| Hotline: 0983.970.780

Giá thức ăn chăn nuôi chót vót

Thứ Tư 17/03/2021 , 07:52 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Riêng người nuôi heo gặp khó khăn kép.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, khiến hộ nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Đảm. 

Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, khiến hộ nuôi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Đảm. 

Nuôi heo khó gặp khó

Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, trước khi xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi, tổng đàn heo của tỉnh dao động khoảng 330.000 con/năm. Khi xảy ra dịch bệnh, số nhiễm bệnh bị tiêu hủy (hơn 49.000 con), một số sau khi bán người nuôi không dám tái đàn, khiến cho số lượng đàn heo của tỉnh sụt giảm mạnh. Thời điểm giảm mạnh nhất (tháng 4/2020), toàn tỉnh chỉ còn hơn 147.000 con heo.

Nhằm khôi phục chăn nuôi heo đảm bảo hiệu quả, giảm nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo Châu Phi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tổ chức hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi áp dụng chặt chẽ, linh hoạt các biện pháp cách ly, quy trình an toàn sinh học và hỗ trợ chuyên môn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trang trại, gia trại có điều kiện chăn nuôi khép kín thúc đẩy tăng trưởng đàn heo.

Ngoài các hộ dân tự đầu tư chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn có nhiều hộ nuôi heo gia công cho các công ty. Cụ thể số hộ chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P hiện có 31 trại, với đàn heo từ 700 - 2.400 con/trại. Nhờ các trại nuôi gia công này, đã duy trì đàn bình quân đạt 30.000 con/tháng cung ứng ra thị trường, góp phần đáng kể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo cho người tiêu dùng.

Đến cuối năm 2020, tổng đàn heo của tỉnh Kiên Giang đã tăng lên trên 200.000 con. Kế hoạch năm 2021 của tỉnh là tăng đàn heo lên mức 250.000 con. Theo Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Kiên Giang sẽ duy trì tổng đàn heo thường xuyên ở quy mô từ 400.000 – 450.000 con. Trong đó, heo được chăn nuôi trang trại, nuôi công nghiệp chiếm trên 40%.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng giá heo hơi vẫn giữ nguyên, đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi. Ảnh: Minh Đảm.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng giá heo hơi vẫn giữ nguyên, đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi. Ảnh: Minh Đảm.

Tỉnh xác định heo vẫn là vật nuôi chính, được tiếp tục phát triển theo hướng tăng tổng đàn nhưng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, mở rộng hình thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, với các giống heo bản địa, heo lai cao sản…

Như vậy so với cả nước thì tốc độ tái đàn heo của tỉnh Kiên Giang còn thấp và nằm ở ngưỡng chung của toàn vùng ĐBSCL (chỉ đạt hơn 60% so với trước dịch bệnh xảy ra). Nguyên nhân chủ yếu là tâm lý lo ngại dịch bệnh tiếp tục xảy ra nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn. Hơn nữa, heo nái, heo nọc giống bố mẹ là đối tượng mẫn cảm với bệnh dịch tả heo Châu Phi và đã bị hao hụt đáng kể, dẫn đến thiếu nguồn cung cấp con giống, đã gây không ít khó khăn cho việc khôi phục chăn nuôi thời gian qua.

Nuôi tôm, gia cầm ngắc ngoải

Chưa kịp gượng dậy sau đợt dịch bùng phát mạnh, nông dân lại phải đối mặt với giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào tăng cao. Các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng đồng loạt gần 40 nghìn đồng/bao (25 kg/bao) từ tháng 9/2020 đến nay.

Hiện tại, giá thức cho heo hiện nay dao động khoảng 300.000 đồng/bao. Giá thức ăn cho gà cũng hơn 260.000 đồng/bao. Chỉ trong thời gian ngắn, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến nhiều người chăn nuôi heo không còn hào hứng với ngành này nữa.

Anh Nhân, chủ đại lý thức ăn Hưng Thịnh (ở xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Hiện nay, mỗi con heo nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 9 bao thức ăn. Với tình trạng giá thức ăn tăng lên gần 40.000 đồng/bao như hiện nay, trước mắt chi phí thức tăng gần 360.000 đồng/con. Giá heo hơi hiện nay dao động 72.000 - 73.000 đồng/kg nên người nuôi vẫn còn có lợi nhuận. Tuy nhiên, những người nuôi gia cầm thì gần như bỏ cuộc rất nhiều vì lợi nhuận thấp hoặc lỗ.

