| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa cao, nông dân thần tốc xuống giống vụ hè thu

Thứ Bảy 10/04/2021 , 16:08 (GMT+7)

Nông dân ĐBSCL không chỉ thần tốc xuống giống mà còn mạnh dạn đầu tư cho vụ lúa hè thu 2021 nhằm tận dụng thời cơ giá lúa đang ở mức cao.

Tranh thủ làm đất xuống giống

Vụ lúa đông xuân nông dân ĐBSCL không chỉ trúng mùa mà còn bán lúa giá rất cao, với mức lợi nhuận đạt cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Vì thế, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân đã hào hứng vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị nguồn lúa giống gieo sạ vụ hè thu. Tuy nhiên, nông dân không chủ quan mà chuẩn bị thật tốt trước khi xuống giống, tránh nguy cơ rủi ro do hạn mặn, sâu bệnh...

Sau khi thi hoạch lúa đông xuân, nông dân ĐBSCL tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm đất để xuống giống vụ lúa hè thu 2021 nhằm tranh thủ thời cơ giá tốt. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sau khi thi hoạch lúa đông xuân, nông dân ĐBSCL tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm đất để xuống giống vụ lúa hè thu 2021 nhằm tranh thủ thời cơ giá tốt. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tính đến thời điểm này, lúa đông xuân 2021 của TP Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm, nông dân đang tất bật vệ sinh đồng ruộng xuống giống vụ lúa hè thu đạt trên 60% diện tích trong tổng số 77.000ha.

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đưa ra lịch thời vụ gieo sạ lúa hè thu 2021 gồm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 19 - 25/3 và đợt 2 từ ngày 9 - 15/4. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương xây dựng lịch thời vụ và tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng khu vực cho phù hợp.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết, nông dân không nên vì lúa đang có giá cao mà xuống giống lúa hè thu một cách vội vã, không đảm bảo theo các quy trình kỹ thuật và thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất là 20 ngày nhằm cắt đứt mầm sâu bệnh.

Các cơ quan chức năng tại địa phương cần hướng dẫn, vận động nông dân tuân thủ lịch thời vụ được ngành chức năng khuyến cáo, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ, làm đất, chọn giống tốt và phù hợp.

Chú ý sản xuất các giống lúa chất lượng cao và sản xuất theo hướng an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện giá cả đầu ra của lúa gạo hàng hóa tương đối thuận lợi nhưng giá lúa về lâu dài nông dân cần tăng cường liên kết phát triển mô hình “cánh đồng lớn” gắn với hợp đồng bao tiêu của các doanh nghiệp để ổn định đầu ra, phòng tránh rủi ro.

Ông Nghiêm lưu ý, trước tình trạng lúa IR50404 có giá bán ở mức cao hơn và tương đương với một số loại lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2020-2021, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến cáo nông dân cần thận trọng, không nên ồ ạt tăng diện tích sản xuất loại lúa này trong vụ hè thu 2021 nhằm tránh rủi ro về đầu ra.

Nông dân ĐBSCL sử dụng máy phun hạt nhằm đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa hè thu 2021. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nông dân ĐBSCL sử dụng máy phun hạt nhằm đẩy nhanh tiến độ gieo sạ lúa hè thu 2021. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trong vụ hè thu 2021, nông dân cần chú ý hạn chế gieo trồng lúa IR50404 và các giống lúa cho gạo phẩm cấp thấp. Cần giữ tỷ lệ cơ cấu giống IR50404 dưới mức 15% diện tích. Thay vào đó, cần tăng cường sản xuất các loại lúa chất lượng cao, phấn đấu đạt tỷ lệ gieo trồng giống lúa chất lượng cao khoảng 85% trở lên, với các giống chủ lực như: OM 4218, OM 5451, OM 4900,OM 6976, OM 18…

Tại Kiên Giang, đến cuối tháng 3, dân trong tỉnh đã gieo sạ được trên 20.000 ha lúa hè thu sớm, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm trước đó khoảng 10 ngày. Các địa phương nông dân tập trung xuống giống nhanh và nhiều là Giồng Riềng (hơn 9.000 ha), Giang Thành (8.500 ha), Hòn Đất (gần 2.000 ha) và Gò Quao (338 ha).

Theo kế hoạch, trong tháng 4/2021 nông sẽ tập trung xuống giống đồng loạt vụ lúa hè thu 2021, diện tích sẽ tăng lên rất nhanh. 

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong những tháng đầu năm và còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Dự báo các nước châu Á, châu Âu sẽ duy trì và tăng mức độ nhập khẩu gạo từ những doanh nghiệp Việt Nam, nhằm đảm bao an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới

Chia sẻ nguồn nước tưới

Ngoài vấn đề dịch bệnh thì tình hình thiếu nước tưới cũng rất đáng lo ngại đối với vụ lúa hè thu 2021, do mùa khô hạn ở ĐBSCL chưa kết thúc. Do đó, các địa phương sẽ chỉ đạo xuống giống tập trung theo vùng và chia sẻ nguồn nước tưới với nhau.

