| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp an ninh nguồn nước Bình Thuận

Thứ Sáu 04/06/2021 , 09:53 (GMT+7)

Mỗi năm, nước đổ về Bình Thuận khoảng 7,1 tỷ m3 nhưng việc tích để dùng không nhiều. Do vậy, để an ninh nguồn nước, cần phải xây đủ các hồ, đập chứa.

Hồ chứa nước trơ đáy trong đợt khô hạn lịch sử ở Bình Thuận. Ảnh: Kim Sơ.

Hồ chứa nước trơ đáy trong đợt khô hạn lịch sử ở Bình Thuận. Ảnh: Kim Sơ.

Cực điểm khô hạn

Tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và đoàn công tác, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương đang trải qua thời kỳ khô hạn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Vào cuối năm 2019, tỉnh đón 2 cơn bão nhưng lượng mưa quá ít nên các hồ thủy lợi tích không đủ nước. Trong điều kiện hạn hán, tỉnh buộc phải cắt giảm diện tích sản xuất lúa ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình…

Cũng theo ông Kiều, không những các huyện, thị, thành phố đất liền bị ảnh hưởng, khu vực đảo Phú Quý của tỉnh cũng đang lâm vào tình trạng khan hiếm nước ngọt. Lượng mưa ít, nước ngầm giảm nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và tình hình sản xuất của người dân. “Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp tích nước hay lọc nước mặn thì khả năng phải di dân ở đảo vào đất liền là rất cao”, ông Mai Kiều lo lắng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận chia sẻ, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các cấp chính quyền đã tuyên truyền đến người dân về vấn đề khô hạn. Đồng thời khuyến khích người dân nạo vét kênh mương, cố gắng tích nước để ứng phó với giai đoạn khô hạn hiện nay.

“Chúng tôi tha thiết kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ để triển khai dự án thủy lợi, đặc biệt là hồ La Ngà 3 (huyện Tánh Linh). Nếu hồ này được thực hiện thì đến 2030, Bình Thuận sẽ thoát khỏi cảnh khô hạn”, ông Mai Kiều khẩn khoản.

Bình Thuận phải cắt giảm 14 nghìn ha diện tích lúa vụ Đồng Xuân 2019-2020 do hạn hán. Ảnh: Kim Sơ.

Bình Thuận phải cắt giảm 14 nghìn ha diện tích lúa vụ Đồng Xuân 2019-2020 do hạn hán. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện nay, do tình hình khô hạn kéo dài nên tỉnh Bình Thuận buộc phải nhờ vào sự điều tiết nước ở các công trình thủy điện ở địa phương.

Tuy nhiên, nước ở những công trình này cũng đang sụt giảm nghiêm trọng trong khi các nhà máy vẫn phải đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí nên tình hình trở nên khó khăn. 

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm hỗ trợ địa phương đầu tư các công trình thủy lợi lớn. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm hỗ trợ địa phương đầu tư các công trình thủy lợi lớn. Ảnh: Minh Hậu.

Đại diện Viện quy hoạch Thủy Lợi nhận định, Bình Thuận đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, dòng chảy đến địa phương là khoảng 7,1 tỷ m3 và nguồn này có thể cung cấp đủ cho tỉnh. Do vậy, các dòng sông cũng cần có quy hoạch và quy hoạch hệ thống kênh kết nối các hồ chứa. Trong tương lai, Bình Thuận tích càng nhiều nước càng tốt.

Theo đại diện Công ty thủy điện Đại Ninh, mực nước hồ từ đầu năm 2020 đã thấp hơn 10m so với bình thường. Khô hạn nên nước về hồ ít, chỉ đạt 9,6%, tức thấp nhất trong suốt 13 năm vận hành.

Vị này chia sẻ: “Chúng tôi rất khó khăn khi phải chịu cùng lúc 4 áp lực. Vừa phải đảm bảo đủ nước để vận hành nhà máy, tăng doanh thu vừa phải đảm bảo nước cho vùng hạ du theo quy định của Bộ NN-PTNT, vừa phải cung cấp đủ nước cho dòng chảy tối thiểu các lưu vực sông theo quy định Bộ TN-MT vừa phải đảm bảo điện cho hệ thống theo quy định Bộ Công Thương.

Nhà máy đã điều tiết, cung cấp 8,9 triệu m3 nước cho Bình Thuận thời gian qua và mong muốn tỉnh có biện pháp tích trữ hoặc tiết kiệm nước để cùng vượt qua khô hạn”.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, những năm qua, phát triển thủy lợi là nhiệm vụ mà địa phương ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều công trình ở tỉnh đã được đầu tư.

Ông Phong thổ lộ: “Các huyện phía bắc đã có dự án hồ Sông Lũy, phía nam thì đang có kế hoạch dự án hồ La Ngà 3. Về hồ La Ngà 3, đây là công trình rất cần thiết đối với tỉnh và mong được đầu tư sớm. Mong Bộ NN-PTNT có ý kiến chỉ đạo”.  

