| Hotline: 0983.970.780

Giá thanh long Bình Thuận rớt thảm

Thứ Hai 07/06/2021 , 06:00 (GMT+7)

Giá thanh long Bình Thuận hiện chỉ còn từ 500 đ/kg đến 3 nghìn đồng/kg (tùy loại). Trong khi đó, lứa thanh long chính vụ sắp bước vào thu hoạch rộ.

Thanh long loại 1 chỉ 2-3 nghìn đồng/kg

Ông Nguyễn Tánh, một nông dân trồng thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, đầu năm 2021, giá thanh long nghịch vụ (thanh long chong đèn) ở Bình Thuận được thương lái thu mua ở mức cao, dao động từ 10-20 ngàn đồng/kg, gấp 2-3 lần so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên đến đầu tháng 5/2021, lứa thanh long chong đèn đợt cuối, cũng là thời điểm bắt đầu có mưa, một số nhà vườn có thanh long chính vụ sớm (hàng mùa) thì giá thu mua liên tục giảm.

Giá thanh long loại 1 chỉ dao động từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Giá thanh long loại 1 chỉ dao động từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Tánh, hiện giá thanh long hàng chong đèn được thu mua dao động từ 2 - 3 ngàn đồng/kg (loại 1), còn hàng mùa chỉ từ 500 đồng/kg đến 1 ngàn đồng/kg. Điều đáng nói, thời điểm này dù sản lượng thanh long thu hoạch không nhiều nhưng sức mua yếu. Nhiều vườn đến ngày thu hoạch gọi thương lái đến thu mua nhưng rất chậm chạp.

“Lứa thanh long chong đèn đợt cuối hiện có vườn chín, có vườn chuẩn bị chín. Nhưng giá thanh long loại đẹp nhất chỉ 2-3 ngàn đồng/kg. Trong khi cách đây 1 tháng, giá thanh long dao động từ 10-11 ngàn đồng/kg, còn cách đây 2-3 tháng trước từ 15-20 ngàn đồng/kg”, ông Tánh chia sẻ.

Ông cho biết thêm, với giá thanh long trên, nông dân thu hoạch lứa thanh long chong đèn đợt cuối năm 2021 sẽ thua lỗ nặng.

Còn đối với lứa thanh long hàng mùa sắp bước vào thu hoạch rộ tới đây, dù không đầu tư nhiều như hàng chong đèn song chắc chắn sẽ ảnh hưởng thu nhập của bà còn nông dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở thôn 1, người cùng xã với ông Tánh hiện còn 8 tấn thanh long chong đèn đợt cuối sắp thu hoạch trong 10 ngày tới, chi phí đầu tư lứa này khoảng 8 ngàn đồng/kg.

Giá thanh long quá rẻ nên nông dân không dám đầu tư. Vì vậy 1.000 trụ thanh long của gia đình ông Thành đang trong giai đoạn vuốt tai, rất quan trọng để làm cho mẫu mã đẹp. Nhưng gia đình không dám mướn công vuốt tai thanh long.

"Nếu bán thanh long giá 2-3 ngàn đồng/kg như hiện tại, càng đầu tư sẽ càng lỗ nặng. Hơn nữa những ngày qua, các mấy vườn thanh long của hộ gần bên thu hoạch bán cũng rất trầy trật. Thương lái cứ hẹn ngày hẹn khất lần nhưng không thấy tới thu mua, dù sản lượng thời điểm này không nhiều", ông Thành buồn bã cho biết.

Liên lạc một số doanh nghiệp thu mua thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc ở Bình Thuận cũng xác nhận sản lượng thanh long thời điểm này không nhiều, song giá thu mua ở mức thấp, trung bình chỉ 2-3 ngàn đồng/kg.

Ông Đỗ Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Bé Dũng (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, tình hình xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc hiện diễn ra bình thường.

Tuy nhiên sở dĩ giá thanh long thu mua ở mức thấp bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thị trường Trung Quốc "ăn chậm". Cộng với thời điểm này đang là mùa thu hoạch trái cây ở nhiều nước trong khu vực đều xuất sang thị trường này dẫn đến đụng chợ, nguồn cung dồi dào. Mặt khác, hiện phía Trung Quốc thời điểm này cũng trồng và thu hoạch thanh long khá nhiều.

Khuyến khích tiêu thụ nội địa

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, từ tháng 6 đến tháng 10/2021, thanh long Bình Thuận sẽ bước vào vụ thu hoạch chính vụ. Trong đó, từ tháng 6 đến tháng 7 tỉnh Bình Thuận sẽ thu hoạch khoảng 80.000 tấn thanh long.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết để ứng phó với những khó khăn trong tiêu thụ thanh long, Sở NN-PTNT tập trung khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất rải vụ, nhất là sản xuất thanh long. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ.

Còn ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, trong trường hợp ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu thanh long bị ngưng trệ, tỉnh sẽ vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long trên địa bàn dự trữ hàng trong kho lạnh để xuất khẩu chính ngạch, tiêu thụ nội địa và chuẩn bị xuất khẩu.

Tỉnh Bình Thuận đang lên phương án tiêu thụ thanh long chính vụ trong trường hợp xuất khẩu bị ngưng trệ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Bình Thuận đang lên phương án tiêu thụ thanh long chính vụ trong trường hợp xuất khẩu bị ngưng trệ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu.

Đồng thời, Sở sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và các thị trường truyền thống khác. Song song đó, có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước cũng như xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long khi có tình huống bất lợi xảy ra, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai các hội nghị, các đợt xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ bằng hình thức trực tuyến.

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị hỗ trợ tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

Tuy nhiên trước mắt, phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại cùng với các đối tác của sàn thương mại điện tử như: Shopee, TiKi, Sendo, Lazada,… hỗ trợ mở các gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận và từng bước hướng dẫn các doanh nghiệp tự chủ trong các hoạt động thương mại điện tử.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.