Tại An Giang, dự kiến vụ hè thu 2021 toàn tỉnh xuống giống 230.000 ha, bắt đầu từ ngày 15/3 - 10/5 kết thúc xuống giống. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, vụ hè thu xuống giống ngay vào đợt khô hạn, có nguy cơ thiếu nước bơm tưới đối với những vùng cao, chính vì vậy ngành nông nghiệp lên kịch bản cụ thể, phân chia từng vùng để sản xuất đảm bảo ăn chắc.

Sử dụng máy sạ hàng, giúp tiết kiệm giống và đảm bảo mật độ gieo sạ hợp lý, giảm sâu bệnh gây hại. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sử dụng máy sạ hàng, giúp tiết kiệm giống và đảm bảo mật độ gieo sạ hợp lý, giảm sâu bệnh gây hại. Ảnh: Hoàng Vũ.

Lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước, chia làm 3 đợt như sau: Đợt 1 xuống giống từ 15-31/3, tập trung ở những vùng, tiểu vùng sản xuất 2 vụ/năm, tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, diện tích khoảng 20.000 ha. 

Đợt 2 từ 1-30/4, xuống giống vụ hè thu đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, diện tích khoảng 170.000 ha, tập trung tại tất cả các huyện. Đợt 3 xuống giống từ 1-10/5, tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2021 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2020-2021 muộn, diện tích khoảng 40.000 ha, rải rác tại các huyện Tri Tôn, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên.

Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau. 

Về cơ cấu giống lúa vụ hè thu 2021, An Giang phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống chủ lực, 4 - 5 giống bổ sung và vài giống triển vọng mới, cơ cấu một giống không quá 20% diện tích.

Theo ông Lâm, thời gian qua các giống lúa như: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine85, OM9577, OM4900, OM38… được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ hè thu 2021.

Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất như sau: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448, OM418... và tuyệt đối không gieo trồng các giống lúa chưa được Bộ NN-PTNT công nhận. 

Vụ hè thu 2021, nhiều nơi nông dân sử dụng máy cấy lúa, nhằm có thêm thời gian vệ sinh đồng ruộng, làm đất, đảm bảo thời gian cách ly mùa vụ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Vụ hè thu 2021, nhiều nơi nông dân sử dụng máy cấy lúa, nhằm có thêm thời gian vệ sinh đồng ruộng, làm đất, đảm bảo thời gian cách ly mùa vụ. Ảnh: Hoàng Vũ.

Nói về liên kết và tiêu thụ trong vụ lúa hè thu 2021, ông Lâm cho biết thêm, theo kế hoạch đăng ký từ các doanh nghiệp, vụ hè thu 2021 có tổng diện tích liên kết tiêu thụ là 64.825 ha, chiếm 28% diện tích dự kiến xuống giống với sự tham gia liên kết của 15 công ty và doanh nghiệp. 

Ông Trần Ngọc Hiệp, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết: Tôi đang làm đất để gieo sạ sớm vụ lúa hè thu tận dụng cơ hội giá lúa đang cao. Dự kiến gieo sạ vào ngày 6/4 và vụ này sử dụng giống lúa chất lượng cao OM5451. Hiện tôi đã mua lúa giống cấp xác nhận từ một cơ sở lúa giống có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng hạt giống, giúp cây lúa khỏe mạnh ngay từ lúc mới gieo sạ.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp Hậu Giang, vụ lúa hè thu 2021 toàn tỉnh sẽ gieo sạ 76.000 ha. Theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành, thời gian bắt đầu xuống giống đợt 1 từ ngày 28/3 - 4/4. Tuy nhiên, trước áp lực giá lúa cao, nhiều nông dân đã tranh thủ xuống giống sớm. Đến thời điểm này, nông dân Hậu Giang đã xuống giống được hơn 14.000 ha lúa hè thu, tập trung chủ yếu ở các địa phương thu hoạch sớm lúa đông xuân như: huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh.

Theo kế hoạch vụ hè thu 2021, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ trên 1,6 triệu ha. Riêng vùng ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Đến cuối tháng 3/2021 tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu ước trên dưới 400.000 ha, đạt 30% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ là 40.000 ha.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo, các địa phương vùng ĐBSCL cần xây dựng kế hoạch thời vụ chặt chẽ đối với từng tiểu vùng sinh thái. Trong đó lưu ý tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống tùy thuộc vào nguồn cung cấp nước thật hợp lý, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất khi vào vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2021.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm