1 triệu đồng mỗi buồng chuối tây dịp Tết. Bàn giao nhà bè bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào. Đất rừng chồng lấn với đất sản xuất của người dân. Phiên chợ nông sản tiêu biểu phục vụ Tết.
1 triệu đồng mỗi buồng chuối tây dịp Tết
Đinh Mười sx
Xã Liên Khê và xã An Sơn được xem là những địa phương trồng nhiều chuối tiêu hồng nhất huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng với diện tích lên đến vài trăm ha.
Hiện tổng diện tích chuối của xã Liên Khê lên tới gần 200 ha trong tổng số hơn 700 ha đất canh tác toàn xã.
Năm 2024, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chuối tây tại các địa phương bị bệnh và chết tương đối nhiều. Do là năm nhuận nên thời điểm thu hoạch đã diễn ra cách Tết Nguyên đán hơn 1 tháng và xảy ra tình trạng ế ẩm, giá chưa được 100 nghìn đồng/1 buồng.
Tuy vậy, với những hộ dân còn chuối tây đến thời điểm hiện tại để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn thì lại trúng đậm khi mỗi buồng chuối có giá lên đến gần 1 triệu đồng, thấp nhất cũng trên 500 nghìn đồng.
Với chi phí khoảng 100 nghìn đồng cho 1 cây chuối từ đầu cho đến lúc thu hoạch, trung bình mỗi sào trồng chuối, người dân sẽ thu về khoảng 15 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Trong gần 20 năm qua, cây chuối tiêu hồng giúp hàng trăm hộ dân ở xã Liên Khê đổi đời. Nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ trồng chuối.
(Tin 2) Bàn giao nhà bè bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào
Phương Chi, Kim Sơ sx
Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP vừa tổ chức lễ bàn giao nhà bè bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là đơn vị quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào.
Theo đó, lãnh đạo các đơn vị đã bàn giao cho Tổ cộng đồng một nhà bè làm bằng vật liệu HDPE, diện tích gần 70m2, trị giá gần 800 triệu đồng. Nhà bè được đặt tại vùng lõi, phục vụ việc bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào.
Tại lễ bàn giao, các ngư dân của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Vạn Hưng bày tỏ, ước mơ có được nhà bè bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào nay đã thành hiện thực. Việc nhận bàn giao nhà bè sẽ tạo điều kiện cho Tổ cộng động phát triển du lịch sau này để đảm bảo sinh kế lâu dài cho các ngư dân.
(Tin 3) Đất rừng chồng lấn với đất sản xuất của người dân
Quốc Toản sx
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hiện quản lý 17.000 ha đất rừng thuộc huyện Quan Hóa và Bá Thước. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND 2 huyện và Ban quản lý khu bảo tồn Pù Luông rà soát diện tích đất sản xuất của các hộ dân và đất của khu bảo tồn tại xã Cổ Lũng và xã Lũng Cao (huyện Bá Thước) để có phương án xử lý phù hợp. Diện tích đất chồng lấn với rừng đặc dụng hơn 15 ha (Diện tích chồng lấn tại xã Cỗ Lũng: 7,61ha; xã Lũng Cao: 8,06 ha
Thực tế trên khiến nhiều năm qua người dân sống tại vũng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa luôn sống trong tình trạng thiếu đất sản xuất, gây khó khăn cho việc đảm bảo sinh kế của người dân và ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng bền vững.
Hiện tại UBND tỉnh Thanh hóa đã giao cho Sở TNMT chủ trì phối hợp với huyện Bá Thước rà soát lại diện tích chồng lấn, đồng thời thực hiện phương án sớm giao diện tích đất nói trên cho các hộ dân ổn định đời sống, sản xuất.
(Tin 4) Phiên chợ nông sản tiêu biểu phục vụ Tết
Tâm Phùng - Tâm Đức sx
UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức phiên chợ hàng nông sản tiêu biểu trên địa bàn phục vụ nhu cầu Tết Giáp Thìn 2024 của người dân.
15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã có gian hàng tham gia, với trên 250 hàng hóa nông sản tiêu biểu và đạt tiêu chuẩn OCOP cấp huyện, tỉnh. Đến với phiên chợ, các địa phương đưa đến chủ yếu là hàng tiêu dùng trong dịp Tết bao gồm bánh chưng, bánh xoài, bánh khô, mứt các loại; rượu mem lá của đồng bào dân tộc xã Trường Sơn, thịt lợn rừng nuôi, gà, cá, ốc, cua,...., rau củ quả các loại; hương trầm, nụ trầm,....
Theo lãnh đạo huyện Quảng Ninh, sau phiên chợ tết này, địa phương sẽ tổ chức theo mỗi quý một lần để phục vụ nhu cầu của người dân, lưu thông hàng hóa và nâng tầm sản phẩm OCOP của địa phương.