| Hotline: 0983.970.780

Giá lúa đông xuân 2023 - 2024 cao nhất lịch sử

Chủ Nhật 14/01/2024 , 15:00 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở Sóc Trăng đang được thu mua với giá cao nhất trong lịch sử, tạo động lực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Thời điểm này, một số địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như huyện Long Phú, Trần Đề đã bắt đầu thu hoạch chính vụ lúa đông xuân 2023 – 2024.

Một số địa phương ven biển tỉnh Sóc Trăng đang tất bật thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024 trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn để tránh ảnh hưởng hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Một số địa phương ven biển tỉnh Sóc Trăng đang tất bật thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024 trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn để tránh ảnh hưởng hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Gia đình bà Trần Thị Nhung ở xã Phú Hữu, huyện Long Phú sản xuất 2ha lúa đông xuân với giống lúa ST25. Hiện bà Nhung đã hoàn tất thu hoạch với năng suất 7,5 tấn/ha. Lúa tươi tại ruộng được thương lái thu mua với giá 11.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình bà Nhung có lợi nhuận gần 70 triệu đồng/ha.

Bà Nhung phấn khởi cho biết, gần 40 năm trồng lúa, đây là năm giá lúa cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt vụ đông xuân năm nay giá lúa tăng 2.500 đồng/kg so với vụ đông xuân trước. Hầu hết bà con nông dân ở xã Phú Hữu rất mừng, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ sung túc hơn rất nhiều.

Tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú), bà con xã viên cũng vô cùng phấn khởi khi vụ đông xuân này thời tiết khá thuận lợi, lúa ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh vận động nông dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", nhờ đó chi phí sản xuất giảm được đáng kể, chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/ha.

Vụ đông xuân 2023 – 2024, giá lúa ở Sóc Trăng cao nhất lịch sử trồng lúa của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Vụ đông xuân 2023 – 2024, giá lúa ở Sóc Trăng cao nhất lịch sử trồng lúa của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lý Công Chức, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi cho biết, vụ đông xuân 2023 – 2024, diện tích xuống giống của HTX là 664ha, với 2 giống lúa chủ lực là ST25 và Đài thơm 8. Hiện bà con đã thu hoạch trên 100ha, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, giá bán 11.500 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 65,5 triệu đồng/ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú, vụ đông xuân 2023 – 2024, toàn huyện xuống giống trên 16.000ha lúa, tập trung chủ yếu tại xã Tân Hưng, Long Đức và thị trấn Long Phú. Gần 100% diện tích đều sản xuất lúa đặc sản, cao sản và đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Ước năng suất đầu vụ đạt khoảng 6,5 tấn/ha, tăng 0,6 tấn/ha so với vụ đông xuân 2022 – 2023.

Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đánh giá, tình hình sâu bệnh trên các trà lúa đông xuân năm nay ở mức thấp. Bên cạnh đó, thời tiết phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, từ đó năng suất lúa cũng đạt cao hơn so với mọi năm.

Song song đó, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi từ giống lúa cao sản sang canh tác các giống lúa chất lượng cao, theo nhu cầu của thị trường. Do đó, giá lúa được thu mua ở mức cao, giúp nông dân Sóc Trăng tăng thêm lợi nhuận, có niềm vui trọn vẹn khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Hiện giá lúa thường ở tỉnh Sóc Trăng dao động từ 8.700 – 10.000 đồng/kg, lúa thơm từ 9.700 – 10.000 đồng/kg và nhóm lúa ST đang thu hoạch được thương lái chào giá trên 11.000 đồng/kg. Ảnh: Kim Anh.

Hiện giá lúa thường ở tỉnh Sóc Trăng dao động từ 8.700 – 10.000 đồng/kg, lúa thơm từ 9.700 – 10.000 đồng/kg và nhóm lúa ST đang thu hoạch được thương lái chào giá trên 11.000 đồng/kg. Ảnh: Kim Anh.

Với đà giá lúa tăng cao, đã và đang tạo được động lực, phấn khởi trong nông dân, đây là tiền đề giúp ngành nông nghiệp Sóc Trăng triển khai tốt sản xuất lúa năm 2024 và gắn kết với Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL và dự án phát triển lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã tích cực tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) giai đoạn 2016 – 2022. Theo đó, trên 75.600 nông hộ sản xuất lúa của tỉnh được hưởng lợi từ Dự án, đạt 106,5% so với mục tiêu đề ra. Lợi nhuận bình quân/ha của nông dân tăng 30,3%, hiệu quả giảm phát thải nhà kính đạt 170.722 tấn CO2 (so với mục tiêu đề ra là 133.330 tấn).

Dự án VnSAT đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương và một số trang thiết bị cho các HTX; củng cố, nâng cao chất lượng, năng lực cho 14 HTX và thành lập mới 17 HTX với quy mô liên kết từ 200 - 500ha/HTX.

Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng định hướng lồng ghép các chương trình, dự án khác của tỉnh để thực hiện đạt mục tiêu Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng định hướng lồng ghép các chương trình, dự án khác của tỉnh để thực hiện đạt mục tiêu Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: Kim Anh.

Từ thành công này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương duy trì các vùng sản xuất đã áp dụng các tiêu chí sản xuất bền vững, vận động tạo sự lan tỏa đến các vùng lân cận. Đồng thời lồng ghép với các chương trình, dự án khác để thực hiện đạt mục tiêu Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch xuống giống 171.000 ha. Đến nay, gần 20.000ha đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha, sản lượng trên 109.000 tấn.

Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng bám sát thực hiện mục tiêu đưa sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn. Trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 93,37%; lúa đặc sản, lúa thơm các loại chiếm 55,44%.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.