Xã Liên Khê và xã An Sơn được xem là những địa phương trồng nhiều chuối nhất huyện Thủy Nguyên với diện tích lên đến vài trăm ha. Trước đây, người dân trồng chuối chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình, tuy nhiên những năm gần đây, cây chuối dần dần được trồng đại trà thay thế những thửa ruộng cấy lúa, trồng rau năng suất, hiệu quả kinh tế thấp.
Tại xã An Sơn và xã Liên Khê những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, không khí trao đổi mua bán nông sản dù không được như mọi năm nhưng vẫn tấp nập xe ô tô tải nhỏ, xe máy thồ của người dân chở chuối đi tiêu thụ.
Chị Bùi Thị Thu, trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, một thương lái thu mua chuối cho biết: "Năm nay, đa số các vườn chuối không đẹp như mọi năm, tuy nhiên do ít hàng nên giá gần Tết được đẩy lên rất cao, thương lái phải đi tận vườn để chọn những buồng đẹp để mua".
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Liên Khê, hiện tại, tổng diện tích chuối của xã lên tới gần 200 ha trong tổng số hơn 700 ha đất canh tác toàn xã, chủ yếu tập trung trên địa bàn các thôn 6, 7, 8, 9, 10 và 11.
Trung bình mỗi sào canh tác, người dân bà trồng khoảng 60 cây chuối tiêu hồng. Vụ Tết Giáp Thìn 2024, chừng 1/3 số cây này cho buồng, trung bình mỗi buồng có 8 - 9 nải chuối.
Chuối ở Liên Khê nổi tiếng quả to, đẹp mắt, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng nên được thị trường ưa chuộng. Do đó, mặc dù mức giá bán rất cao nhưng vẫn đắt hàng, chuối tây giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng, với chuối tiêu hồng thì giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/buồng.
“Cách đây khoảng 1 tháng thì chuối rất rẻ, nhiều hộ thua lỗ nhưng nếu gia đình nào thu hoạch đúng dịp giáp Tết thì lại trúng đậm, với giá thương lái thu mua như hiện tại, trung bình mỗi sào cho thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/sào, cao gấp cả chục lần so với cấy lúa 1 vụ”, ông Hùng thông tin.
Tại xã An Sơn, trước đây có đến gần 100 ha trồng chuối nhưng gần đây do bị bệnh, cây chết dần, người dân chuyển sang trồng na nên cũng chỉ còn lại hơn 30ha.
Năm 2024, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chuối tại các địa phương bị bệnh và chết tương đối nhiều. Do là năm nhuận nên thời điểm thu hoạch đã diễn ra cách Tết Nguyên đán hơn 1 tháng nên đã xảy ra tình trạng ế ẩm, giá tụt thê thảm, có chưa được 100 nghìn đồng/1 buồng.
Tuy vậy, với những hộ dân còn chuối đến thời điểm hiện tại để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn thì lại trúng đậm khi mỗi buồng chuối có giá lên đến gần 1 triệu đồng thấp nhất cũng trên 500 nghìn đồng.
Ông Cao Văn Khương trú tại thôn 5, xã An Sơn cho biết, gia đình anh trồng 800 gốc chuối tây nhưng do cây bị bệnh đã chết hết 1 nửa. Vào tháng 4/2023, ông Khương bị tai nạn nên bỏ lỡ mất 1 đợt bón phân cho chuối.
Trong cái rủi có cái may, vì bón phân muộn nên cây chuối sinh trưởng chậm và cho thu hoạch đúng dịp tết Giáp Thìn 2024. Trái ngược với hàng trăm hộ dân bị thua lỗ khi thu hoạch trước hơn 1 tháng, gia đình ông Khương lại trúng đậm với giá mua đại trà là 500 nghìn đồng/1 buồng.
“Vườn chuối gia đình tôi được thương lái đánh giá là đẹp nhất xã và rất nhiều người đến đặt vấn đề thu mua. Trung bình mỗi cây chuối chi phí hết khoảng 100 nghìn đồng, như gia đình tôi năm nay là trúng còn với các hộ dân đã thu trước thì thua lỗ nặng”, ông Khương chia sẻ.
Bên cạnh trồng chuối, người dân xã Liên Khê, An Sơn,… đã chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng na, đây cũng là một loại cây đem lại giá trị kinh tế cao, hơn cả trồng chuối. Trong gần 20 năm qua, cây chuối, cây na đã giúp hàng trăm hộ dân đổi đời, nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ trồng chuối.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã nhiều lần tổ chức hướng dẫn tập huấn cho bà con nông dân trồng chuối kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản chuối theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các ban ngành, cơ quan chức năng liên quan để đề nghị cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với chuối, đồng thời, xây dựng thương hiệu cho nông sản nổi tiếng của quê hương.
Được biết, hiện tại đã có doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát vùng nguyên liệu chuối và đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng chuối cũng như phải có xưởng chế biến tại chỗ để có thể xuất khẩu. Chính quyền địa phương các xã cũng đang nghiên cứu, xem xét hướng đi để quả chuối đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài.