| Hotline: 0983.970.780

Những mái nhà rêu: Ngôi làng độc nhất vô nhị ở Hà Giang

Thứ Năm 02/02/2023 , 08:10 (GMT+7)

Qua nhiều mùa lúa, mùa thảo quả, những ngôi nhà sàn lợp mái cọ ở bản Xà Phìn rêu đã phủ xanh rì, đẹp như một bức tranh của tạo hóa và sức người.

dji_0054_20220911165740

Những mái nhà rêu độc đáo ở Xà Phìn. Ảnh: Xuân Phúc. 

Nhà rêu có... tai

Bài liên quan

Những mái nhà rêu ở bản Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã ở cùng bản Dao từ khi lập làng. Những mái nhà ấy đựng được nhiều niềm vui nỗi buồn của các thế hệ người Dao.

Trưởng bản Đặng Văn Háu dẫn chúng tôi bước lên những bậc cầu thang của ngôi nhà mình. Vừa nói chuyện với khách, ông Háu vừa dùng tay kéo tấm cọ từ trên nóc nhà ra để lộ một vùng ánh sáng mặt trời chiếu rực rỡ vào ngôi nhà. Ông chậm rãi cời than hồng bên bếp còn âm ỉ cháy rồi bắc nước pha trà.

Ông Háu bảo rằng, chỗ khoảng trống đó được người Dao coi như chiếc tai của ngôi nhà. Những ngày trời nắng, không cần điện, chỉ cần mở tai của ngôi nhà cũng đủ ánh sáng. Ở Xà Phìn, ngôi nhà sàn nào cũng có tai được đặt ở 2 bên của mái nhà để lấy ánh sáng mặt trời. Khi lợp nhà, người ta sẽ lợp cái tai phía mặt trời lặn trước, sau đó mới lợp bên còn lại. Theo quan niệm của người Dao ở Xà Phìn, bên mặt trời mọc nếu lợp trước thì sẽ che hết ánh sáng vào nhà, như thế cái đầu của đời con, đời cháu sẽ không thông minh, cái bụng không sáng dạ, cái tai sẽ bị ù.

Nhà của trưởng bản Đặng Văn Háu không phải là ngôi nhà to nhất bản nhưng là một trong những ngôi nhà cổ. Để có tiền làm được ngôi nhà sàn ấy, ông phải mất nhiều mùa ngủ trên nương để thu hoạch thảo quả, mất nhiều gùi chè Shan tuyết hái dịp đầu xuân.

20221222_122152

Ở Xà Phìn, nhiều mái nhà rêu phủ dày hơn 10cm. Ảnh: Đào Thanh.

Ngôi nhà hiện nay của gia đình ông Háu không phải là ngôi nhà được làm mới hoàn toàn, mà được chỉnh sửa trên bộ khung của ngôi nhà cũ ông cha để lại. Người Dao nơi đây quan niệm, đời con cháu muốn sửa nhà thì không được thu nhỏ hơn so với cái khung của nhà cũ; không được tháo dỡ cái khung của ngôi nhà cũ.

Ở Xà Phìn có 53 nóc nhà sàn, nhưng ngôi nhà to, cổ với 56 cột và có rêu phong phủ là ngôi nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Nhiệm. Gần 70 năm nay, tổ tiên vẫn chưa gọi câu nào nên ông còn sống khỏe.

Ông Nhiệm bảo rằng, ngôi nhà đã tồn tại cả mấy thế hệ, cột nhà đã mốc sờn màu của tháng năm, trên mái nhà rêu mọc rất nhiều, những lớp rêu dày đến tận 10cm, một số đoạn có cả cây dương xỉ mọc.

20221222_122645

Ở trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, không khí có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để rêu mọc quanh năm trên những mái nhà của người dân Xà Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Gần 70 năm sống với làng, ông Nhiệm thấy cái nghèo từ đời ông bà, đời bố mẹ để lại đến đời con cháu hôm nay chưa hết. Bởi thế, khi trưởng bản và chính quyền xã bảo người làng cùng làm du lịch, ông cũng mở lòng để đón khách lạ ghé thăm và chụp hình lưu niệm với nóc nhà đầy rêu phong. Ông hi vọng du lịch phát triển, rồi hoạt động tăng gia sản xuất đổi mới đời con, đời cháu của người làng sẽ không phải ở chung với cái nghèo như đời cha ông chúng nữa.

Bản Xà Phìn nằm ở lưng chừng dãy núi Tây Côn Lĩnh, cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Thời tiết quanh năm mát mẻ, có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để nơi đây có rất nhiều mái nhà phủ rêu xanh rì, vừa hoang dại vừa hùng vĩ. Hiện nay thôn Xà Phìn có 53 hộ, trong đó có 42 hộ có nhà mái đã phủ rêu xanh. Để phát triển được du lịch, người dân trong thôn đã đi tham quan một số mô hình của những địa phương khác để học hỏi cách làm du lịch cải thiện cuộc sống.

