| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Thứ Năm 03/10/2024 , 09:00 (GMT+7)

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!

LTS: Con sông Đà hùng vĩ chảy trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc từ lâu đã định danh “thương hiệu” cho những vùng miền đất mà nó đi qua, từ những vùng ghềnh thác hiểm nơi thượng nguồn Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình cho tới nơi lắng dịu, dềnh dàng mạn hạ lưu Phú Thọ. Sông không chỉ chảy trên những vùng miền địa lý, nó còn chảy trên những tác phẩm văn học, là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, nhạc họa…, làm nên những vùng văn hóa ven sông…

Từ thuở nhà văn Nguyễn Tuân gạn nước sông Đà thành tùy bút, đến thời điểm công trình thế kỷ - Thủy điện Hòa Bình đắp đập chặn dòng…, dòng sông bất kham đã trở thành hoài niệm, nhưng nó không mất đi mà biến hình thành vùng lòng hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á.

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà đang hiện hữu ở một thân phận mới: vùng lòng hồ của những cá tôm, và những người nuôi cá sông Đà đang dệt một giấc mơ lớn mang tên: ngành hàng thủy sản của vùng lòng hồ thủy điện sông Đà rộng lớn.

Con sông cá tính, kiêu ngạo - “Chúng thủy giai đông tẩu/Đà giang độc bắc lưu” đã hy sinh cái tôi ngạo nghễ, cất giấu những thác ghềnh hiểm trở dưới lòng sâu nhường chỗ cho những giấc mơ lớn trên vùng hồ trỗi dậy.

4h sáng. Ông Nguyễn Văn Hanh thức giấc, gọi vợ mình là bà Bùi Thị Đáy - cô gái Mường đất Thung Nai 40 năm trước theo ông về bản Vôi kết nghĩa vợ chồng, cùng thức dậy để bắt đầu một ngày mới. Bà Đáy khi ấy đã tỉnh, chỉ đợi chồng gọi lấy lệ.

Ông Nguyễn Văn Hanh, người Mường bản Vôi - người đánh thức lòng hồ sông Đà lúc 4h sáng cho một ngày mới. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Văn Hanh, người Mường bản Vôi - người đánh thức lòng hồ sông Đà lúc 4h sáng cho một ngày mới. Ảnh: Kiên Trung.

Hai ông bà lần theo ánh đèn pin loang loáng, bước trên những bờ gạch trổ từ con dốc thoải xuống bờ sông, nơi một chiếc thuyền nan đang ghếch mũi. Trong lúc ông Hanh hít một hơi thật sâu những mát lành và trong trẻo của sông Đà buổi tinh sương, bước lên thuyền tìm mái chèo, bà Đáy cởi nút thắt chiếc dây thừng ở mũi thuyền rồi nhún người bước theo, chân kia đạp mạnh vào mỏm đá tạo lực đẩy khiến con thuyền thoáng tròng trành, dịch ra khỏi bờ.

Tiếng nước ì oạp vỗ vào mạn thuyền. Đấy cũng là lúc sông Đà thức giấc!

Diện mạo mới trên dòng sông dữ

Thực ra, nếu gọi đúng thì phải là vùng lòng hồ thủy điện, hay hồ Hòa Bình. Thế nhưng, “sông Đà” đã ăn sâu vào tiềm thức người dân ven sông, sâu tới mức, dù nửa thế kỷ sông biến thành hồ, ông Hanh vẫn quen gọi tên sông như chưa hề có sự biến đổi.

Khi dự án ngăn sông Đà xây đập thủy điện mới manh nha ý tưởng, ông Hanh 18 tuổi, và được chứng kiến trọn vẹn cuộc thiên di. Giai đoạn đầu những năm 1980, gia đình ông Hanh thuộc dạng khá giả nhất bản Vôi, ruộng cấy mỗi năm thuận thiên hai vụ thu được 5 - 6 tấn thóc, đủ ăn cả năm không lo thiếu gạo; đàn trâu chục con lộc ngộc kín chuồng… Có của ăn của để, cha mẹ ông gọi thợ dưới xuôi ngược ngàn, cất ngôi nhà sàn gỗ chắc chắn nhất vùng, 4 gian 28 cột con, cột đại…

Vùng lòng hồ thủy điện sông Đà lúc 5h sáng. Ảnh: Kiên Trung.

Vùng lòng hồ thủy điện sông Đà lúc 5h sáng. Ảnh: Kiên Trung.

Theo tiếng gọi của Nhà nước, 18 hộ dân bản Vôi di dời xuống vùng Chăm - Mát, cách nơi ở cũ gần 10km nhường đất cho lòng hồ. Chế độ chính sách ngày ấy, nhà ông Hanh nhận được 300 đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, thêm 6 tháng hỗ trợ gạo ăn. “300 đồng ngày ấy lớn lắm, mua được cả đàn trâu mộng. Mấy năm sau mới đến đận đổi tiền… (năm 1985 - PV)”, ông Hanh nhớ lại.

Cuối năm 1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành sau 15 năm xây dựng. Thủy điện tích nước tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn. Bà con nhớ bản cũ lại lục tục tìm về. Những ngôi nhà sàn dựng mới chênh vênh trên những sườn núi mà trước kia đều là những đỉnh chon von. Bản mới về vẫn ở tọa độ cũ, vẫn lấy tên bản cũ. Nếu buộc viên gạch vào sợi dây làm quả dọi thả xuống như thợ xây, thì bản Vôi cũ nằm ở ngay phía dưới đáy chiếc thuyền mà vợ chồng ông Hanh đang chèo, nằm dưới độ sâu theo quả quyết của ông Hanh là 115 mét - bây giờ là đáy của lòng hồ.

Ngôi nhà sàn mới dựng của ông Hanh nhìn ra mặt hồ thủy điện mênh mông khoáng đạt, núi non xung quanh như bức tranh sơn thủy. Càng xa, mặt hồ xanh thẳm, càng xanh càng chứng tỏ càng sâu.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hanh, bà Bùi Thị Đáy. Ảnh: Kiên Trung.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hanh, bà Bùi Thị Đáy. Ảnh: Kiên Trung.

Thuyền chậm rãi tiến ra khu điện sáng trưng, nơi đang neo thả những bè cá lồng vuông vức. Vùng nước trước nhà ông Hanh có hai mỏm núi che chắn hai bên tạo thành một hủm kín gió kín sóng, rất thuận cho việc đặt bè nuôi cá lồng. Nhìn thấy vị thế đẹp đẽ, thuận lợi này, ba ông chủ dưới thành phố Hòa Bình 5 năm trước đã xuống đây cắm bè, nhận chỗ, dựng lên 3 khu bè với cả thảy 60 lồng nuôi chắc chắn.

Ông Hanh khéo léo điều khiển chiếc thuyền táp vào gần một chiếc vó rộng chừng 30m2 thả nổi trên mặt nước, bên trong thắp đèn điện sáng trắng. Phía bên kia hồ, một dãy cũng đèn điện sáng lóa kéo dài như một thành phố nổi. Tất cả đều là những vó đèn - chiếc bẫy gọi cá tự nhiên thời hiện đại của những bản làng sống ven vùng hồ, ở chính giữa thắp một ngọn đèn điện dụ cá.

“Bẫy đèn là cách dụ cá bằng ánh sáng về đêm, nên sáng sớm khi mặt trời chưa lên phải ra kéo vó. Nếu không cất vó kịp, trời sáng cá sẽ ra hết”, ông Hanh giải thích trong lúc dùng tay quay tời để thu sợi dây chão đang căng 4 góc lưới, từ từ nâng lưới lên khỏi mặt nước. Khi mép lưới nhô lên cao khoảng nửa mét, ông lách thuyền áp sát một bên lưới, cùng vợ vén lưới như người ta cuốn chiếu…

Một chiếc thuyền máy khai thác cá tự nhiên trên lòng hồ thủy điện với dụng cụ lưới quét đặt tại mũi thuyền để bắt cá tép dầu và những loài cá tầng nước nổi. Ảnh: Kiên Trung.

Một chiếc thuyền máy khai thác cá tự nhiên trên lòng hồ thủy điện với dụng cụ lưới quét đặt tại mũi thuyền để bắt cá tép dầu và những loài cá tầng nước nổi. Ảnh: Kiên Trung.

Mỗi lần lưới được vén lên, bên trong, những tôm cá bắt đầu lao xao. Đàn cá bị dồn vào một khoảng chật hẹp vừa đủ, bằng một cú hẩy tay mạnh và dứt khoát, lão nông 60 tuổi người Mường hất mảnh lưới, hoàn thiện công đoạn cuối cùng. Bao nhiêu cá tôm từ lòng hồ nhanh chóng chuyển hết vào trong thuyền.

Việc thu hoạch vó đèn của ông Hanh mất chừng 25 phút, từ lúc quay tời kéo lưới, vén lưới dồn cá, bắt cá và sau đó thả tời đặt vó lại như cũ. Sớm nào ông cũng khởi đầu một ngày mới bằng công việc trên với 3 chiếc vó đèn. Khi chiếc vó cuối cùng thu xong thì phía trời đông bắt đầu hửng sáng. Những vệt sáng đỏ hé lên từ mép nước, loang dần lên trên những đỉnh núi rồi dần dần nhuộm kín cả khoảng trời, nhanh chóng choán chỗ của màn đêm vừa mới đây còn thống trị.

Bà Đáy nhanh nhẹn lấy chiếc rổ nhựa cỡ lớn, dùng vợt chao hết số cá từ trong lòng thuyền sang. Vó đèn đặt trên mặt tầng nước nổi nên chủ yếu bắt những loài thủy sản tầng nổi, mùa nào giống nấy. Chớm thu là mùa cá tép dầu - loại cá mình thon, dài và to gần ngón tay trỏ; sang xuân sẽ là mùa cá ngần; cá mương hầu như quanh năm, kích cỡ lớn nhất hơn chiếc chuôi dao…

Một khu bè nuôi cá lồng trong vùng hồ thủy điện sông Đà.

Một khu bè nuôi cá lồng trong vùng hồ thủy điện sông Đà.

Những lồng nuôi cá thả ngay bên trên đập thủy điện sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Những lồng nuôi cá thả ngay bên trên đập thủy điện sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Sớm nay, thành quả của ông bà được một rổ cá đầy, hơn chục kg cá tép dầu tươi rói. Thế nhưng, sáng nay mới bằng một phần so với những ngày khác. Lý do: sau đợt mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3, thủy điện mới xả lũ, cùng với đợt không khí lạnh đầu mùa khiến cá di trú, ít đi ăn…

Vợ chồng ông Hanh chỉ là một trong số hàng ngàn hộ dân sinh sống ven lòng hồ, và hầu hết các hộ ven hồ đều là “tay ngang” mới làm quen với nghề sông nước, đánh bắt cá tự nhiên trên sông Đà. Điều tưởng như vô lý ấy lại là một câu chuyện hoàn toàn có lý do: khi sông Đà chưa là hồ tích nước, con sông thác ghềnh hiểm trở này không dành cho những vạn chài. Người Thái, người Mường bắt được cá tự nhiên chủ yếu là dùng bẫy cá, đặt lưới, đặt đăng đó… hay cả cách thức dùng mìn cho nổ tung một khúc sông, sau đó ra vớt cá chết nổi lên trên mặt nước.

Chục năm trở lại đây, khi Hòa Bình xây dựng Nghị quyết phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản để khai thác tiềm năng thủy sản vùng lòng hồ, Hòa Bình mới manh nha nghề cá. Trải dọc 80km chiều dài và 8.900ha diện tích lòng hồ, trên hồ Hòa Bình mới có 1.480 thuyền khai thác, 440 vó đèn… và 1.300 loại lưới, nghĩa là trình độ đánh bắt còn hết sức sơ khai. Thế nhưng, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên năm 2023 đạt 2.400 tấn - con số gây ngạc nhiên với trình độ nghề cá của người dân bản địa, nhưng nó cho thấy, tiềm năng vùng lòng hồ rõ ràng rất lớn!

Xem thêm
Kỷ luật loạt cán bộ ở Tuyên Quang do liên quan Tập đoàn Thuận An

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Chẩu Văn Lâm.

Nuôi cá đồng trong bể nổi ở xã NTM kiểu mẫu Nam Phong

Vừa dẫn tôi vào khu bể nổi nuôi các loại cá đồng Nguyễn Thị Phương Lan vừa giới thiệu, trước đây là trại lợn khép kín, hiện đại của người bác ruột.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Ám ảnh trận lũ quét lớn nhất 70 năm qua

Người dân bản Đửa khẳng định trong đời họ chưa từng chứng kiến trận thiên tai nào kinh hoàng đến thế, mọi thứ đến quá nhanh, ngỡ ngàng vượt ngoài sức tưởng tượng.