| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa cao kỷ lục

Thứ Năm 20/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Trái ngược với dự đoán ban đầu, từ đầu tháng 8 đến nay giá lúa liên tục tăng. Giá lúa tăng trung bình 500 đồng/kg vào thời điểm này, nông dân ĐBSCL rất phấn khởi.

Một số ít diện tích lúa thu đông sớm ở TP Cần Thơ bắt đầu thu hoạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số ít diện tích lúa thu đông sớm ở TP Cần Thơ bắt đầu thu hoạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Doanh nghiệp, nông dân đều trúng đậm

Những ngày này đi về các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đa số các trà lúa thu đông trên đồng đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và trổ. Nhiều diện tích lúa chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là được thu hoạch. Lúa gạo đang được giá, nông dân càng chăm sóc kỹ càng hơn. Dự báo năm nay lũ nhỏ nên bà con rất yên tâm.

Ông Nguyễn Văn Hữu, ở phường Trung Thạnh, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) vừa thu hoạch xong 7 công lúa thu đông sớm vui vẻ cho biết: Vụ này làm rất khỏe, lúa từ khi sạ đến thu hoạch rất ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp. Ngày thu hoạch lúa, gặp trời nắng, máy gặt đập liên hợp vào cắt xong buổi sáng, buổi chiều thương lái mua ngay tại ruộng.

Anh Trần Thanh Nhã, thương lái thu mua lúa ở huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) cho biết: Giá lúa đang ở mức kỷ lục so với cùng kỳ khoảng 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, giá lúa IR 50404 bán tươi tại ruộng từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, còn các giống lúa chất lượng cao OM 957, OM 9582 giá 6.100 đồng/kg, lúa OM 6976 ở mức 6.000 đồng/kg, Jasmine 6.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 6.200 đồng/kg, Nàng Hoa 9 6.500 đồng/kg, lúa OM 5451 6.000 đồng/kg.

Theo anh Nhã, trước đó gần 2 tháng anh cùng một số lái lúa xuống tận nhà nông dân đặt cọc mua lúa thu đông khi vừa xuống giống được 15 - 20 ngày. Anh đặt tiền cọc trước bình quân 3 triệu đồng/ha. Theo đó, sẽ mua các giống như OM 5451, OM 4218, OM 380 với giá từ 5.400 - 5.600 đồng/kg. Còn các loại lúa thơm như Jasmine 85 và Ðài Thơm 8 giá 5.800 - 5.850 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá lúa hiện nay đã tăng vượt mức 6.000 đồng/kg. "Chúng tôi rất sợ nông dân bẻ kèo bán cho thương lái khác bên ngoài. Thế nên tôi phải thường xuyên điện thoại hỏi thăm tình hình, sợ giá lúa lên cao bà con bán cho lái khác”, anh Nhã nói.

Giá lúa hiện nay đang ở mức cao, giúp cho nhiều nông dân phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá lúa hiện nay đang ở mức cao, giúp cho nhiều nông dân phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chị Lưu Thị Mai, chủ doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Hiệp Quang ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cho biết: Hiện lúa hè thu ở ĐBSCL xem như cuối vụ. Lúa thu đông còn khoảng nửa tháng nữa mới bắt đầu vào vụ lúc đó thương lái mới đi thu mua.

Giá lúa đang tăng chóng mặt, doanh nghiệp chúng tôi mới khui kho khoảng 2.000 tấn lúa khô dự trữ từ vụ lúa đông xuân và hè thu đem ra xay gạo bán, có lãi khá.

Doanh nghiệp và nông dân trữ được lúa đều trúng đậm. Anh Trương Thanh Phong ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) sản xuất 3ha lúa chất lượng cao. Thông thường mỗi vụ anh chỉ bán 50% sản lượng lúa thu hoạch cho thương lái tại ruộng để lấy tiền thanh toán trả đại lý VTNN, số còn lại anh đều đem đi phơi khô cho vào kho dự trữ đợi thời điểm giá tốt mới kêu thương lái đến bán.

Cụ thể, vụ đông xuân và hè thu vừa qua anh Phong dự trữ 15 tấn lúa OM 5451, cách đây 3 ngày gia đình bán với giá 6.400 - 6.500 đồng/kg, cao hơn so với trước 1.200 - 1.300 đồng/kg.

