| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 2] Việt kiều bỏ trời Âu về làm bạn với tôm cá

Thứ Sáu 04/10/2024 , 09:00 (GMT+7)

Câu chuyện khiến nhiều người bất ngờ: một kỹ sư 35 năm định cư tại Thụy Điển đã quyết định bỏ trời Âu, trở về làm bạn với tôm cá sông Đà.

Anh Nguyễn Quý Hoàng - Việt kiều Thụy Điển bỏ trời Âu về làm bạn với tôm cá sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Anh Nguyễn Quý Hoàng - Việt kiều Thụy Điển bỏ trời Âu về làm bạn với tôm cá sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Người đầu tiên kéo bè ra lòng hồ Hòa Bình nuôi cá lồng

Đó là Nguyễn Quý Hoàng - Việt kiều định cư tại Thụy Điển đã 35 năm, là kỹ sư, chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực kho lạnh. 6 năm qua, anh Hoàng về nước, hầu như ở hẳn Việt Nam và trở thành “ngư dân vùng lòng hồ” với cơ ngơi là khu bè nuôi cá nước ngọt hơn 30 lồng; một khu nhà nổi rộng 300 m2 nhìn ra vùng lòng hồ rộng mênh mông, chỉ cách đập thủy điện Hòa Bình chỉ vài trăm mét.

Sinh năm 1962, là dân phố cổ Hà Nội “xịn”, khi đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Hoàng nhận được học bổng du học ở châu Âu, chuyên ngành kho lạnh. Tốt nghiệp, anh định cư lại Thụy Điển, là kỹ sư, chuyên gia về lĩnh vực này.

Năm 2017, một lần về thăm quê, anh tham gia tour du lịch lòng hồ sông Đà cùng bạn bè. Không ngờ, chuyến đi ấy đã khiến anh Hoàng có một quyết định lớn. “Khi đó, tôi từng có suy nghĩ là rất e ngại khi dùng thực phẩm, đồ ăn theo tuor nếu như không biết rõ nguồn gốc, nhất là khi biết rằng thủy sản tôm cá nuôi công nghiệp thường lạm dụng nhiều thức ăn công nghiệp. Vậy nhưng, đêm hôm đó cả đoàn lư trú lại một homestay của một nhà dân trong bản ven lòng hồ, thực đơn chủ nhà đưa lên có món cá lăng. Vợ chồng ông bà người Mường cho biết, đây là cá tự nhiên từ lòng hồ mà gia đình đánh bắt được. Tôi nếm thử thì trời ơi, nó thơm, ngon và sạch vô cùng. Nó khác hẳn với những loại cá nuôi vẫn bán ở chợ, thịt mềm, bã, nhạt tỷ lệ mỡ rất cao”, anh Hoàng kể.

Cơ ngơi khu bè nổi 40 lồng của anh Hoàng.

Cơ ngơi khu bè nổi 40 lồng của anh Hoàng.

Anh Hoàng là một trong những người đầu tiên kéo bè ra neo ngay gần cửa đập thủy điện Hòa Bình để nuôi cá trên lòng hồ. Ảnh: K.Trung.

Anh Hoàng là một trong những người đầu tiên kéo bè ra neo ngay gần cửa đập thủy điện Hòa Bình để nuôi cá trên lòng hồ. Ảnh: K.Trung.

Sớm hôm sau trở dậy, anh Hoàng theo chân vợ chồng người Mường đi cất vó sông, tận mắt nhìn ngắm vùng lòng hồ rộng lớn, trong lành, nước xanh đen, vô cùng sạch sẽ. Ý tưởng thả một vài bè nuôi cá trên vùng lòng hồ manh nha trong anh.

Là người làm công việc kỹ thuật nên kỹ sư Nguyễn Quý Hoàng vô cùng cẩn trọng. Anh liên hệ với cơ quan chuyên môn của Hòa Bình để tìm hiểu các thông số quan trắc về chất lượng, thành phần nguồn nước lòng hồ; tìm hiểu các kỹ thuật nuôi cá lồng, cá bè nước ngọt; cất công xuống các vùng nuôi cá nước ngọt tập trung ở Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định… để tìm hiểu. Giữa năm 2017, anh Hoàng kéo 2 lồng nuôi ra neo đậu tại một vũng hồ kín gió, kín sóng; hai bên, trước mặt có núi bao quanh, và gần với chân đập Thủy điện Hòa Bình.

