗ từ cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua. Nhiều ý kiến lại lo ngại, giá lợn hơi quá cao là điều đáng lo hơn đáng mừng!
 

Người nuôi lợn chưa hết hoàn hồn

Tại phía Bắc, giá lợn hơi đã có thời điểm lên tới 56 - 57 nghìn đồng/kg, hiện đang ổn định ở mức tới 55 - 56 nghìn đồng/kg, nhưng gần như cú sốc sau cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 đến nay khiến tâm lí người chăn nuôi không khỏi dè chừng. Ghi nhận của NNVN tại Nam Định, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn không dám tái đàn. Họ lo ngại giá lợn cao như hiện nay sẽ khó mà duy trì được lâu dài nên vẫn đành bỏ trống chuồng, dù cho giá lợn đang ở mức vô cùng hấp dẫn.

18-07-27_nh_1
Nhiều hộ chăn nuôi lợn tại Nam Định vẫn bỏ chuồng trống, dù giá lợn đang sốt

Hải Hậu là một trong những huyện chăn nuôi lợn lớn nhất của tỉnh Nam Định, tập trung ở các xã Hải Đông, Hải Đường, Hải Tây… Hải Đông là một trong những xã phát triển mạnh mô hình chăn nuôi lợn với nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn.

Theo lãnh đạo xã Hải Đông, khoảng 3 năm về trước, toàn xã có hơn 100 trang trại, gia trại nuôi lợn. Tuy nhiên, cơn bão giá lợn có thời điểm chỉ còn 18 nghìn đồng/kg từ năm 2016 - 2017 đã khiến nhiều chủ trang trại, gia trại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hiện tại, số trang trại, gia trại nuôi lợn trên địa bàn xã Hải Đông chỉ còn khoảng 50 trang trại, gia trại cầm chừng với số lượng rất nhỏ, không còn cảnh tấp nập những chuyến xe chở lợn đi tiêu thụ mặc dù giá đang rất cao.

Vài năm trước, gia đình anh Nguyễn Ngọc Năng (xóm Trần Phú, xã Hải Đông) là một trong những hộ chăn nuôi lợn với số lượng lớn. Mỗi lứa, gia đình anh nuôi bình quân khoảng 200 con lợn thịt. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 4/2017, giá lợn xuống thấp, đầu ra khó khăn nên gia đình anh thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, nơi từng giúp gia đình chị có của ăn của để, chị Lượm (vợ anh Năng) ngao ngán: Hiện tại, toàn bộ trang trại của gia đình chị đang bỏ hoang, “treo” chuồng đã hơn 4 tháng nay. Những ô chuồng sắt trong trang trại đang có dấu hiệu hoen gỉ. Màng nhện bủa vây trên trần nhà.

Chị Lượm bảo, mặc dù giá lợn đang rất cao, nhưng gia đình chị vẫn chưa vững tâm lý để chăn nuôi trở lại. Hơn nữa, kinh tế gia đình khánh kiệt, không có vốn để tái lại đàn. “Thiệt hại kinh tế quá lớn nên gia đình chưa muốn nuôi tiếp”, chị Lượm ngán ngẩm.

Cách đó không xa, hộ ông Nguyễn Văn Tấn cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian “bão” giá lợn. Có kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi lợn, nhưng theo ông, chưa khi nào ông lâm vào tình cảnh khốn đốn như sau cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017. Nhà ông Tấn có 2 trang trại lợn (gồm lợn thịt và lợn nái). Tổng đàn lợn trước đây mỗi năm dao động 130 - 150 con, bây giờ chuồng vẫn để trống, gia đình ông rơi vào cảnh nợ nần, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Hỏi, giá lợn đang có hấu hiệu tăng mạnh sao gia đình không tái đàn mới trở lại, ông Tấn phân tích: Một lứa lợn phải nuôi ròng rã 4 tháng trời thì mới được xuất chuồng. Hiện tại, mặc dù giá lợn có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa biết đường nào mà lần. Hiện ông chỉ nuôi khoảng 40 con cầm chừng, giảm 80% số lượng so với mọi năm.
 

Canh bạc tái đàn

Chúng tôi liên lạc với ông Trần Văn Chiến, GĐ HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây) khi vị này đang tất bật lên tận Sơn La đầu tư một trang trại chăn nuôi lợn.

