Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương Nam Trung bộ, trong nuôi biển truyền thống phải cần quy hoạch lại, đồng thời quy hoạch nuôi biển trên vùng biển mở, phải thực hiện cùng lúc 2 hướng nói trên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bởi, ngay bây giờ chưa thể bỏ nuôi biển theo kiểu truyền thống, cũng như chưa thể phát triển ngay nuôi biển công nghiệp đồng loạt được. Do vậy, phải thực hiện song song 2 hướng.
Việc quy hoạch vùng nuôi thủy sản phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn, một là mở không gian lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn đầu tư vào nuôi biển, nhưng đồng thời cũng tạo không gian ổn định cho các ngành nghề nuôi biển quy mô nhỏ phát triển, tạo sinh kế cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng vùng ven biển. Tránh xu hướng tập trung, ưu tiên thu hút đầu tư vào nuôi biển quy mô lớn, nhưng lại thu hẹp và không có không gian biển cho nuôi quy mô vừa và nhỏ, nuôi đa dạng, nuôi truyền thống.
“Phú Yên đã lập quy hoạch phân khu, phân lô 747 ha làm cơ sở giao khu vực biển cho hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài. Người nuôi biển ở địa phương đang mong chờ sớm được Nhà nước tổ chức, sắp xếp lại nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển; giao khu vực nuôi ổn định lâu dài. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch được duyệt, một số quy hoạch chuyên ngành chồng chéo nên chưa thực hiện các mục tiêu đề ra trên từng vùng nước nuôi trồng thủy sản, các tồn tại hạn chế vẫn kéo dài”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên chia sẻ.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp xây dựng mô hình liên kết và sản xuất tôm hùm trên cơ sở triển khai dự án “Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm” của Bộ NN-PTNT.
Theo đó, dự án đang hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Vừa qua, đơn vị chủ trì đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tác nhân tham gia mô hình. Trong thời gian tới, khi mô hình được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong cho biết, HTX có 32 xã viên với gần 4.000 ô lồng chủ yếu nuôi tôm hùm bông các các loài cá biển. Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đang hỗ trợ cho HTX thí điểm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm hùm. Đồng thời nâng cao năng lực cho HTX thông qua đào tạo, tập huấn, hướng dẫn quy trình phòng chống dịch bệnh và quy trình bao gói, vận chuyển. Ngoài ra, để thúc đẩy liên kết và tiêu thụ, HTX còn được hướng dẫn nghiên cứu đánh giá thị trường, phát tài liệu hướng dẫn các thủ tục xuất khẩu chính ngạch.
Ở Phú Yên hiện cũng đã hình thành các HTX thủy sản để hướng tới nuôi biển bền vững, đồng thời đã xây dựng khu sản xuất giống tôm hùm đúng tiêu chuẩn, để con giống có tỷ lệ sống cao phục vụ người nuôi ở thị xã Sông Cầu để khỏi phải nhập khẩu con giống. Việc chủ động được con giống có ý nghĩa rất quan trọng bởi có địa chỉ rõ ràng, đây là cơ sở để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Đã thành lập được 63 tổ đồng quản lý nuôi trồng thủy sản để giao quyền quản lý vùng nước, tổ chức nuôi trồng thủy sản. Thí điểm mô hình thu gom rác thải nuôi trồng thủy sản trên biển; giám sát môi trường và thử nghiệm giám sát môi trường tự động; giám sát dịch bệnh, hướng dẫn phát đồ điều trị bệnh trên tôm hùm nuôi.
Ở Bình Định thì đang tổ chức lại sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm bắt đầu từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng; từ nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn sinh học và chung tay bảo vệ môi trường.
PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3: “Hiện nay, người nuôi biển thường tư duy mùa vụ và chạy theo sản lượng, giờ cần phải thay đổi từ tư duy mùa vụ sang sản xuất cái thị trường cần, không sản xuất cái mình có và tư duy sản lượng cao sang tư duy chuỗi giá trị. Khi tiếp cận được với thị trường thì người nuôi biển sẽ không gặp rủi ro về đầu ra của sản phẩm. Để làm được điều này, cần hướng dẫn, tập huấn, đào tạo cho người nuôi biển và tạo điều kiện cho họ tham quan, học tập các mô hình nuôi biển tiên tiến, hiện đại. Có như vậy, chúng ta mới mong việc chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống thành công được”.