| Hotline: 0983.970.780

Giá ớt tăng cao, nông dân lãi lớn

Thứ Sáu 07/04/2023 , 15:50 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Mặc dù thời tiết bất lợi, giá phân bón tăng cao, nhưng nhờ được mùa và giá ớt tăng cao nên người trồng ớt tại Quảng Ngãi vẫn thắng lớn.

Empty

Thời điểm này, người dân tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào đầu vụ thu hoạch ớt. Ảnh: Lê Khánh.

Ớt là cây trồng được người dân ở nhiều huyện, thị xã của tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn trồng trong vụ đông xuân. Thông thường, những diện tích trồng ớt sẽ được xuống giống vào khoảng tháng 11 âm lịch. Quá trình chăm sóc sẽ kéo dài trong vòng 4 tháng mới cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Thời điểm này đang vào đầu vụ thu hoạch ớt. Đi dọc các cánh đồng chuyên trồng ớt tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn (Quảng Ngãi), nông dân đang hối hả thu hoạch ớt. Những cánh đồng ớt tới vụ phủ màu đỏ tươi nay đã vơi đi phân nửa. Dưới cái nắng gay gắt đến cháy da, nông dân vẫn cười nói vui vẻ khi giá thu mua ớt thời gian qua tăng cao, công sức của họ bỏ ra đang được đền đáp xứng đáng.

Đôi tay thoăn thoắt hái những trái ớt chín đỏ, bà Lê Thị Ánh (trú xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) phấn khởi cho biết, so với năm trước, giá ớt năm nay có thời điểm tăng gấp 2,5 đến 3 lần nên hầu như ai cũng có lãi cao. Đặc biệt, giai đoạn cách đây khoảng nửa tháng, 1kg ớt được thu mua với giá lên đến 35.000 đồng. Sau đợt đầu tiên thu hái, người trồng đã lấy lại được vốn đầu tư.

Empty

Ớt năm nay được giá nên người dân rất phấn khởi. Ảnh: Lê Khánh.

Vụ đông xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (trú xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) trồng 3 sào ớt (sào 500m2), bắt đầu xuống giống từ tháng 11 âm lịch. Tổng vốn đầu tư hết khoảng 10 triệu đồng. Theo bà Hoa, năm nay giá phân bón cao, tình hình thời tiết bất lợi nên chi phí cho việc phòng trừ sâu bệnh cũng tăng so với các vụ trước. Bù lại, ớt được giá nên người dân không còn lo lắng. So với cách đây nửa tháng, giá ớt hiện đã giảm xuống còn 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá này, các hộ trồng ớt cũng đã có lãi khá.

“Năm nay ớt được mùa, lại đươc cả giá, thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên ớt bán rất được. Mỗi ngày tôi thu hoạch được khoảng 50kg, thu về hơn 1 triệu đồng. Chỉ cần thu hoạch 10 ngày đầu tiên là tôi đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu rồi. Hi vọng trong thời gian tới, ớt vẫn giữ được giá này để bà con có lời, lấy lại được vốn thất thu ở những vụ trước”, bà Hoa chia sẻ.

Empty

Nếu vẫn giữ mức giá như hiện nay, mỗi sào ớt nông dân thu lãi hàng chục triệu đồng. Ảnh: Lê Khánh.

Theo tìm hiểu, nếu cây ớt vẫn phát triển tốt và không bị ảnh hưởng của sâu bệnh thì thời gian thu hoạch sẽ kéo dài tầm 4 tháng và được chia thành nhiều đợt. Mỗi đợt sẽ thu liên tục trong vòng gần 1 tháng. Trung bình 1 sào ớt nếu đạt năng suất thì hết chu kỳ nông dân sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn ớt. Với giá bán vẫn duy trì ở mức như hiện nay, nông dân thu lãi gần 20 triệu đồng/sào.

Tuy nhiên, nghề trồng ớt vẫn được nông dân ví von giống như “canh bạc” hên xui. Bởi thắng hay thua đều phụ thuộc vào thương lái. Giá ớt xưa nay vốn rất bấp bênh, lúc thương lái cần thu mua nhiều, mức tiêu thụ tăng thì được giá. Ngược lại, lúc thương lái thu hẹp thị trường tiêu thụ, giá ớt rớt thê thảm, thậm chí có thời điểm giá chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Những lúc như vậy, người trồng ớt phải chịu cảnh trắng tay.

Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh trồng hơn khoảng 878ha ớt. Mặc dù vụ ớt năm nay được mùa, được giá nhưng từ trước tới nay, việc tiêu thụ ớt ở địa phương vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, khá bấp bênh.

Vậy nên để cây ớt phát triển ổn định, bền vững cả về diện tích vùng trồng, giá cả đến thị trường tiêu thụ, Quảng Ngãi cần hình thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, tìm kiếm, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh xảy ra tình trạng trồng ồ ạt và rơi vào cảnh được mùa, mất giá.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.