| Hotline: 0983.970.780

GIAI ĐIỆU LÚA

Thứ Tư 12/10/2011 , 18:54 (GMT+7)

Nói đến “lúa” là rất dễ chạm vào ẩn dụ về nông mùa, quê kiểng. Ở một góc nào đó là cảm xúc về gốc gác, chân chất, ân tình xóm thôn…

Nói đến “lúa” là rất dễ chạm vào ẩn dụ về nông mùa, quê kiểng. Ở một góc nào đó là cảm xúc về gốc gác, chân chất, ân tình xóm thôn…

Đó thường là liên tưởng của người thành phố, người mua gạo ở các siêu thị, quen gọi hàng xáo mang gạo đến nhà… Tôi cũng là thị dân như hàng triệu người sống ở Hà Nội. Thế nhưng cái gốc gác xuất thân của ông bà, cha mẹ chảy trong huyết mạch níu kéo tôi lắng với suy tư của người làm ra lúa gạo, nhận ra cái đẹp của hạt lúa củ khoai. Trời đất năm nay tưởng như mưa thuận gió hòa trong suốt tám tháng, mà té ra bộc phát trắc trở của lũ dâng ở miền Tây Nam bộ, của những cơn bão liên tiếp số 4, số 5, số 6 và chắc là còn nữa. Ai ngờ được những thoắt biến thiên tai của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể thoắt cướp đi những cánh đồng vàng.

Ấy là cái khó thứ nhất, hầu như chẳng bao giờ vợi ngớt năm này qua năm khác trong sự sinh thành ra hạt gạo. Và, trong khi những mùa vụ từ đầu năm đến nay tưởng như đơm đầy năng suất, tạo thêm một triệu tấn lúa, kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ đạt mức kỷ lục  thì người làm ra lúa, người chế biến gạo xuất khẩu lại phải đương đầu với lạm phát, vốn vay lãi suất cao, thị trường thế giới đầy biến động và khủng hoảng về tài chính…

Thì vẫn, các mâu thuẫn trong phát triển luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, như dòng chảy luôn có những đoạn xoáy ngược chiều, những hụt hẫng có thể nhấn chìm mọi cá thể tham gia vào cuộc trôi của sông bể. Dẫu biết vậy, thế nhưng có đồng hành cùng hạt lúa mới thấy hết gian nan, hiểm nguy rình rập, thấy cái mong manh giữa được và mất, giữa thắng và thua, lỗ và lãi, mồ hôi và nước mắt của nghiệp nhà nông.

Đang bộn bề vất vả chừng ấy, lo lắng chừng ấy, tôi nhận được lời mời của Tổng Giám đốc TCTy Lương thực miền Bắc, để rồi chợt sững người trước một Hội diễn văn nghệ của Tổng Công ty khi cơn bão số 6 đang cuồn cuộn ở Biển Đông. Chợt à lên trước một chiêm nghiệm không mới: càng khó khăn càng phải lạc quan, càng phải đoàn kết và khơi dậy sức mạnh tinh thần của những người lao động, như ngày nào “tiếng hát át tiếng bom”. Có lẽ, để dung hòa mớ mâu thuẫn nhiều chiều kia rất cần văn hóa của người dân, văn hóa của doanh nghiệp.

Nếu bạn đồng ý như vậy có nghĩa bạn đã nhận ra vai trò của văn hóa trong phát triển, bạn sẽ như tôi, cảm phục những con người của Hội diễn. Dù lúa gạo đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hãy cứ để tiếng hát được cất lên, cất thật cao và thật hay. Đó là niềm tin, sự lạc quan, bình tĩnh của người có văn hóa. Họ biết thời cuộc, biết qui luật thăng trầm, chủ động chịu đựng và chuẩn bị cho chiến thắng trong "cuộc chiến" sản xuất và xuất khẩu của mình.

