Formula 1
Formula 1 - Công thức 1 hay thường được viết tắt là F1 trong tên gọi của giải đua nhằm để chỉ một loạt quy định của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA) mà tất cả người và xe tham gia phải tuân thủ, ví dụ như động cơ hút (atmospheric engine) lên đến 4.500 cm³.
Trong khi đó, Formula 2 - Công thức 2 (phân khúc thấp hơn) được định nghĩa cho loại động cơ hút có dung tích đến 2.000 cm³.
Ballast
Nguyên lý cơ bản là xe càng nhẹ thì sẽ có lợi thế hơn hẳn về tốc độ phóng, do đó để đảm bảo công bằng cho giải đấu, những chiếc xe cùng người cầm lái không đủ trọng lượng tối thiểu theo quy định sẽ phải gắn thêm "đá" ballast vào xe.
Theo quy định mới nhất của Giải đua F1 từ năm 2019, tổng trọng lượng của cả người và xe đã tăng lên 740 kg, trong đó trọng lượng của các tay lái và ghế ngồi phải đạt tối thiểu 80 kg.
Sự thay đổi về yêu cầu cân nặng này giúp nhiều tay lái "dễ thở" hơn đôi chút vì trước đây họ phải lên kế hoạch giảm cân trước mỗi chặng đua, để đảm bảo tổng trọng lượng của người và xe không vượt quá quy định.
Pit-stop
Giải đua xe F1 không chỉ là màn so kè tốc độ của một tay đua đơn lẻ mà còn là nơi thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong đội tại khu vực pit-stop.
Pit-stop hiểu đơn giản là điểm dừng kỹ thuật, nơi các tay lái nhanh chóng đưa những chiếc xe đua vào thay lốp rồi ngay lập tức trở lại đường đua.
Khi thời gian tính bằng giây là yếu tố tiên quyết để phân định thắng bại cho mỗi tay đua, đội nào có tốc độ thay lốp càng nhanh sẽ càng có lợi thế. Số lượng nhân viên hỗ trợ kỹ thuật luôn sẵn sàng tại các pit-stop là khoảng 20 người.
Kỉ lục hoàn thành pit-stop nhanh nhất hiện nay thuộc về đội Red Bull khi họ hoàn tất quá trình vào pit của Max Verstappen trong 1,82 giây tại 2019 Brazilian Grand Prix 2019.
Practice, Qualifying và Race
Nếu bạn thắc mắc vì sao một chặng đua F1 thường diễn ra trong 3 ngày thì câu trả lời là đây.
Ngày 1: Ngày luyện tập không bắt buộc (Practice) bao gồm hai buổi sáng và chiều, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng 30 phút
Ngày 2: Ngày đua phân hạng (Qualifying) kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ và được chia thành 3 phần: Q1, Q2, Q3, quyết định vị trí xuất phát của các tay lái trong ngày đua chính thức.
Phần đua này cho phép các tay đua chạy bao nhiêu vòng tùy ý, miễn là trong thời gian cho phép.
Ngày 3: Ngày đua chính thức (Race)
Đây là ngày đua chính thức quyết định ngôi vương của các đội tham gia với đỉnh điểm của những màn so kè tốc độ gay cấn nhất.
Tại 1 số nước tổ chức, lịch trình đua có thể được thay đổi chút ít. Chẳng hạn tại Grand Prix Monaco, ngày luyện tập bắt đầu vào thứ 5 để các tay đua có thời gian nghỉ ngơi vào thứ 6. Hay chặng đua chính thức tại Singapore 2008 và Bahrain 2014 diễn ra vào buổi tối thay vì buổi chiều như thông lệ.
Tại Việt Nam, chặng đua Formula 1 VinFast Vietnam Grand Prix sắp tới sẽ diễn ra trong 3 ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật từ ngày 3-5.
Luật 107%
Trong lượt đua đầu tiên (Q1) của Ngày đua phân hạng (qualifying), bất kỳ tay lái nào không hoàn thành vòng đua trong khoảng thời gian tối đa 107% so với kỷ lục hoàn thành của tay lái nhanh nhất lượt đua 1 (Q1) sẽ không được phép tham gia cuộc đua chính thức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, các trọng tài đua (steward) vẫn có thể cho phép điều này.
Marshal
Ở giải đua danh giá nhất thế giới thì công tác vận hành và đảm bảo an toàn luôn là ưu tiên số 1. Marshal là các tình nguyện viên/chuyên viên điều hành - sẽ là những người phụ trách nhiều vai trò trong cả chặng đua.
Họ sẽ phụ trách xe đua, phụ trách khu vực khán đài để đảm bảo khán giả không gây nguy hiểm cho bản thân và các tay đua, giúp đưa xe và tay lái gặp sự cố, tai nạn ra khỏi đường đua hay vẫy cờ hiệu để thông báo tình trạng với các tay lái.
Tại chặng đua Formula 1 VinFast Vietnam Grand Prix vào tháng 4/2020 tới, sẽ có khoảng 1.000 marshal được tuyển chọn và đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Liên đoàn xe động cơ Australia (CAMS).
Flag
Một hệ thống cờ hiệu (Flag) được sử dụng trong giải đua Công thức 1, mỗi màu và số lượng cờ hiệu sẽ truyền tải một thông điệp khác nhau.
Khi 1 cờ vàng được phất, các tay đua sẽ hiểu rằng đang có nguy hiểm trên đường đua, bắt buộc phải chạy chậm và không được vượt. Khi cờ vàng được phất 2 lá cùng lúc nghĩa là đường đua đang gặp sự cố, nhân viên cứu hộ đang có mặt trên đường đua để xử lý, do đó các tay đua không được vượt nhau.
Cờ vàng sọc đỏ báo hiệu bề mặt đường đua gặp sự cố, có thể gây trơn trượt cho xe đua. Ngược lại, khi nhìn thấy cờ xanh lá cây được phất, các tay đua có thể hiểu rằng đã hết khu vực nguy hiểm và có thể tiếp tục thi đấu bình thường.
Cờ xanh dương được phất lên khi tay đua cuối cùng bị tay đua đầu tiên trong đoàn đua bắt kịp (dẫn trước hơn 1 vòng đua), việc này đồng nghĩa tay đua cuối cùng phải nhường đường và không được có hành động cản trở tay đua đầu tiên vượt qua.
Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại – tính chính xác – kỷ luật và thời gian tính theo từng tích tắc đã làm nên sự hấp dẫn cho giải đua F1 – giải đua tốc độ đắt giá nhất hành tinh.