Tìm cách an ninh nguồn nước

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các báo cáo đánh giá cho thấy, mỗi năm, Bình Thuận đón nhận khoảng 7,1 tỷ m3 nước từ nhiều nguồn như sông suối, mưa. Tuy nhiên, việc tích trữ nước từ các nguồn này lại không nhiều nên về mùa khô bị thiếu.

“Nhu cầu của tỉnh hiện nay là 2,5 tỷ m3 nước và trong đó, nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp chiếm đến 80%. Lượng nước về nhiều nhưng các hồ chứa tích không được bao nhiêu, chỉ ở vào khoảng 340 triệu m3.

Hơn nữa, địa phương có lượng mưa bình quân thấp nhưng lượng bốc hơi cao gấp đôi. Do vậy, để an ninh nguồn nước, tỉnh phải làm đủ “kho”, hồ, đập chứa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu giải pháp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh Bình Thuận thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp để ứng phó khô hạn. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh Bình Thuận thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp để ứng phó khô hạn. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện nay, mỗi năm nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi tích được 1,5 tỷ m3 và Thủy điện Đại Ninh là 680 triệu m3. Nếu tổng hợp lại với các hồ thủy lợi thì lượng nước vừa đủ đáp ứng nhu cầu của Bình Thuận.

Vấn đề là thủy điện chỉ có thể điều tiết một phần nào đó vì các công trình này phải làm nhiều nhiệm vụ khác. Do vậy, cần có những giải pháp căn cơ hơn về phi công trình lẫn công trình mới có thể ứng phó với sự biến đổi khí hậu.

Trong đó, về vấn đề phi công trình, Bình Thuận cần tính toán phương án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng sử dụng cây trồng ngắn ngày, cây có sức chịu hạn cao. Đặc biệt là rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội để đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nước.

“Đối với công trình, tôi đề nghị tỉnh cố gắng đẩy nhanh, sớm hoàn thành các hồ chứa đang thực hiện để đến năm 2025 cơ bản giải quyết được khô hạn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói và cho biết thêm, dự án hồ Sông Lũy phải tích nước vào tháng 3/2021 và bàn giao vào tháng 6/2021 để giải quyết được nguồn nước ở khu vực bắc Bình Thuận. Các công trình khác như hồ Ka Pét, Tà Pao, tỉnh Bình Thuận phải phối hợp với Bộ NN-PTNT để tháo gỡ những khó khăn, sớm hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ công trình thủy lợi Sông Lũy ở Bình Thuận. Ảnh: Ngàn Phố.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ công trình thủy lợi Sông Lũy ở Bình Thuận. Ảnh: Ngàn Phố.

Các công trình như Sông Dinh III, kênh chuyển nước Cà Giây – Tà Mú – Cây Cà, tỉnh Bình Thuận cần xem xét, sớm hoàn tất để giải quyết tình hình khô hạn trước mắt lẫn lâu dài.

Về dự án hồ La Ngà 3 tại huyện Tánh Linh, đây được đánh giá là công trình lớn với dung tích thiết kế khoảng 470 triệu m3 nước. Công trình này có chi phí đầu tư dự kiến khoảng 10 nghìn tỷ đồng và nếu đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, công trình hồ La Ngà 3 lớn, kinh phí cao nên tỉnh Bình Thuận phải đánh giá kỹ lưỡng về mọi mặt.

Ông chỉ đạo: “Bộ giao UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu và ngay trong 2020, bộ sẽ bố trí kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để lập báo cáo chuẩn bị đầu tư”.

Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh khoảng trên 11 triệu m3, tức chỉ đạt khoảng 4,3% dung tích thiết kế. Lượng nước tại hồ thủy điện Đại Ninh cũng chỉ còn trên 12 triệu m3 (đạt 4,82% dung tích thiết kế), hồ thủy điện Hàm Thuận còn 103 triệu m3 (chỉ đạt 19,73% dung tích thiết kế).

Đối với nguồn nước tự nhiên, do tình hình khô hạn kéo dài nên các sông, suối đều đã cạn kiệt, mực nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn.

Vụ Đông Xuân 2019-2020, Bình Thuận phải cắt giảm gần 14 ghìn ha diện tích lúa, bắp và vụ Hè Thu năm nay chỉ trồng ở khu vực đồng bằng La Ngà thuộc khu tưới của đập dâng Tà Pao. Hiện nay, còn khoảng 30 nghìn ha lúa chưa thể sản xuất theo kế hoạch.

Ngoài ra, hàng chục nghìn ha cây trồng khác bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Về nước sinh hoạt, toàn tỉnh có 43 xã, phường, thị trấn bị thiếu cục bộ với khoảng trên 27 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều nơi của tỉnh, người dân phải mua nước để phục vụ các nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt với giá giao động từ 60.000 đồng-120.00 đồng/m3.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.