| Hotline: 0983.970.780

Giá ớt cao chưa từng thấy, nông dân vui mùa 'ớt ngọt'

Thứ Năm 13/04/2023 , 09:01 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Vụ ớt năm nay, người trồng ớt khắp nơi ở Bình Định đều rất phấn khởi vì ớt vừa được mùa, giá lại cao chưa từng có. Thế nhưng trồng ớt cũng như canh bạc...

Chưa khi nào giá cao như năm nay

Những ngày này, nông dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang vào vụ thu hoạch rộ ớt chỉ thiên. Những ruộng ớt khoe trái đỏ rực dưới ánh mặt trời, nụ cười của những chủ ruộng ớt cũng rực rỡ theo vì giá ớt năm nay tăng cao đột biến.

Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Giang thuộc xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) cho biết: “Vụ đông xuân năm na, xã Tây Giang trồng được khoảng 70ha ớt chỉ thiên, riêng nông dân thôn Hữu Giang trồng được khoảng 30ha. Ăn Tết Nguyên đán xong là ớt bắt đầu cho thu hoạch trái bói, thời điểm ấy ớt được thương lái thu mua lên đến 45.000 - 50.000đ/kg tùy ớt đẹp xấu. Hiện nay, ớt cho thu hoạch rộ, giá có giảm nhưng vẫn còn 35.000 - 40.000đ/kg. Chưa có năm nào giá ớt cao như năm nay, vụ này bà con trồng ớt trúng to”.

Empty

Nông dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang thu hoạch rộ ớt. Ảnh: Kim Sơ.

Anh Nguyễn Văn Chức, nông dân thôn Thượng Giang 2 (xã Tây Giang), người trồng 3,3 sào ớt (500m2/sào) trong vụ đông xuân 2022 - 2023 phấn khởi cho biết: Vụ này gia đình anh trồng giống ớt chỉ thiên lai F1 Việt AK 12 mua từ thị xã An Khê (Gia Lai). Giống ớt này có đặc điểm cây khỏe, kháng bệnh tốt, phân nhánh mạnh, chống chịu tốt với thời tiết bất lợi. Đặc biệt, giống ớt này bảo quản được lâu, thích hợp cho xuất khẩu và phơi khô nên thương lái rất thích mua.

Chị Nguyễn Thị Ánh Phương, vợ anh Chức vừa chỉ ruộng ớt chi chit quả vừa nói: “Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên ruộng ớt của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất ước đạt gần 2 tấn/sào. Từ đầu vụ đến nay, vợ chồng tui đã thu trên 1 tấn ớt, với giá bán từ 25.000đ/kg tăng dần lên 38.000 - 42.000đ/kg nên vụ này gia đình tôi có thu hoạch khá từ ớt”.

Empty

Giá ớt chỉ thiên năm nay ở Bình Định có thời điểm tăng đến 50.000đ/kg. Ảnh: Kim Sơ.

Vụ ớt năm nay, hầu hết bà con trồng ớt ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) đều vui tở mở vì ớt vừa được mùa vừa được giá. Anh Nguyễn Xuân Vương, người trồng ớt ở thôn Nam Giang cho biết thêm: Vụ đông xuân này gia đình anh trồng 3 sào ớt, xuống giống vào tháng 8/2022, đến tháng 11/2022 ớt đã cho thu hoạch, thời điểm ấy ớt đã có giá 15.000 đến 25.000đ/kg. Đến tháng 3/2023, ruộng ớt của anh Vương vẫn còn cho thu hoạch, giá ớt lại tăng đến 35.000đ/kg.

“Đây được xem là năm giá ớt "đỉnh" nhất từ trước đến nay. Những năm trước, thời điểm giá cao nhất cũng chỉ khoảng 30.000đ/kg, năm nay có thời điểm ớt tăng đến 45.000 - 50.000đ/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu trên 1 tấn ớt, mỗi vụ ớt tôi thu từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch”, anh Vương cho hay.

Empty

Ớt chỉ địa ở Bình Định năm nay cũng có giá cao, hiện đang dao động từ 35.000 - 40.000đ/kg. Ảnh: Kim Sơ.

Chị Phạm Thị Mỹ Hoa cũng người ở xã Tây Giang phấn khởi cho biết thêm: “Năm nay người trồng ớt không phải lo chuyện tiêu thụ, cứ hái mang về nhà là thương lái đến tận nhà cân. Giá ớt tăng mỗi ngày, có hôm cũng hạ nhưng qua hôm sau lại tăng giá ngay, chưa năm nào ớt hút hàng và có giá cao như năm nay”.

Theo anh Trương Thế Việt, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022 - 2023, nông dân huyện này sản xuất khoảng 124ha ớt, thế nhưng bà con trồng đến hơn 155ha. Không ngờ năm giá ớt lại tăng giá đột biến nên nông dân trúng to.

“Hầu hết những diện tích ớt trên địa bàn huyện Tây Sơn trong vụ đông xuân 2022 - 2023 này đều được trồng trên đất lúa bấp bênh, đất mì (sắn) và mía không hiệu quả, mới chuyển đổi mà đã gặp ngay vụ ớt trúng giá nên bà con rất phấn khởi”, anh Trương Thế Việt nói.

