Theo Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến giữa tháng 1/2024, toàn vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 952.000ha lúa đông xuân 2023 – 2024 (kế hoạch là 1,475 triệu ha). Trong đó, trên 175.000ha lúa đông xuân sớm đã thu hoạch, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, giá lúa đông xuân tại ruộng thời gian qua được thương lái thu mua trong khoảng 9.300 – 9.800 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa OM5451 từ 9.300 – 9.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với thời gian trước đó; OM18 là 9.500 – 9.600 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 9.600 – 9.800 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, vụ đông xuân 2023 – 2024, toàn tỉnh xuống giống gần 169.000ha, hiện nay lúa đã thu hoạch được khoảng 50.000ha, năng suất ước đạt 66 tạ/ha, cao hơn 7,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, thời gian gần đây, hầu hết giá lúa các loại đều giảm từ 200 – 650 đồng/kg. Trong đó, lúa thường dao động từ 8.400 – 9.800 đồng/kg, lúa thơm nhẹ từ 8.100 – 9.700 đồng/kg và lúa đặc sản từ 10.000 – 11.000 đồng/kg.
Một nông dân ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho hay, những ngày đầu tháng 1/2024, thông qua một “cò lúa” ở địa phương, giá lúa tươi giống Đài thơm 8 được thu mua với mức 9.500 đồng/kg. Hợp đồng mua bán giữa nông dân và thương lái đã được xác lập, bà con nhận mức tiền cọc là 200.000 đồng/công (1.000m2). Tuy nhiên khi lúa thu hoạch xong, vận chuyển ra đến bến thì các thương lái hoặc "cò lúa" yêu cầu giảm 250 đồng/kg mới chấp nhận thu mua theo hợp đồng, nếu không sẽ bỏ tiền cọc trước đó.
Như vậy, trung bình nông dân này canh tác 1ha lúa đông xuân, năng suất khoảng 8 tấn/ha, mỗi ha cho doanh thu 76 triệu đồng, tương đương mức lợi nhuận khoảng 40 – 42 triệu đồng/ha. Nếu giảm 250 đồng/kg cho thương lái, đồng nghĩa lợi nhuận bị sụt giảm 2 triệu đồng/ha.
Thương lái chuyên thu mua lúa gạo ở xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho hay, trong vài tuần trở lại đây, giá lúa đông xuân ở ĐBSCL đã quay đầu giảm từ 500 – 700 đồng/kg. Do đó, để tránh rủi ro, thương lái thường sẽ sử dụng “chiêu” đặt cọc ở mức thấp (khoảng 200.000 đồng/công), trường hợp giá lúa sụt giảm sẽ đàm phán giá mới với nông dân, nếu không thành sẽ bỏ cọc.
Thực tế tình trạng bẻ kèo, bỏ cọc là chuyện không mới tại các địa phương ở ĐBSCL mỗi khi bước vào vụ thu hoạch lúa. Nhất là trong bối cảnh giá lúa nhiều biến động, thời điểm thương lái đặt tiền cọc thu mua giá lúa ở mức cao, nhưng đến khi thu hoạch giá sụt giảm, việc mua bán lúa muốn diễn ra thuận lợi thì bắt buộc cuộc thương thảo điều chỉnh giá phải được thực hiện.
Nói về nguyên nhân khiến giá lúa sụt giảm trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Lương thực Vạn Lợi (TP Cần Thơ) cho hay, do nhu cầu thu mua của các nhà kho đang chậm, thậm chí một số nhà kho đang ngưng mua vào.
Đối với thị trường tiêu thụ ở ngoài nước, thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với mức giá 652 – 656 USD/tấn, gạo 25% tấm là 617 – 621 USD/tấn và gạo thơm từ 737 – 741 USD/tấn.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL cho biết, các doanh nghiệp ở Philippines - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đang trả giá để thu mua gạo của nước ta thấp hơn so với giá chào bán nêu trên.
Cụ thể, đối với phân khúc gạo thơm chỉ ở mức chỉ 670 – 680 USD/tấn (đã bao gồm chi phí vận chuyển). Như vậy, mức giá này thấp hơn khá nhiều so với giá chào xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, tại Philippines cũng đang bắt đầu vụ thu hoạch mới.
Còn tại Indonesia - quốc gia có kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 cũng đang bị nông dân phản đối việc gia tăng nhập khẩu gạo của nước này. Đây cũng là những nguyên nhân lớn khiến giá lúa giảm.
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 194.000 tấn, với trị giá xuất khẩu trên 134,5 triệu USD, giảm 32.000 tấn về lượng, nhưng tăng khoảng 20 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.