| Hotline: 0983.970.780

Vùng ven biển không có khả năng lấy nước ngọt

Thứ Sáu 27/12/2019 , 13:20 (GMT+7)

Ở các vùng cách biển 30-40km, từ tháng 12/2019 mặn có khả năng vượt quá 4g/l; từ tháng 1/2020 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông.

10-32-47_vung_ven_bien
Khô hạn ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Báo NNVN đăng bài: "Xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, khó lường". Theo đó, hạn mặn khốc liệt bởi ảnh hưởng bởi lũ nhỏ năm 2019 đã khiến nhiều vùng bắt đầu gặp khó khăn về nước ngọt. Trong đó, vùng cách biển 30 - 40km gần như không thể lấy nước ngọt từ cửa sông kể từ tháng 1 tới.
 

Dòng chảy về đồng bằng ở mức thấp lịch sử

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn, thời gian mùa mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy năm ước tính chỉ ở mức trung bình - thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, đang xuống ở mức cực thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1980 đến nay.

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng, chi phối chủ đạo đến nguồn nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 ở vùng ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mekong).

Lượng nước tích trữ trong Biển Hồ đến ngày 27/11/2019, ước tính khoảng 14 tỷ m3, thấp hơn gần 22 tỷ m3 so với cùng thời kỳ TBNN, thấp hơn 13 tỷ m3 so với năm 2018 và đang ở mức tương đương so với cùng thời kỳ năm 2015. Do đó có thể dự đoán dòng chảy từ Biển Hồ về đồng bằng trong mùa khô 2019 - 2020 rất hạn chế.

Mực nước bình quân tại trạm Chiang Sean (gần với Trung Quốc, cách trạm Tân Châu - Việt Nam khoảng 2.209km) từ đầu mùa khô đến ngày 27/11/2019 đang ở mức thấp (lịch sử). So với cùng thời kỳ năm 2018, mực nước thấp hơn 1,5m và thấp hơn 1,3m so với TBNN thời kỳ 1980 - 2018, và cũng chỉ đang ở mức tương đương 2015.

Tại trạm Kratie (thuộc Campuchia, trạm đầu châu thổ Mekong), mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến ngày 27/11/2019 so với cùng thời kỳ năm 2018 thấp hơn gần 2,1m, thấp hơn 3,3m so với TBNN 1980-2018 và so với cùng kỳ năm 2015 vẫn thấp hơn gần 1,2m.

Như vậy, dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng nước ta trong năm thủy văn nói chung và mùa khô 2019 - 2020 nói riêng dự kiến ở mức thấp lịch sử. Do vậy hạn mặn trên ĐBSCL dự báo cũng sẽ là năm hết sức gay gắt, nghiêm trọng, nhất là đối với vụ đông xuân 2019 - 2020 và nước sinh hoạt tại các vùng ven biển.
 

Ảnh hưởng tới nhiều vụ lúa

Mùa khô năm 2019 - 2020 có dòng chảy nhỏ so với những năm gần đây và so với TBNN; do đó diễn biến mặn tương đối phức tạp (xâm nhập sớm, sâu, biến động bất thường) nhất là vào các ngày triều cường kết hợp mạnh.

Trong khi đó, cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, kết quả dự báo triều năm 2019 - 2020, cho thấy, có một số điểm bất lợi: Đỉnh các tháng 1 - 3 khá cao, thời kỳ triều cao kéo dài trong những tháng lưu lượng về đồng bằng giảm thấp; mùa gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô. Đây là các yếu tố góp phần đẩy mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kênh, rạch vùng ĐBSCL.

Với những yếu tố bất lợi như trên, ở các vùng cách biển 30-40km, từ tháng 12/2019 mặn có khả năng vượt quá 4g/l; từ tháng 1/2020 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và nước sinh hoạt.

Các vùng cách biển 45 - 65km: Từ tháng 12/2019 đến tháng 4 - 5/2020 có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập. Nếu mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2020. Trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Khi triều rút, mực nước thấp có khả năng xuất hiện nước ngọt (trong một ngày, đỉnh triều có thể mặn khá cao, nhưng chân triều có thể độ mặn thấp, có thể lấy nước).

Các vùng cách biển xa hơn 70 - 75km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường, và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Với mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và kéo dài như trên, những vụ sau đây cần đặc biệt chú ý: Vụ đông xuân 2019 - 2020 chịu ảnh hưởng lớn do thiếu nước tưới, nhất là các vùng ven biển (cách biển đến 40 - 45km), đặc biệt từ tháng 1 trở đi; vụ mùa (vùng tôm-lúa) ở các vùng ven biển đến 30 - 40km có khả năng thiếu nước ngọt từ đầu tháng 12; vụ xuân hè, hè thu 2020 có khả năng bị ảnh hưởng nếu không có mưa sớm.

Một số vùng không có khả năng cấp ngọt, việc nuôi thủy sản (tôm nước lợ) có thể bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do nồng độ mặn cao (An Minh, An Biên - Kiên Giang, nam quốc lộ 1A-Bạc Liêu, Thạnh Phú, Ba Tri - Bến Tre ....). Có khả năng thiếu nước ngọt sinh hoạt cho người dân cho vùng ven biển ĐBSCL, đặc biệt là các vùng cù lao cửa sông (Tân Phú Đông - tỉnh Tiền Giang, Hòa Minh - Trà Vinh, Cù lao Dung - Sóc Trăng, các huyện ven biển tỉnh Bến Tre ).

Nhiều địa phương gặp khó về nguồn nước

Tỉnh Bến Tre sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt từ tháng 1. Tại các vùng dự án ngọt hóa: Nhật Tảo - Tân Trụ (Long An), Gò Công (dự án Gò Công, Tiền Giang), Trà Vinh (dự án Nam Mang Thít), trong các tháng 3, 4, 5 (nếu không mưa hoặc xả nước thượng lưu) phải tăng cường chuyển nước từ trên xuống theo các kênh dọc trục trong hệ thống.

Cần có kế hoạch nạo vét, tăng cường năng lực chuyển nước của các kênh trục hệ thống và mở cửa lấy gạn hoặc bơm để lấy nước (lúc này nước ngọt trong kênh rất thấp).

Vùng Long Phú - Trần Đề (Sóc Trăng) từ cuối tháng 12 sẽ gặp khó khăn về nước tưới và có khả năng xảy ra hạn trong vùng dự án. Do vậy cần có kế hoạch bơm trữ, vận hành cống hợp lý để tích trữ nước nước ngọt ngay từ thời điểm hiện nay khi ngoài sông nguồn ngọt vẫn còn thuận lợi.

Bên cạnh đó, mặn có khả năng xâm nhập vào Hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp từ các cửa sông Hậu và Sóc Trăng. Ở vùng ranh Sóc Trăng - Bạc Liêu (bán đảo Cà Mau), xâm nhập mặn phụ thuộc rất mạnh vào chế độ vận hành các cống ngọt hóa ven quốc lộ 1 từ Bạc Liêu đi Cà Mau. Các vùng đông Hà Tiên cũng cần chú ý chuẩn bị chống hạn mặn vào các tháng 2, 3, 4 và tháng 5.

Tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), mặn có thể xâm nhập với nồng độ đạt đến 2 - 4g/l vào tháng 3, 4, 5 (nếu không mưa). Vùng Vị Thủy (Hậu Giang) cũng cần đề phòng nguy cơ xâm nhập mặn cuối mùa khô.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.