Đảm bảo ăn chắc vụ thu đông

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang là một trong những tỉnh ít diện tích lúa hè thu muộn vì phải tranh thủ xuống giống sớm để né lũ.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch xong 230.000ha lúa hè thu, năng suất đạt trên 5,5 tấn/ha, cao hơn từ 80 - 150 kg/ha so với vụ lúa hè thu năm ngoái.

Mặc dù, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng ngược lại thị trường nội địa chuyển biến tốt hơn các năm trước. Đầu ra đang quá thuận lợi. Theo tính toán nông dân trồng lúa lãi ít nhất trên 2 triệu đồng/công.

Từ cơ hội này, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống lúa thu đông ở các khu có đê bao an toàn không bị ảnh hưởng khi lũ về. Đồng thời, chăm sóc tốt vụ lúa này để có nguồn thu nhập đáng kể từ lúa.

Vụ thu đông của An Giang được xem là vụ lúa sản xuất ăn chắc nhờ hệ thống đê bao tốt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ thu đông của An Giang được xem là vụ lúa sản xuất ăn chắc nhờ hệ thống đê bao tốt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lâm, năm nay dự báo lũ về muộn nhưng không được chủ quan. Hiện An Giang có tổng số 643 tiểu vùng, trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000ha. Như vậy, diện tích sản xuất vụ thu đông của An Giang hiện được xem là vụ lúa sản xuất ăn chắc.

Lúa hè thu muộn ở ĐBSCL hầu như còn rất ít trên đồng. Đa số các tỉnh đang tập trung chăm sóc vụ lúa thu đông. Tỉnh có diện tích lúa thu đông lớn là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ. Nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn cong trái me.

Theo kế hoạch diện tích xuống giống vụ thu đông năm 2020 toàn tỉnh An Giang gần 180.000ha, ước năng suất đạt 6,2 tấn/ha.

Tuy nhiên, trong trường hợp dự báo lũ nhỏ và nhu cầu cao về sản lượng gạo, ngành nông nghiệp sẽ đề nghị các huyện, thị, tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu thực tế và bù đắp một phần cho các ngành hàng bị giảm để ổn định mức tăng trưởng năm 2020.

Tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, vùng đất có diện tích lúa hè thu muộn và lúa - tôm khá nhiều nên nông dân đang rất phấn khởi vì hiện nay có lúa bán.

Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Bạc Liêu, cho biết: Trái ngược với dự đoán ban đầu, từ đầu tháng 8 đến nay giá lúa hè thu liên tục tăng.

Với giá lúa như hiện tại, nhiều nông dân trong tỉnh Bạc Liêu sẽ mở rộng diện tích xuống giống vụ lúa thu đông. Theo dự kiến, vụ lúa thu đông 2020 toàn tỉnh Bạc Liêu sẽ mở rộng lên trên 44.500ha.

Hiện nay lúa ST 24 giá từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, tăng 500 - 600 đồng/kg. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay lúa ST 24 giá từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, tăng 500 - 600 đồng/kg. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long (Bạc Liêu), cho biết: Giá lúa Đài Thơm 8, OM 18 tại địa phương đang ở mức 6.000 đồng/kg. Lúa ST 24 giá từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, tăng 500 - 600 đồng/kg. Lúa OM 5451 giá 5.800 đồng/kg.

So với cùng kỳ, giá lúa tăng từ 800 đến 1.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 2 đến 3 triệu đồng/công. Giá lúa tăng cao đã kích thích nông dân mở rộng diện tích lúa thu đông. Đặc biệt, diện tích lúa tôm trong huyện Phước Long dự kiến sẽ được mở rộng từ 500 - 600ha.

Tại Sóc Trăng, những ngày qua thời tiết khá thuận lợi trong việc thu hoạch lúa. Niềm vui lan tỏa khắp các cánh đồng.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Vụ lúa hè thu năm 2020 tỉnh Sóc Trăng xuống giống hơn 140 ngàn ha, đến nay đã thu hoạch 43.600ha, năng suất trung bình đạt 5,8 tấn/ha. Ngoài ra, vụ thu đông đến thời điểm này toàn tỉnh đã xuống giống gần 3.900 ha, dự kiến xuống giống 5.000ha, đạt 200% kế hoạch.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.