Ông ngán ngẩm cho biết: Trước đây, số hộ chăn nuôi lợn của HTX Cổ Đông lên tới 110 - 120 hộ thì sau cuộc khủng hoảng giá lợn, đến nay, ngoại trừ các trang trại gia công cho các tập đoàn nước ngoài, các trang trại chăn nuôi lợn tư nhân trong HTX gần như tan tác. Khoảng 60% số hộ nuôi lợn tư nhân trước đây đã phải rời bỏ nghề, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những hộ nuôi lợn còn lay lắt lại của HTX như ông, hiện đang phải tìm đường lên các tỉnh miền núi phía Bắc đầu tư chăn nuôi.

Về việc giá lợn tăng rất cao thời gian qua, ông Chiến không tỏ ra mấy hứng khởi. Ông phân tích: Mặc dù thời gian qua, giá lợn hơi phía Bắc liên tục tăng, hiện đang 55 - 56 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá thức ăn và hàng loạt vật tư đầu vào như thuốc thú y cũng đang ồ ạt “tát nước theo mưa”.

Cụ thể giá thức ăn (chiếm khoảng 70% giá thành) đã tăng khoảng 15 - 17%. Giá con giống từ chỗ chỉ 400 - 500 nghìn đồng/con, hiện đã lên 1,1 - 1,2 triệu đồng/con cũng khó mua. Vì vậy, việc khan hiếm thịt lợn và giá lợn tăng cao thời gian qua thực ra chỉ giúp những hộ chăn nuôi lợn còn cầm cự được từ sau đợt khủng hoảng cách đây 5 - 6 tháng. Đối với những hộ mới vào giống tái đàn muộn gần đây, sẽ khó mà hi vọng có lãi cao, bởi giá lợn cao hiện nay khó mà có thể nói được sẽ duy trì được trong bao lâu, trong khi giá thành đang tăng lên chóng mặt.

18-07-27_nh_2
Nhiều chuyên gia cho rằng cần thận trọng khi tái đàn lợn thời điểm này

Ông Chung Kim, Tổng giám đốc Cty TNHH và Chế biến gia súc Kim Long (Bình Dương) cho biết: Giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam vẫn đang duy trì ổn định ở mức cao, khoảng 50 - 51 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với miền Bắc khoảng 4 - 5 giá. Sở dĩ có sự chênh lệch này bởi số trang trại chăn nuôi lớn tại các tỉnh phía Nam vượt qua được cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 có tỉ lệ cao hơn so với phía Bắc vốn có tỉ lệ trang trại nhỏ bị phá sản lớn hơn, nên nguồn lợn thịt tại phía Nam hiện vẫn dồi dào hơn. Theo ông Chung Kim, mặc dù giá lợn hiện đang ở mức cao, tuy nhiên tâm lí e dè khi tái đàn vẫn đang bao trùm.

“Cty chúng tôi hiện cũng đang ngừng SX giống lợn, một số DN cũng chưa SX giống lợn mới, nhưng thị trường lợn giống vẫn chưa có biểu hiện sốt giá do số trang trại hỏi mua giống lợn vẫn khá trầm lắng”, ông Kim cho biết.

Trong khi đó vị này cho biết thêm, hiện tại, có thông tin hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong ngành chăn nuôi tại phía Nam lại đang ào ạt tái đàn. Điều này càng khiến các trang trại nhỏ ái ngại, bởi nguồn lợn thịt trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ dồi dào trở lại khi các Cty FDI tung lợn thịt ra thị trường nên giá lợn khó mà khan hiếm và giá cao kéo dài. Vì vậy, hiện các trang trại ở phía Nam, nhất là các hiệp hội chăn nuôi lớn tại Bình Dương vẫn đang chủ trương cẩn trọng trong tái đàn, chỉ tập trung tối đa cho việc hạ giá thành chăn nuôi.

“Hiệp hội chăn nuôi heo tại Bình Dương chúng tôi đang triển khai nhiều mô hình chăn nuôi lợn với giá thành chỉ 27 - 28 nghìn đồng/kg để chống chọi với những biến động giá lợn có thể xẩy ra trong tương lai. Đối với các trang trại nhỏ, tôi cho rằng việc hạ giá thành cũng là điều cần thiết nhất, chứ không nên bằng mọi giá chấp nhận SX với giá thành cao và tái đàn trong thời điểm này, bởi rủi ro vô cùng lớn”, ông Kim Chung khuyến cáo.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất