| Hotline: 0983.970.780

Giá phân bón tăng phi mã, nông dân sao chịu nổi?

Thứ Hai 11/10/2021 , 07:44 (GMT+7)

Hiện giá các loại phân bón vô cơ liên tục tăng cao, vì vậy ngành nông nghiệp ĐBSCL khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp giảm chi phí.

Hiện nay giá phân bón tăng cao đang gây áp lực cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay giá phân bón tăng cao đang gây áp lực cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tăng từ 60 - 80% so với cùng kỳ 

Ông Lê Thanh Bòn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: Chưa có năm nào mà giá phân bón lại tăng phi mã như năm nay, giá phân tăng từ 60 - 80% so với các năm trước.

Ở vụ lúa thu đông 2021, gia đình ông sản xuất giống OM 380 vừa thu hoạch xong 1ha bán giá chỉ có 4.500 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Sau khi trừ hết chi phí, lãi rất thấp khoảng 800.000 đồng/công.

Ông Bòn rất lo cho vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 tới đây vì giá phân bón và các chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh, trong khi đó giá lúa lại giảm sẽ gây áp lực cho nông dân.

'Hiện nay ra cửa hàng vật tư nông nghiệp muốn mua bao phân DAP về sử dụng cho 2 công rau màu trồng phía sau nhà ở những tháng mùa lũ này phải bỏ ra gần 1 triệu đồng/bao, tính ra nông dân phải bán hơn cả chục giạ lúa mới mua được một bao DAP”, ông Bòn lo lắng nói.

Trước tình hình giá phân bón tăng cao và giá đầu ra nhiều loại nông sản ở mức thấp, nhiều nông dân ĐBSCL cho hay, tạm thời buộc phải tính phương án trong sản xuất là giảm lượng bón phân cho nhiều loại cây trồng.

Tuy nhiên, về lâu dài, đều này có thể ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Nông dân rất mong ngành chức năng cần kịp thời có giải pháp kéo giảm giá phân bón, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp và giá rẻ để hạn chế sử dụng phân bón hóa học mà vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết, hiện nay nông dân canh tác lúa và các loại cây trồng nói chung tại vùng ÐBSCL ít sử dụng các loại phân bón hữu cơ mà chủ yếu sử dụng phân vô cơ (phân hóa học). Ðiều này đã khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi giá các loại phân bón vô cơ đã liên tục tăng cao như hiện nay. Do vậy, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ đang rất cần thiết ở thời điểm này nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Để giảm giá thành nhiều nông dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ để có lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để giảm giá thành nhiều nông dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ để có lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để sản xuất cây trồng hiệu quả trong tình cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ngành nông nghiệp Cần Thơ đưa ra khuyến cáo cách tiết kiệm nhất có thể tận dụng nguồn phân hữu cơ có sẵn mà không tốn tiền đầu để phục vụ cho đất. Nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa không nên đốt rơm rạ ngoài đồng vừa gây ô nhiễm môi trường và không tốt cho đất để làm vụ tiếp theo. Nông dân nên xới trục đất tận dụng rơm rạ có sẵn trên đồng ruộng làm phân bón hữu cơ bổ sung cho đất. Đồng thời cho đất nghỉ ngơi một thời gian, trong mùa vụ cần áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến như: IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”… nhằm giảm chi phí đầu tư.

Còn tại An Giang, hiện vụ lúa thu đông được xuống giống trên 160 ngàn ha, đặc biệt năm nay lũ nhỏ nên rất thuận lợi canh tác vụ lúa này. Hiện, các trà lúa trong tỉnh đang xanh tốt ít sâu bệnh… nông dân dự đoán sẽ thắng lợi ở vụ lúa này về mặt năng suất. Tuy nhiên, nhiều nông dân lo lắng nhất là chi phí đầu vào đều tăng, trong đó giá phân bón tăng mạnh nhất.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, dựa theo kết quả điều tra bình quân lượng phân bón sử dụng/ha tại An Giang trong vụ thu đông là 88.830 tấn, trong đó ure: 31.761 tấn, NPK: 22.302 tấn, DAP: 19.787 tấn và Kali là 14.978 tấn… Trong khi đó, hiện nay giá phân bón tăng từ 60-80% so với cùng kỳ các năm trước sẽ làm giảm lợi nhuận của bà con. Vì vậy ngành nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp khuyến cáo nhằm tiết giảm sử dụng phân bón mà vẫn có thể đảm bảo năng suất lúa.

Trước hết cắt giảm các yếu tố đầu vào có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất bao gồm chi phí phân bón, thuốc BVTV, giống và chi phí thu hoạch bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay.

Tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng chương trình “1 phải 5 giảm”, khuyến khích nông dân giảm giống, giảm lượng phân, thuốc BVTV, tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, để giảm áp lực lên nhu cầu phân bón vô cơ trong nước.

Tuyên truyền mạnh mẽ vai trò của tưới ngập khô xen kẽ giúp quản lý tốt đổ ngã, giúp dễ dàng cho khâu thu hoạch, tiết kiệm chi phí thu hoạch và vận chuyển. Đẩy mạnh ứng dụng IPM trong sản xuất, giúp giảm chi phí thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ bình ổn giá vật tư nông nghiệp

Mới đây, Sở Công thương An Giang đưa ra 3 đề nghị đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường.

Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu cung cấp đầy đủ phân bón cho thị trường, trong đó có tỉnh An Giang.

Sở Công thương An Giang cũng đưa ra 3 đề nghị  đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sở Công thương An Giang cũng đưa ra 3 đề nghị  đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ 2, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp.

Thứ 3, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động đưa phân bón trực tiếp đến nông dân thông qua các HTX để giảm trung gian. Phối hợp với các kênh phân phối tại tỉnh An Giang có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ thu đông và vụ đông xuân sắp tới.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), giá thành sản xuất lúa vẫn còn ở mức cao dẫn tới lợi nhuận người trồng lúa hạn chế. Trong đó, chi phí phân bón chiếm tỷ lệ 21-24% trong tổng chi phí sản xuất, chi phí thuốc BVTV 15-17%, chi phí về giống 9-10%.

Hiện, Cục Trồng trọt đã kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ bình ổn giá vật tư nông nghiệp để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn ở các yếu tố đầu vào, đầu ra các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp (về giá, chất lượng...) để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông, mua bán trên thị trường gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và thu nhập của nông dân.

Gần 1 triệu đồng cho bao phân DAP

Theo ghi nhận của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL như: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang… hiện DAP nhập khẩu từ Philippines có giá lên đến 960.000-990.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc (loại hạt xanh) 930.000-950.000 đồng/bao. Giá NPK 20-20-15 Ba Con Cò, NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 +TE Ðầu Trâu ở mức từ 830.000-870.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá Kali (Canada, Israel, Nga) cũng đang ở mức rất cao, từ 680.000-720.000 đồng/bao. Còn giá các loại urê (phân đạm) ở mức từ 600.000-670.000 đồng/bao trở lên.

Theo nhận định của một doanh nghiệp sản xuất phân bón nhập khẩu ở Đồng Nai, giá phân bón hiện nay đang tiếp tục xu thế  tăng, như giá urea thế giới đang lên mốc 600 USD/tấn, DAP thế giới đã vượt mốc 700 USD/tấn, Kali thế giới đã vượt mức 600 usd/tấn. Với xu thế đó giá NPK trong nước cũng có sự điều chỉnh tăng mạnh kể từ tuần cuối tháng 9, dù vụ lúa đông xuân 2021-2022 chính thức bắt đầu xuống giống từ trung tuần tháng 10 trở đi.

Hiện giá DAP thế giới đã vượt mốc 700 USD/tấn, Kali thế giới đã vượt mức 600 USD/tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện giá DAP thế giới đã vượt mốc 700 USD/tấn, Kali thế giới đã vượt mức 600 USD/tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá phân bón ghi nhận trong một xu hướng tăng kể từ cuối năm 2020 tới nay, đặc biệt là phân đơn như urea, DAP, Kali. Nguyên nhân được cho là bởi sự tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, lưu huỳnh, ammoniac do sự sụt giảm của nguồn cung trên thế giới bởi tác động của dịch bệnh Covid, trong khi đó nhu cầu nhiên liệu cho sản xuất để tái thiết nền kinh tế. Bên cạnh đó, cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua đã đẩy chi phí các loại phân bón tăng cao.

Cũng theo nhận định của doanh nghiệp này, phân bón bắt đầu tăng khoảng nửa đầu năm 2020 dưới tác động của việc giá phân bón giảm sâu, lượng cung trên thế giới có sự sụt giảm. Tuy nhiên sau đó nhu cầu phân bón trên thế giới phục hồi quá nhanh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đẩy mạnh sản xuất làm tăng nhu cầu của than đá, khí gas bên cạnh đó mùa đông năm nay ở các nước Bắc Bán Cầu dẫn đến khủng khoảng năng lượng trở nên trầm trọng, giá nhiên liệu khí ga tăng 100% kể từ đầu năm.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.