| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp nuôi tôm trên cát bền vững

Thứ Sáu 23/10/2020 , 07:20 (GMT+7)

Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, các chuyên gia đã đưa ra những kinh nghiệm và giải pháp để nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bền vững.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiệu quả và bền vững” cho người dân ở miền Trung.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: 'Giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả và bền vững'.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả và bền vững”.

Tham gia diễn đàn có ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đại học Nông lâm Huế, đại diện các tập đoàn nuôi trồng thủy sản và 160 chủ hộ nuôi tôm tiêu biểu ở miền Trung.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những thành công trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng. Có 28 câu hỏi được đặt ra về kĩ thuật nuôi, cách phòng trị bệnh, chọn con giống, sử dụng chế phẩm vi sinh… được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp.

Trước câu hỏi của người nuôi tôm ở tỉnh Thừa Thiên- Huế, đại diện Tập đoàn Việt Úc đã chia sẻ cách nhận biết con giống đảm bảo chất lượng, có thể kiểm tra việc phân đàn khi lấy giống, quan sát màu sắc, hình dạng hay gan tụy, đường ruột, sự sinh sản...

Mô hình nuôi tôm theo VietGAP tại Thừa Thiên Huế.

Mô hình nuôi tôm theo VietGAP tại Thừa Thiên Huế.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Phước – Đại học Nông Lâm Huế trả lời về cách phòng bệnh hoại tử, gan tụy cho tôm, bệnh này từ xuất phát từ đường miệng nên phải chú trọng đến nguồn thức ăn, nguồn nước, tránh hồ ao bị nước ứ đọng và quan trọng nhất là phòng bệnh từ xa bằng việc kiểm dịch và dùng những sản phẩm vi sinh để hỗ trợ cho tôm.

Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do lũ lụt và ổn định lại việc nuôi trồng, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề đã trao tặng 66 ngàn lít sản phẩm BODE- MOTHER WATER trị giá 10 tỷ đồng và Công ty TNHH Khoa học Việt Đức trao số tiền 1 tỷ đồng hỗ trợ người nuôi tôm 5 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Các câu hỏi của người dân chuyên gia giải đáp cụ thể.

Các câu hỏi của người dân chuyên gia giải đáp cụ thể.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thông qua diễn đàn, nhiều bà con đã nắm được những kiến thức để biết cách phòng tránh những rủi trong nuôi tôm. Để việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hiệu quả và bền vững, cần đảm bảo các yếu tố như thiết kế ao đồng bộ, có lưới che, nếu nuôi thâm canh phải có cống tràn nước mưa. Chọn giống đảm bảo chất lượng, không mua tôm giống trôi nổi trên thị trường. Trước khi mua thông báo độ mặn, nhược điểm nuôi để cơ sở sản xuất giống biết, quan sát con giống có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh...

Cũng theo ông Tiêu, “nuôi tôm là nuôi nước”, do đó ao nuôi phải thường xuyên được trong suốt, tạo ra thức ăn tự nhiên. Phải duy trì vi sinh vật có lợi, bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh. Đồng thời, thường xuyên tăng cường đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin C, thảo dược, khoáng chất…

Đặc biệt, người nuôi phải quản lý thức ăn và môi trường nước trong ao nuôi. Cho ăn đúng lượng, đúng liều theo “3 xen, 4 định” . Môi trường nước luôn được kiểm soát, không để nước đặc màu. Nếu nuôi thâm canh thì phải thực hiện đúng “5 không” (không để nước quá lâu, không để nước quá sâu, không để nước đứng yên, không lấy nước trực tiếp, không xả thải ra môi trường), ức chế vi sinh vật có hại bằng việc sử dụng men vi sinh.

Ông Tiêu cũng đã đưa ra một số kinh nghiệm trong nuôi tôm hiệu quả, như: Trước khi tiến hành nuôi phải tham quan, học hỏi mô hình hay và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để sản xuất. Ghi chép cụ thể để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Đồng thời, luôn đổi mới, chủ động sáng tạo, chứ không máy móc rập khuôn.

"Đề nghị khuyến nông các tỉnh xây dựng các mô hình nuôi tôm hữu cơ công nghệ cao, an toàn thực phẩm. Triển khai các hình thức nuôi trồng xen canh như tôm - cua, tôm - cá, tôm - nhuyễn thể... Kết hợp mô hình với đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền với khẩu hiệu “Chuyển giao kĩ thuật có khuyến nông làm bạn”. Ngoài ra, cũng cần quan tâm chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất. Các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nguồn giống chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường...", ông Tiêu nhấn mạnh.

  • Tags:
Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.