Với lại, niềm tự hào, vốn bản sắc của dân tộc Việt từ hàng nghìn năm nay là văn minh lúa nước. Người sáng tạo, gìn giữ và phát triển văn minh ấy cho đến hôm nay phải là người có văn hóa - văn hóa sâu của truyền thống, văn hóa rộng của thời đại, văn hóa cao của lòng tin. Vì vậy, giữa không gian ngập tràn âm nhạc của Hội diễn mà tôi may mắn có cơ hội chứng kiến, tôi chợt hiểu được con người của ngành lương thực nước ta. Họ chẳng quê kiểng, thô kệch chút nào. Họ hoàn toàn hóa thân thành nghệ sỹ một cách tự nhiên, làm văn hóa một cách tự nhiên, tuyên truyền một cách tự nhiên về tình yêu cuộc sống, con người, quê hương, đất nước. Niềm yêu ấy đến lượt mình chảy tự nhiên trong họ như một nguồn động lực, khiến họ dường như cao lớn hẳn lên so với chính họ, so với những trắc trở khó khăn đang cản bước chân. Cái cao lớn ấy – rất đơn giản, nổi bật lên trong từng Giai Điệu Lúa.

Một đêm và một ngày miên man cùng giai điệu lúa trong Cung VH Thiếu nhi Hà Nội giữa lòng Thủ đô, với 200 diễn viên quần chúng từ 22 đơn vị thành viên của TCTy tụ về. Một đêm và một ngày ngỡ ngàng ghi chép, hồi hộp chờ đợi kết quả đánh giá của Hội đồng Giám khảo gồm nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh, nghệ sỹ ưu tú Ma Bích Việt – những tên tuổi nghe đến đã tạo ra một sự tin tưởng về chuyên môn, và chị Nguyễn Thị Kim Liên – Chủ tịch Công đoàn TCTy. Có lẽ tôi không nên quá lệ thuộc vào nhận xét chuyên môn của Hội đồng, mà cứ để cảm nhận tự nhiên của mình và cũng là của bạn – người xem, chi phối và ám ảnh. Nó thật với mình hơn, gần với mình hơn, khiến mình thấy yêu hơn dàn diễn viên “người thực việc thực” từ nhiều địa phương tụ về.

Trong khán phòng chật ních người lao động, cổ động viên, bức họa đồng quê đã được thêu dệt một cách tuyệt vời bởi những lá cờ, tà áo, gương mặt, bước chân, bởi những lời ca như ngọn gió, điệu vũ như mây hồng. Bốn mươi mốt tiết mục được các đơn vị chọn lọc mang về Hội diễn là toàn cảnh bức tranh ấy. Gam màu chủ đạo của cánh đồng là những vũ điệu xanh lúa, vàng hạt, nhấp nhô cuộn sóng, những giọng ca ngọt ngào, dạt dào tình yêu thiên nhiên đất nước, yêu ngành lương thực, vượt lên trên bão lũ để làm ra hạt gạo, mà hơn nữa là hạt gạo thơm hương sắc quê ta. Nếu chọn một cái nền như thế, hẳn 500 con người dự buổi công diễn sẽ cùng gọi tên “Hát mừng Ngành lương thực” –đồng ca của Văn phòng TCTy, “Tổ quốc yêu thương” –đơn ca Bùi Quang Hưng, “Xuân về trên thảo nguyên” - song ca Việt Hằng, Xuân Thủy (những tiết mục đoạt giải A)…

Giữa không gian mênh mang nhiều sắc màu giai điệu có những khoảng lặng thật sâu. Lịch sử khổ đau của dân tộc bị nô lệ dưới ách thực dân khiến sân khấu trầm lại. Để rồi xuất hiện những bước chân âm thầm đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Để rồi xuất hiện rầm rập đoàn quân dân tộc vùng lên giành độc lập, ruộng đất về với nông dân, nhà máy về với công nhân, tự do về lại Tổ quốc, khiến bây giờ lớp lớp thanh niên sâu nặng ngợi ca Người (Dấu chân phía trước – Tiết mục Giải A và Giải dàn dựng công phu; Tháng năm nhớ Bác – Đơn ca Giải A).

Người xem lại ngỡ ngàng với điểm nhấn điệu nghệ của sóng sánh váy thêu mờ tỏ trong sương sớm – họa tiết bất ngờ khiến ta liên tưởng đến những cành đào rung rinh giữa khung cảnh ruộng bậc thang như tranh vẽ Tây Bắc (Chị Mai xuống chợ - Giải B song ca); của chênh chao con đò Nam Định trôi trong mượt mà, phúc hậu của giọng hát và gương mặt Cao Thị Thanh (Qua bến đò Quan – Giải A đơn ca); của da diết, lúc trầm bổng, lúc cuồn cuộn của dòng Lô chảy qua một thời đạn bom, một thời hòa bình, một thời nhớ và yêu…(Sông Lô chiều cuối năm – Giải A đơn ca); của rộn ràng mê say, sắc màu rực rỡ, vũ điệu mênh mang (Đất nước trọn niềm vui – Giải B tốp ca)…

Chợt chạm vào những góc riêng, niềm yêu riêng, tự hào riêng của những miền quê riêng. Chúng ta về với “Nắng ấm Thái Bình”, “Gửi về quan họ”, “Sơn la phố núi”, “Người đẹp Thái Nguyên”, rượu và “Lời mời Điện Biên”, liên khúc Thanh Hóa “Biết mấy tự hào”… (Những tiết mục đạt giải cao). Cái riêng ấy chỉ là hình thức thôi, thực ra là cái chung hòa vào tình yêu quê mới, nơi các Công ty bám đất, bám dân.

Miên man, miên man và nồng nàn. Khán giả tự tin, chẳng cần nghe ai bình luận, cứ say sưa thưởng thức chất liệu phong phú của các tiết mục, dường như chính họ là giám khảo vậy.  Tất cả đều cùng chung cảm nhận hoàn hảo trước thành công của Hội diễn, của những tiết mục đa diện và điêu luyện, đạt tới một cấp độ mới, tràn đầy khích lệ… Nói như nhạc sỹ Hồ Quang Bình: “Những vẻ đẹp bắt nguồn từ cuộc sống, qua thế giới cảm quan và sáng tạo, sẽ trở lại với cuộc sống để ngày càng thanh tao hơn, mê hoặc hơn, khiến không bao giờ vội vàng thưởng thức, mà từ từ để nó được đi sâu đến tận tâm can, để rồi khiến cho nhận thấy mọi cay đắng trong cuộc đời đều trở nên nhẹ nhàng và tiếp đó là cảm giác bay bổng, lãng mạn, dồi dào sức sống”.

Thành công của Hội diễn không chỉ là cảm xúc sâu lắng để lại trong lòng người, mà còn là sự khám phá những giọng ca tài năng - “Tại sao không đi thi Sao Mai điểm hẹn nhỉ” – lời Nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh; còn là tìm thấy những quê hương thứ hai của mỗi người – nơi họ làm việc cũng là nơi để mà yêu mà nhớ; còn là sự hồi sinh từ U 60, U 50 trở về tuổi teen của các anh, các chị - Ôi, sự vĩ đại của văn nghệ! Và còn là rất nhiều thứ khác nữa. Hình ảnh những con người diễn mà như không diễn, sân khấu mà như đời thực, bước lên sàn diễn tự nhiên như từ sàn diễn trở về công việc là cái kết có hậu của một Hội diễn. Bởi lẽ tấm màn nhung rồi cũng phải khép lại, chúng ta rồi cũng phải chia tay nhau, cái mở, cái chờ đợi ở phía trước chính là cuộc chiến thầm lặng vì hạt lúa, tấn gạo cho dân, cho nước. Họ trở về với tư thế của người chiến thắng, với âm ba vọng lặp đầy phấn khích lạc quan, với một truyền thống mới được tạo lập, và với hăm hở làm, hăm hở chuẩn bị cho hội diễn lần sau. Đó chính là sức mạnh nội lực làm ra lợi nhuận quý giá vô cùng.

Bão lũ rồi sẽ qua và có thể bão lũ còn đến nữa, những khó khăn sản xuất kinh doanh của TCTy Lương thực miền Bắc gắn với nông dân sẽ còn rình rập phía trước. Nhưng có cơ sở để tin rằng giờ đây, trong hành trang của mỗi con người thành viên TCTy có thêm niềm tin lớn, niềm yêu lớn. Nhà nông sẽ không đơn độc, các doanh nghiệp sẽ không đơn độc. Lãnh đạo TCTy cùng với Công đoàn TCTy đã đổ công mài sức tổ chức Hội diễn, thì đoàn diễn viên hôm nay, 500 người dự khán hội diễn hôm nay sẽ là những hạt giống đỏ, gieo mùa mùa vụ vụ những tình cảm thiêng liêng, trong sáng, tái tạo không ngừng nguồn vốn vô hình quý giá của TCTy. Người lao động sẽ cùng nhau tay nắm chặt tay, tin cậy đứng trong hàng cùng với doanh nhân và nông dân.

Xem thêm
Ninh Dương Lan Ngọc rời Việt Nam sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc xác nhận với Tiền Phong thông tin nữ diễn viên du học Australia trong vài ngày tới. Cô sẽ trở lại Việt Nam sau hai tháng nữa.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.