Ông Nguyễn Minh Triết, chủ lò ấp gia cầm ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, cơ sở của ông giao con giống gia cầm cho người nuôi khắp các tỉnh ĐBSCL. Giá thức ăn tăng cao khiến lợi nhuận chăn nuôi giảm, hiện nay giá gà con giảm thấp mà cũng không tiêu thụ được.

Hiện nay, giá thức ăn lên cao quá mà giá gà thịt (gà nòi) không tăng, chỉ trên dưới 60.000 đồng/kg thì mức lợi nhuận thấp không kích thích người nuôi. Trong khi đó, đầu ra tiêu thụ con giống hiện đã giảm khoảng 50% so với trước. Cùng kỳ năm trước, cơ sở của anh Triết mỗi ngày giao người ta 4.000 – 5.000 con gà giống, hiện giảm chỉ còn 1.500 – 2.000 con. Nông dân than không biết nuôi con gì nữa!

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến nhiều hộ nuôi lo ngại không dám tái đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến nhiều hộ nuôi lo ngại không dám tái đàn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Triết cho biết thêm, với giá thức ăn tăng như hiện nay, cho dù người nuôi có kỹ thuật tốt gà lớn đều, đạt năng suất cao nhất thì giá gà thịt phải từ 55.000 đồng/kg trở lên thì mới có thể duy trì chăn nuôi. Hiện nay, nhiều người nuôi đã bỏ trại chuyển đổi chăn nuôi rất nhiều.

Anh Trần Thiện Thanh, ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang nuôi hơn 5.000 gà nòi lấy trứng cho biết: Do giá thức ăn tăng cao, giá trứng gà giảm thấp không ổn định nên thời gian qua anh đã phải giảm đàn hơn phân nữa, chỉ nuôi cầm chừng chờ ngày khôi phục lại.

“Thời gian vừa qua, giá thức ăn tăng lên kéo theo giá thành trứng gà tăng lên 500 đồng/trứng. Mà giá trứng hiện nay thấp quá do đầu ra con giống không chạy nên mỗi trứng bây giờ tôi lỗ khoảng 1.500 đồng. Thấy hiu quá nhưng tôi cũng gáng cầm cự chứ biết sao bây giờ!”, anh Thanh than thở.

Tại vùng nuôi tôm Bán đảo Cà Mau những ngày qua, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi của các thương hiệu như: Hi-Gro, AnCo, Vina, Green Feed, Dabaco, Lái Thiêu ở mức từ 220.000-450.000 đồng/bao/25kg.

Ông Trần Oanh Liệt, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết: Gần đây hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều có thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu.

Theo đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán. Trong thời gian tới, hộ dân chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ định tái đàn vì giá thức ăn đầu vào tăng, mà giá đầu ra vẫn ổn định.

Giá tăng cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi lo ngại tới đây sức tiêu thụ hàng hóa bị giảm. Người dân ngán ngại đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là khi giá cả đầu ra nhiều sản phẩm chăn nuôi còn bấp bênh.

Hiện nay, là thời điểm người dân đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu tết Thanh Minh. Do vậy, giá thức ăn tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi về nguồn vốn để tái đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau: Những ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có biến động, giá thức ăn tăng từ 3 – 5%/kg, tùy theo loại. Giá thức ăn tăng làm ảnh hưởng lợi nhuận đến người nuôi, vì giá đầu vào tăng nhưng giá đầu ra lại không tăng. Hiện nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau dao động từ 7.500 – 7.600 đồng/kg.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tương đối ổn định, tổng đàn gia súc gia cầm hiện có tăng so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, tổng đàn heo của tỉnh là gần 78.100 con, tăng 2,5% so với cùng kỳ, tổng đàn gia cầm là 3.173.460 con, tăng hơn 5,2%. Ước thực hiện đến tháng 3, tổng đàn heo xuất chuồng là 47.000 con đạt 24% kế hoạch, đàn gia cầm xuất chuồng là 1.370.000 con đạt 30% kế hoạch.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.