| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp hiện đại

Thứ Tư 29/06/2022 , 14:18 (GMT+7)

Vĩnh Phúc Bên cạnh nguồn vốn, cơ sở vật chất thì nhân lực được xác định là chủ thể quan trọng của quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỷ lệ làm đất bằng máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chiếm trên 95% tổng diện tích; hơn 70% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Ảnh: Bích Phượng.

Tỷ lệ làm đất bằng máy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chiếm trên 95% tổng diện tích; hơn 70% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Ảnh: Bích Phượng.

Trước “rào cản” lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn còn yếu và thiếu, Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực có thể đáp ứng đầy đủ cả về kỹ năng, tư duy để khai thác, sử dụng tốt các công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến nhất vào sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ trong sản xuất

10 năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao, đưa cây con, giống mới vào sản xuất đã giúp ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc gặt hái nhiều thành quả quan trọng.

Nếu như năm 2012, giá trị nông nghiệp toàn tỉnh chỉ đạt trên 8.200 tỷ đồng thì đến hết năm 2021, đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 1,33 lần. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo đúng hướng, tỷ trọng trồng trọt giảm còn 39%, chăn nuôi tăng hơn 54%.

Trang trại Đào Gia Trang của chị Văn Thị Yến, ở khu 10, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Sau những thành công bước đầu khi kiên trì theo đuổi mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà kính theo hướng VietGAP, mới đây, chị Yến lại là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh tiên phong thử nghiệm gói giải pháp Smart Farm (nông nghiệp công nghệ cao) của Công ty Cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông trên cây dưa lưới.

Thông qua các thiết bị điều khiển thông minh, không chỉ giúp cây dưa phát triển nhanh, chất lượng và độ ngọt tăng từ 10 - 15% so với trước mà điểm tối ưu là khâu vận hành rất dễ dàng và hiện đại, không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Qua điện thoại thông minh kết nối internet, ở bất kỳ đâu chị Yến cũng có thể chăm sóc, điều chỉnh lượng nước, nhiệt độ hệ thống nhà vườn.

Phương pháp này cũng có thể áp dụng đối với các loại cây trái vụ khác thông qua điều chỉnh, thay đổi thông số kỹ thuật bảo đảm phù hợp với từng loại cây trồng. Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chị Yến đã và đang tận dụng công nghệ thông tin để tham gia các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản và sử dụng thành thạo phương thức thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

Hiện tỷ lệ làm đất bằng máy trên địa bàn tỉnh đang chiếm trên 95% tổng diện tích; hơn 70% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Đặc biệt, bắt nhịp tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, chủ động tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giảm việc sử dụng thuốc trừ dịch hại, bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng, giữ cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu độc hại cho môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.

Trang trại Đào Gia Trang sử dụng giải pháp Smart Farm chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao,nông nghiệp chính xác cho vườn dưa lưới. Ảnh: Bích Phượng.

Trang trại Đào Gia Trang sử dụng giải pháp Smart Farm chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao,nông nghiệp chính xác cho vườn dưa lưới. Ảnh: Bích Phượng.

“Điểm nghẽn” khi áp dụng công nghệ cao 

 Tuy nhiên, không phải bất cứ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cũng thành công như chị Yến, thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã phải “khóc ròng”, chịu thất bại sau khi đầu tư cả tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vì thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao nên không thể làm chủ khoa học công nghệ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, trên thực tế lực lượng lao động hiện nay vẫn chủ yếu là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Trong đó, chỉ tính riêng ở khu vực hợp tác xã, có hơn 53% lao động chưa qua đào tạo, đa số chỉ làm theo thời vụ; số có trình độ đại học, cao đẳng mới chỉ chiếm hơn 14%; độ tuổi cán bộ quản lý hợp tác xã dưới 30 tuổi chỉ chiếm hơn 20%... Đáng nói, trong số gần 190 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động mới chỉ có chưa tới 10% ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh những yếu tố về nguồn vốn, cơ sở vật chất, với đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chủ yếu là người cao tuổi, chưa qua đào tạo, các hợp tác xã sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công tác quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong thời điểm nền nông nghiệp hàng hóa đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Chia sẻ về “điểm nghẽn” khiến nhiều HTX gặp khó khăn chưa thể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh nông sản, ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa thừa nhận, hầu hết lãnh đạo trong các hợp tác xã nông nghiệp đều cao tuổi, chậm và ngại thay đổi, rất khó thích ứng với nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Riêng hợp tác xã của ông, từ khi bắt đầu thành lập đã chủ động xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng dẫn xã viên sản xuất theo quy trình VietGAP và đầu tư kho lạnh, khu sơ chế để bảo quản sản phẩm.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hợp tác xã đã gặp phải không ít khó khăn, nhất là vấn đề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một phần nguyên nhân là do cả 4 thành viên trong Ban Giám đốc đều đã chạm ngưỡng 50 tuổi nên việc tìm hiểu thông tin trên internet, ứng dụng công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, quảng bá thương hiệu không nhạy bén bằng lớp trẻ.

Tìm hiểu được biết, đầu năm 2019, theo Kế hoạch 9228 của UBND tỉnh về triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa của ông Dũng là 1 trong 4 đơn vị đầu tiên được đón kỹ sư trẻ về làm việc.

Ngay khi về cơ sở, kỹ sư trẻ đã phát huy trí tuệ, sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tham mưu nhiều giải pháp mới thúc đẩy sản xuất hiệu quả, góp phần đưa doanh thu năm 2019 của hợp tác xã đạt hơn 7 tỷ đồng. Đặc biệt, sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã đã có mặt ở hệ thống các siêu thị BigC toàn miền Bắc; 2 bếp ăn tập thể ở Hà Nội và 1 công ty chế biến nông sản ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với sản lượng cung ứng bình quân đạt từ 150 - 200 tấn/tháng.

Thế nhưng, chưa kịp mừng, đầu năm 2020, kỹ sư này đột nhiên xin nghỉ việc khiến những dự định phát triển theo hướng mới của hợp tác bị ảnh hưởng không nhỏ… Và chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, chương trình thí điểm đưa kỹ sư về làm việc ở hợp tác xã của tỉnh đã phải tạm dừng do các cán bộ trẻ chỉ được ký hợp đồng và hỗ trợ theo mức lương tối thiểu vùng, nguồn thu nhập không bảo đảm nên xin rút để tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Giải bài toán thiếu nhân lực 

 Để từng bước giải bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, cùng với các cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tranh thủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kế hoạch Chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn… nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút lao động chất lượng cao vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc dành cho đào tạo, thu hút lao độngchất lượng cao vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Bích Phượng.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc dành cho đào tạo, thu hút lao độngchất lượng cao vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Bích Phượng.

Riêng khu vực kinh tế tập thể, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có ít nhất 24% cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng doanh thu và lãi của các hợp tác xã tăng bình quân từ 5 - 6%/năm.

Theo đó, cùng với tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, thành viên, người lao động của hợp tác xã về nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, chính sách, pháp luật có liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo tối đa hai cán bộ, thành viên/hợp tác xã và không quá 25 triệu đồng/người/khóa.

Đồng thời, hỗ trợ hằng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 1 người/tổ chức kinh tế tập thể và thời gian hỗ trợ không quá 3 năm/hợp tác xã cho người tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trên đại học có nhu cầu về làm việc cho các hợp tác xã.

Hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng/lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng trong điều hành hoạt động của hợp tác xã, hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.