“Đây là vị trí rất thuận lợi, gần với thành phố, gần với khu dân cư nên có thể kéo điện ra ngoài bè nuôi. Vùng lòng hồ trải dài 80km từ chân đập thủy điện lên tới thượng nguồn nên nguồn nước tự nhiên dồi dào; các giống loài thủy sinh, nhuyễn thể… làm thức ăn cho cá rất phong phú. Đó là những điều kiện tiên quyết để nuôi được sản phẩm cá sạch, chất lượng cao”, anh Hoàng nói về quá trình chuẩn bị cho quyết định làm bạn với tôm cá sông Đà.

Trở thành chuyên gia cá sông Đà

Thời điểm 2017, anh Hoàng là một trong những người đầu tiên kéo bè ra khu vực gần chân đập thủy điện để nuôi cá lồng. Ban đầu chỉ là “nuôi chơi”, vừa để thỏa mãn đam mê sống sạch, vừa tự sản tự tiêu, tự tay chăn thả để có cá bán tự nhiên làm thực phẩm. Thế nhưng, càng gắn bó lâu, anh càng “ngập sâu” rồi trở thành một trong những cơ sở nhà lồng quy mô lớn trong lòng hồ.

Anh Nguyễn Quý Hoàng. Ảnh: Kiên Trung.

Anh Nguyễn Quý Hoàng. Ảnh: Kiên Trung.

Chiều đầu thu. Cơn gió heo may đầu mùa vẽ những gợn sóng xô nhau trên mặt hồ phẳng lặng, tưởng như không có điểm dừng. Nắng thu khô hanh, dù đã được hơi nước lòng hồ tăng cường thêm độ ẩm nhưng vẫn rát mặt. Xoay trần trên khu bè kiên cố, ông chủ của 40 lồng bè đang đi thăm cá trong lúc đợi chiếc thuyền đánh cá hẹn trước một lúc nữa sẽ mang cá tép dầu đến làm thức ăn cho cá.

Tiếng là “nuôi cá lồng” và vẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi, nhưng thực chất, vùng nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện là những khu vực bán tự nhiên, bán hoang dã: mỗi khu cách nhau vài trăm mét, mật độ lồng thưa, không quá dày để đảm bảo khoảng không cho cá thở, không gây cản trở dòng thủy lưu tự nhiên, nhờ đó, nước trong lòng hồ được lưu thông, không bị tụ rác, không bị tồn dư thức ăn thừa của cá… gây biến đổi chất lượng nước.

Trong khu bè 40 lồng nuôi, anh Hoàng phân chia thành các khu theo chủng loại nuôi và chia theo độ tuổi: khu vực dưỡng thả cá giống (thời gian xuống cá giống thường vào đầu năm); khu nuôi cá ở độ tuổi 1 năm, 2 năm; khu lồng nuôi cá rô phi, lồng nuôi cá trắm đen; lăng đen, lăng đuôi đỏ… Sự phân bố khoa học này giúp người nuôi chủ động kiểm soát được lượng thức ăn, kiểm soát được môi trường nước, đồng thời giúp cá có không gian, môi trường ổn định trong quá trình sinh trưởng.

Một con trắm đen nuôi thả trên 3 năm trong môi trường nước lòng hồ thủy điện sông Đà.

Một con trắm đen nuôi thả trên 3 năm trong môi trường nước lòng hồ thủy điện sông Đà.

Những lồng cá lao xao nổi lên đớp mồi khi đến giờ cho cá ăn. Ảnh: Kiên Trung.

Những lồng cá lao xao nổi lên đớp mồi khi đến giờ cho cá ăn. Ảnh: Kiên Trung.

“Thời gian nuôi cá sông Đà từ lúc cá giống đến khi đạt kích cỡ thương phẩm là 2-3 năm/lứa, dài gấp 6 lần thời gian nuôi tại các vùng nuôi công nghiệp. Đó là lý do tôi khẳng định, dù là nuôi cá lồng nhưng cá sông Đà vẫn đạt các chỉ số của cá ngoài tự nhiên, cá hoang dã. Người nuôi vẫn sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá nhưng tỷ lệ thấp, không lạm dụng, không kích thích, cưỡng ép cá phát triển.

Tại bè của tôi, đến mùa cá tép dầu, tôi hợp đồng với thuyền đánh bắt tự nhiên thu mua tép dầu để làm thức ăn cho cá. Đó là nguồn thức ăn tự nhiên, sạch và đảm bảo chất dinh dưỡng. Một lát nữa bạn sẽ được tận mắt nhìn tép dầu sông Đà nó tươi, ngon như thế nào. Đấy là thứ mà tôi vẫn mua về làm thức ăn cho cá lồng!”, ông kỹ sư người Việt Nam quốc tịch Thụy Điển, một chuyên gia có tiếng về đông lạnh, giờ đây đã trở thành một ngư dân vùng lòng hồ say mê nói về thương hiệu cá sông Đà.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.