Công dân đặc biệt ở Xà Phìn

Bản người Dao Sà Phìn có 53 hộ dân, với 270 nhân khẩu, nhưng ở bản luôn có thêm 1 công dân đặc biệt, đó là Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến, anh Cấn Văn Hiển. Có cái đầu của Phó Chủ tịch Hiển nghĩ cùng người làng, cái đầu của người làng cũng sáng ra, kinh tế ngày thêm khấm khá.

Anh Hiển nguyên là cán bộ của Phòng Văn hóa huyện Vị Xuyên, học chuyên ngành Văn hóa nên biết nhiều, hiểu rộng về những giá trị văn hóa truyền thống có thể tạo được sức hấp dẫn lạ kỳ nếu biết phát huy.

20221222_122405

Cùng với những mái nhà rêu, văn hóa của người dân tộc Dao ở Xà Phìn cũng khá độc đáo, giàu bản sắc. Ảnh: Đào Thanh.

Bởi vậy có một thời, ở Xà Phìn người dân đã định bỏ đi những mái nhà rêu cổ kính hoang sơ để lợp ngói, lợp tôn... Thấy vậy, anh Hiển đến từng nhà vận động người dân không phá bỏ, bởi nó là sự độc đáo riêng biệt chỉ ở Xà Phìn mới có, mật độ mới dày đặc. Nếu bà con giữ lại và biết kết hợp làm du lịch thì những mái nhà rêu ấy có thể “đẻ” ra tiền.

Nói là vậy nhưng từ lý lẽ để đến được kết quả là cả chặng đường dài và vất vả hơn con đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh lấy thảo quả, lấy chè Shan tuyết của người dân Xà Phìn. Để lời nói lọt được vào lỗ tai của người bản Dao, trước hết anh Hiển phải hiểu được người dân, đặc biệt phải nắm được cái bụng của trưởng bản.

Phó Chủ tịch Hiển chia sẻ rằng, có lần vì muốn trưởng bản Háu có thời gian đi vận động cùng, anh đã chủ động hỗ trợ thôn làm các báo cáo liên quan, cấp trên phát hiện đã nhắc nhở. Nhưng cũng phải chịu thôi, vì dịp đó đã rất gấp rồi, trưởng bản lại không có nhiều chữ, ít kinh nghiệm làm văn bản, nếu chờ có khi cả tuần chẳng tìm ra được cái báo cáo đủ ý, đủ lời. Trong khi đó việc vận động thôn là rất cần thiết để bà con kịp làm chè đúng vụ, cấy lúa đúng giống, đúng mùa…

Ngay cả việc để cái đầu của người làng chịu nghe và làm du lịch cũng không hề dễ dàng. Trước kia, cứ mỗi lần có khách lạ đến làng, cả làng phản đối. Nhiều người cố tình bắt đền khách phải trả tiền khi lỡ làm hỏng cây rau ở khu vườn hay có ý xua đuổi khi khách muốn chụp ảnh ở vùng đồi nhà họ. Anh Hiển đã chủ động ở lại nhà dân xin bữa cơm và cùng uống cạn bát rượu đầy; chủ động xin ngủ lại những nhà có người cao tuổi hoặc trưởng họ để người bản thấy được lòng của Phó Chủ tịch cũng thân thuộc như tấm lòng của người con, người cháu của bản.

z3979812673783_7c921f26800230abd724aea7dccac3bd

Hiện nay, người Dao ở Xà Phìn đang cùng chung sức xây dựng du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Đào Thanh.

Khi người già và trưởng bản cùng nói giống ý của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã thì cái lý lẽ của Phó Chủ tịch Hiển cũng trở thành lý lẽ của người Xà Phìn.

Những cánh rừng ở bản Xà Phìn đã đẫm màu mơn mởn lộc đón xuân. Nước trên các dòng thác từ dải Tây Côn Lĩnh đã bắt đầu đổ về để người Xà Phìn chuẩn bị làm đất cầy cấy, gieo những mầm mạ xanh non lên từng mảnh ruộng bậc thang treo mình trên sườn núi, ôm trọn xóm làng. Trên nếp nhà phủ đầy rêu xanh của người Dao nơi đây cũng rộn ràng tiếng cười nói, phơi phới men say mừng mùa xuân mới.

Khó khăn về chuyện vận động người dân trong thôn làm du lịch đã được gỡ, Hiển bàn với lãnh đạo xã Phương Tiến xây dựng đề án xin lãnh đạo huyện thông qua chủ trương cho Xà Phìn phát triển du lịch cộng đồng; đồng ý xây dựng, nâng cấp mở rộng con đường từ trung tâm xã vào thôn; tạo điều kiện để hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xây dựng lại khuôn viên gia đình…

Đây cũng là một việc khó bởi ở Hà Giang đã nhiều thôn phát triển du lịch cộng đồng không thành công; nhiều hộ dân sau khi kết thúc dự án được đầu tư không tự thân vận động nên hiệu quả thụt lùi.

Anh Hiển chia sẻ, để Xà Phìn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách thì con đường phía trước của anh và bà con người Dao còn dài hơn cả con đường vắt từ ngọn núi này nối sang ngọn núi kia treo lơ lửng ở lưng chừng trời.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.