| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp khẩn cấp chống dịch sâu hại vườn điều

Thứ Tư 15/03/2017 , 09:17 (GMT+7)

Dịch bọ xít muỗi cùng với bệnh thán thư hiện đang tàn phá cây điều tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Hậu quả khiến hàng loạt hộ nông dân trắng tay...

Hậu quả khiến hàng loạt hộ nông dân trắng tay, với số tiền bị thiệt hại vụ điều năm nay lên tới hàng trăm tỷ đồng.
 

Nhiều diện tích mất trắng

Theo Trung tâm BVTV phía Nam, tổng diện tích cây điều gieo trồng của các tỉnh phía Nam hiện có khoảng trên 217.000 ha, đạt sản lượng 276.000 tấn/năm.

15-57-24_nh-1-nh-vuon-tht-thu-do-dich-hi-tn-cong-vuon-dieu
Nhà vườn thất thu vì dịch hại tấn công vườn điều
 

Nếu như năm 2015, diện tích bị sâu bệnh chỉ khoảng 12.000 ha, thì đến năm 2016 diện tích điều bị nhiễm bệnh tăng lên 30.000 ha (trong đó nhiễm nặng gần 12.000 ha); đặc biệt mới đầu năm 2017 diện tích cây điều bị sâu bệnh tấn công như bọ xít muỗi và bệnh thán thư đã lên đến 33.000 ha; trong đó có trên 13.000 ha điều bị nhiễm nặng.

Nguyên nhân, do thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, đặc biệt xuất hiện những đợt mưa trái mùa kéo dài, trên diện rộng trong tháng 1, 2 và 3/2017 khiến ẩm độ tăng, sâu bệnh hại càng có điều kiện phát triển và bùng phát.

Đặc biệt, nhà vườn rất ít quan tâm đến việc chăm sóc, tỉa cành tạo tán, vệ sinh vườn… khiến bọ xít muỗi cũng như bệnh thán thư bùng phát mạnh; nhất là trong dịp trước và sau tết Nguyên Đán vừa qua.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam lạc quan cho biết: “Trong những ngày qua, trời nắng liên tục, nhiệt độ tăng, ẩm độ giảm xuống khiến mật độ bọ xít muỗi đã giảm rõ rệt. Cây điều hiện cũng đang bắt đầu ra chồi mầm mới và theo kinh nghiệm của bà con nhà vườn thì cây điều sẽ cho đợt bông mới, đậu trái; hy vọng cây điều sẽ cải thiện được tốt hơn trong thời gian tới”.

Đồng Nai là một trong những địa phương có diện tích điều nằm trong “vùng dịch”; riêng năm 2016-2017 diện tích điều bị nhiễm bọ xít muỗi và bệnh thán thư tăng đột biến; đặc biệt từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 diện tích điều bị nhiễm bọ xít muỗi và thán thư lên tới trên 2.000 ha. Đến nay, tổng diện tích điều ở tỉnh Đồng Nai bị nhiễm bọ xít muỗi lên tới gần 5.000 ha và bệnh thán thư là 4.635 ha.

 

Bà Trương Thị Thành, Chi cục trồng trọt và BVTV Đồng Nai cho biết: “Bọ xít muỗi và thán thư là bệnh gây hại chính và chủ yếu trên cây điều trong nhiều năm qua; đặc biệt cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 đã có gần chục trận mưa trái mùa khiến diện tích điều bị sâu bệnh tăng gấp đôi so với những năm trước; cây điều cả 3 đợt ra bông đều bị rụng bông, rụng trái hàng loạt”.

Theo bà Thành, không chỉ riêng với cây điều mà cây xoài cũng bị thiệt hại khá lớn trong thời gian qua, nhiều nhà vườn bị thất thu mùa xoài Tết.

Nông dân Nguyễn Văn Rung, Tổ trưởng Tổ BVTV của HTX sản xuất điều ở ấp 4, xã An Viễn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho hay, gia đình ông trồng 4 ha điều, dù nằm trong “vùng dịch” nhưng chính vì khâu chăm sóc tốt nên vẫn giữ được vườn điều cho năng suất trên 2,8 tấn/ha.

“Điều quan trọng nhất là bà con trồng điều phải thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán để vườn điều thông thoáng, thu gom cành, lá, hoa, quả bị bệnh đem tiêu hủy nguồn bệnh, hạn chế lây lan. Cần chăm sóc kỹ và sớm sẽ giảm được thiệt hại”, ông Rung chia sẻ kinh nghiệm.

15-57-24_nh-2-benh-thn-thu-nhiem-nng-tren-cy-dieu-di-nh-huon-bien-doi-khi-hu
Vườn điều bị thán thư
 

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng cũng báo cáo, cho đến thời điểm này gần như toàn bộ diện tích điều của toàn tỉnh đã bị mất trắng. Hiện tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa thống kê được chính xác mức độ thiệt hại có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
 

Giải pháp cấp bách

Theo nhận định chung, thời tiết cuối năm 2016, đầu năm 2017 có nhiều biến đổi, mưa trái mùa, đặc biệt là mưa trên diện rộng kéo dài càng khiến cho sâu bệnh hại điều phát sinh, phát triển nhanh. Đặc biệt là bọ xít muỗi đã thành dịch và gây hại nghiêm trọng đến khả năng đậu quả và năng suất điều (niên vụ 2016/ 2017) tại các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Thêm nữa, hiện tượng sương muối tạo môi trường thuận lợi cho bọ xít muỗi phát triển và lan tràn trong giai đoạn điều đơm hoa, kết quả. Khi hoa điều và chồi non trổ ra đều bị bọ xít muỗi chích lám cháy khô không thể phát triển, thụ phấn được. Ngoài ra, một số vườn điều ở tỉnh Bình Phước có hiện tượng bị sâu róm đỏ gây hại nặng và có nhiều khả năng lan rộng nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.

15-57-24_nh-3-bo-xit-muoi-xo-so-nhieu-vuon-dieu-o-phi-nm
Bọ xít muỗi phát triển tàn phá các vườn điều phía Nam
 

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Điều, để hạn chế thấp nhất điều kiện ngoại cảnh làm giảm năng suất điều, các tỉnh trồng điều cần phải khẩn trương hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện bọ xít muỗi là loài gây hại nguy hiểm nhất đối với cây điều, sâu róm đỏ và bệnh thán thư để phòng trừ.

Bọ xít muỗi có thể biến thành dịch và tàn phá nặng nề, làm cây bị khô ngọn, cành non, khô hoa, rụng trái non đồng loạt, các vườn điều nếu gặp dịch bọ xít muỗi có thể bị thiệt hại năng suất hoàn toàn. Do vậy, nhà vườn cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp theo khuyến cáo của ngành chức năng mới có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thơ, Phó giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung cũng cho rằng, các địa phương cần phải tập trung bảo vệ những diện tích điều còn chưa bị thiệt hại, nghiên cứu về quy luật phát sinh phát triển của bọ xít muỗi cũng như bệnh thán thư, để áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp hiệu quả, khôi phục lại sản xuất điều.

Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Nai cũng đồng quan điểm, nông dân cần phải chăm sóc, bón phân xử lý để điều ra hoa sớm, tập trung; kiểm tra mật số bọ xít muỗi, mức độ gây hại vào buổi sáng sớm và chiều tối; theo dõi diễn biến chủ động phòng chống sinh vật hại sau mưa và khi có sương mù…

Ông Lê Văn Thiết, Phó Cục trưởng Cục BVTV: "Khảo sát thực tế tại một số vùng trồng điều tập trung cho thấy mức độ bọ xít muỗi và bệnh thán thư gây hại trên cây điều rất nặng, với mức độ thiệt hại trên 70%, thậm chí lên đến 100%. Đề nghị tất cả các Chi cục BVTV các tỉnh cần phổ biến gấp các giải pháp quản lý dịch hại trên cây điều để nông dân áp dụng. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác dự báo dịch hại kịp thời đến với người dân”.

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.