Năm lãi to, nhưng cũng như đánh bạc

Năm nay Bình Định sản xuất khoảng 2.300ha ớt, tăng hơn so năm 2022 khoảng hơn 100ha. Trong đó, riêng “thủ phủ ớt” Phù Mỹ đã chiếm 1.293ha. Nông dân Phù Mỹ phần lớn trồng ớt chỉ địa, còn được gọi là ớt sừng, loại ớt to trái chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, một số hộ nông dân khác trồng ớt chỉ thiên, còn được gọi là ớt mũi tên, loại ớt trái nhỏ thường tiêu thụ nội địa dùng để ăn sống làm gia vị trong mỗi bữa ăn. Ớt chỉ địa khác với ớt chỉ thiên là trái chúc đầu xuống đất, còn ớt chỉ thiên trái hướng lên trời.

Empty

Các chủ vựa thu mua ớt tranh mua từng lô hàng để xuất khẩu. Ảnh: Kim Sơ.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, năm nay nông dân huyện này trồng được 1.293ha cả ớt, tăng hơn 105ha so với năm 2022. Đến đầu tháng 4/2023, ớt chỉ địa trồng trên địa bàn Phù Mỹ đã thu hoạch được khoảng 80%. Năm nay ớt chỉ địa ở Phù Mỹ cũng có giá tăng đột biến, khoảng từ 30.000 - 35.000đ/kg do thị trường Trung Quốc ăn mạnh.

Ở huyện Phù Cát, theo kế hoạch, cả năm 2023 địa phương này trồng 550ha ớt các loại. Ớt vụ đông xuân 2022 - 2023 ở Phù Cát cũng không ngoại lệ, hiện đang đứng giá rất cao. Theo ông Lương Văn Khoa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, giá ớt biến động liên tục, mỗi ngày mỗi giá, có khi sáng 1 giá chiều 1 giá, nhưng nhìn chung từ đầu vụ đến nay giá ớt ở Phù Cát ổn định ở mức cao.

Empty

Giá ớt đang ở mức cao, ngày nào nông dân cũng ra vườn lựa những trái ớt chín hái bán. Ảnh: Kim Sơ.

Cuối tuần qua, ông Lương Văn Khoa cho biết: “Hiện ớt chỉ thiên ở Phù Cát có giá lên tới trên 40.000đ/kg, ớt chỉ địa cũng có giá rất cao, từ 35.000 - 40.000đ/kg. Vụ đông xuân này, nông dân trồng ớt có lãi to, nhưng cây trồng này đầu ra gần như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rất bấp bênh. Do đó, hàng năm chúng tôi chỉ sản xuất theo kế hoạch chứ không khuyến khích nông dân tăng diện tích”.

Theo người trồng ớt ở Bình Định, ớt chỉ địa chỉ duy nhất 1 đầu ra là thị trường Trung Quốc, nếu thị trường này “tắc” là ớt đổ đống, để úng thối chứ không biết bán cho ai vì tiêu thụ nội địa được rất ít. Những nông dân trồng ớt chỉ địa như “đánh bạc”, nếu thị trường Trung Quốc ăn mạnh là sẽ có giá rất cao, ớt chỉ địa lại có trọng lượng nặng vì trái to. Đối với ớt chỉ thiên, nếu không tiêu thụ được tại thị trường Trung Quốc thì vẫn bán được cho các cơ sở chuyên chế biến ớt tương, hoặc bán cho các đại lý mua về phơi để chế biến thành ớt bột dành bán vào mùa mưa, vì mùa mưa không trồng được ớt.

Empty

Năm nay giá ớt tăng cao đột biến, nhưng trồng ớt cũng như canh bạc vì phụ thuộc vào xuất khẩu rất phập phù sang Trung Quốc. Ảnh: Kim Sơ.

Mức đầu tư cho cây ớt của nông dân cũng vô chừng, tùy theo khả năng tài chính của mỗi hộ. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, với giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao như hiện nay, mỗi sào ớt (500m2/sào) nếu chăm sóc đúng quy trình nông dân phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng. Năm nay giá ớt tăng cao, chỉ tính bình quân 30.000đ/kg, năng suất chỉ tính bình quân đạt 1,5 tấn/sào thì mỗi sào ớt người trồng sẽ đạt doanh thu khoảng 45 triệu đồng, trừ đi 10 triệu đồng tiền đầu tư phân bón, thuốc BVTV, giống, cộng với chi phí thuê công hái ớt suốt vụ, người trồng cầm chắc còn lãi ròng khoảng 25 triệu đồng/sào.

Nếu năng suất ớt đạt 2 tấn/sào như ruộng ớt của anh Nguyễn Văn Chức ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) thì người trồng còn lãi to hơn. Cây ớt có thời gian thu hoạch kéo dài đến 6 tháng. Lứa đầu tiên thu hoạch khoảng 10 ngày là hết ớt, sau đó chăm sóc tiếp khoảng 1 tháng sau là có ớt thu hoạch lại, cứ thế đến hết vụ.

Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ chia sẻ: Phù Mỹ là huyện trồng ớt lớn nhất của Bình Định. “Năm 2023, huyện tiếp tục duy trì vùng chuyên canh ớt với diện tích khoảng gần 1.200ha, ngành nông nghiệp huyện đang khẩn trương rà soát để đăng ký xây dựng mã số vùng trồng cho cây ớt. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác hợp chuẩn VietGAP để thu hút doanh nghiệp xuất khẩu ớt tham gia vào liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm